Thuê bao đăng ký bằng chứng minh thư cũ mà chưa có CCCD sẽ được chuẩn hóa thông tin thế nào?
Những thuê bao đã đăng ký bằng Chứng minh thư nhân dân (CMND) còn thời hạn sử dụng, thông tin đầy đủ và chính xác theo quy định, vẫn hoạt động bình thường.
Làm thế nào để mở lại thuê bao sau khi bị khóa vì chưa chuẩn hóa thông tin?
Những ngày qua, liên quan đến thông tin thuê bao" data-rel="follow">chuẩn hoá thông tin thuê bao vẫn còn hơn 1 triệu thuê bao chưa cập nhật thông tin và đã bị khoá chiều gọi đi theo quy định.
Tuy nhiên, dù bị khoá khách hàng vẫn có thể mở lại nếu thực hiện việc chuẩn hoá theo đúng quy định trong 15 ngày tiếp theo.
Cụ thể, khách hàng vẫn có thể tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao trên App/Web để được mở lại liên lạc (thông qua truy cập Wi-Fi hoặc từ thiết bị khác và đăng nhập qua mã OTP gửi đến số điện thoại của khách hàng) hoặc đến các điểm giao dịch của nhà mạng trên toàn quốc để được hỗ trợ chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Nếu sau 15 ngày bị khoá 1 chiều (1/4-15/4) thuê bao vẫn chưa thực hiện việc chuyển hoá sẽ tiếp tục bị khóa 2 chiều trong 15 ngày tiếp theo (15/4-30/4). Sau 30 ngày kể từ khi khóa 2 chiều (30/4), sim sẽ bị thu hồi.
Thuê bao chưa đồng bộ CCCD sẽ chuẩn hoá sim điện thoại thế nào?
Liên quan đến việc chuẩn hoá thông tin thuê bao, nhiều khách hàng sử dụng CMND để đăng ký sim thắc mắc liệu có cần đi chuẩn hoá thông tin hay không?
Về vấn đề này, tại Họp báo thường kỳ tháng 3/2023 vào chiều 3/4, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết, những thuê bao đã được đăng ký bằng CMTND còn thời hạn sử dụng, nếu như có thông tin đầy đủ và chính xác theo quy định vẫn hoạt động bình thường.
Ngoài ra, đối với thuê bao đã đăng ký bằng CMTND mà chưa đồng bộ căn cước công dân (CCCD) mới, được hiểu là có thể chưa kịp đồng bộ, hay người đó chưa được cấp CCCD, trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa có dữ liệu về CCCD mới:
Với những trường hợp này, nhà mạng chủ động rà soát dữ liệu trong cơ sở dữ liệu của nhà mạng và hồ sơ đăng ký thuê bao trước đó, tức là hồ sơ bản giấy hay bản photo giấy tờ tùy thân để khẳng định cơ sở nhà mạng trùng khớp với bản chụp giấy tờ khi đăng kí của khách hàng. Việc này nhà mạng tự làm không làm phiền đến người dân vì nhà mạng nắm giữ hồ sơ.
Trong trường hợp đã trùng khớp, nhà mạng tiếp tục định kỳ đối soát cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi cơ sở dữ liệu này có thêm dữ liệu của người dân khi người dân đến làm CCCD mới hay cập nhật CMTND, thì nhà mạng cập nhật dần dần và đối soát định kỳ với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, không gây phiền hà đến khách hàng.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, với công dân, khi muốn kiểm tra thuê bao có thông tin đúng của mình chưa, cách thức nhà mạng đã hướng dẫn rộng rãi. Cụ thể, người dân chủ động nhắn tin SMS miễn phí tới đầu số 1414 với cú pháp TTTB (viết tắt của "thông tin thuê bao").
Việc chuẩn hóa thuê bao di động được đánh giá là cần thiết nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi dùng sim điện thoại không đúng quy định để lừa đảo, quảng cáo sai sự thật. Ngoài ra, theo các nhà mạng, thông tin thuê bao chính xác giúp người dùng được hỗ trợ tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi thông tin bị lợi dụng cho mục đích xấu.
Cẩn trọng lợi dụng chuẩn hoá để lừa đảo
Trong thời gian các nhà mạng thực hiện chuẩn hoá thông tin, đã xuất hiện trường hợp các đối tượng mạo danh Cục Viễn thông, nhân viên nhà mạng... đe doạ "khóa thuê bao" để lừa đảo người dùng.
Cụ thể, người dùng sẽ nhận được một cuộc gọi tự động thông báo họ sắp bị khóa thuê bao. Sau đó yêu cầu thực hiện theo các bước. Lúc này các đối tượng lừa đảo tự nhận là nhân viên quản lý các nhà mạng, yêu cầu người dùng cung cấp số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để kiểm tra trên hệ thống thuê bao đã đăng ký thông tin chính chủ hay chưa.
Nếu người dùng từ chối cung cấp, các đối tượng đưa ra nhiều lời đe dọa về việc thuê bao sẽ bị khóa và yêu cầu người dùng làm theo hướng dẫn. Lúc này nếu nạn nhân thực hiện theo các hướng dẫn sẽ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại và kẻ xấu sẽ tiến hành chiếm đoạt các tài khoản khác như mã OTP của ngân hàng, tài khoản mạng xã hội...
Chiêu thức lừa đảo này không mới, nhưng trong bối cảnh các nhà mạng đồng loạt thực hiện rà soát để khóa thuê bao khiến người dùng rất khó phân biệt thật giả, dễ bị mắc lừa. Kẻ xấu thường khai thác tâm lý lo lắng và nhắm vào vấn đề liên quan đến quyền lợi, luật pháp nên càng khiến cho người dùng dễ hoảng sợ và làm theo kịch bản của kẻ lừa đảo.