Thực phẩm chức năng quảng cáo trên trời: Khó xử lý sai phạm
Mạo danh bác sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo thổi phồng về thực phẩm chức năng dù phát hiện được nhưng không có nghĩa sẽ xử lý được.
1/5 dân số Việt Nam đang sử dụng thực phẩm chức năng và con số này vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng kéo theo đó các hình thức quảng cáo, marketing những sản phẩm này cũng phát triển nhanh. Hình thức vi phạm ngày càng tinh vi hơn, thậm chí mạo danh bác sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo lố.
Báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh về việc quản lý và sử dụng thuốc trên địa bàn để chuẩn bị cho phiên giải trình tại kỳ họp thường trực sắp tới, các cơ quan chuyên môn dành một phần không nhỏ cho thực phẩm chức năng, vấn đề nhức nhối hàng đầu hiện nay.
"Khi phát hiện chuyển thanh tra, thanh tra xử lý mời lên, mời thì không lên, hoặc lên rồi thì nói đây không phải do em làm, em không quảng cáo gì cả, đó là nhân viên em tự ý làm. Máy chủ thì đa số ở nước ngoài", bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An Toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Cùng với quảng cáo trên trời về công dụng, vấn nạn giá cả cũng là một nhức nhối không kém.
80% các quảng cáo gây bức xúc hiện nay trên mạng xã hội là "trá hình" thực phẩm chức năng.
"Thực phẩm chức năng không có tác dụng điều trị nhưng hiện nay giá của thực phẩm chức năng là giá trên trời", dược sĩ Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Nguyên nhân của việc không quản lý được giá thực phẩm chức năng là do chưa có quy định trong Luật Dược, thêm vào đó là tâm lý của người tiêu dùng khi đánh đồng giá cả với chất lượng. Trong khi việc quản lý chất lượng, giá cả với hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước đều đang gặp khó bởi với đặc tính là sử dụng các dược liệu tự nhiên, nhưng đang thiếu hành lang pháp lý để quản lý.
"Khi đi kiểm tra khu phố đông y thì tương đối, nhưng đi ngang qua thì thấy dược liệu phơi ngoài lề đường, như vậy vệ sinh an toàn thực phẩm ở đâu, chất lượng ở đâu", bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nêu ý kiến.
"Mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe gặp nhiều khó khăn do không có chuẩn dược liệu, đặc biệt là dược liệu để đối chiếu vì thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng thường được quảng cáo từ nguồn gốc thiên nhiên nhưng thiên nhiên không chuẩn", bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An Toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nói.
Chính vì vậy, những nỗ lực từ cơ quan chuyên môn hay sự chủ động của các địa phương như TP Hồ Chí Minh là chưa đủ cho bài toán loạn thực phẩm chức năng. Đây chính là nền tảng để dự thảo Luật Dược (sửa đổi) xem xét bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo việc tiếp cận thuốc nhanh chóng, bền vững của người dân.
Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo gây bức xúc hiện nay trên mạng xã hội là "trá hình" thực phẩm chức năng. Năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 19.000 sản phẩm vi phạm, sai phạm; quý I/2024 phát hiện gần 200 sản phẩm vi phạm.
Quảng cáo sai trong lĩnh vực thực phẩm chức năng không chỉ gây thiệt hại về tài chính của người bệnh, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Bởi nếu được điều trị đúng cách, người bệnh có thể khỏi bệnh, nhưng tin theo quảng cáo sai sự thật có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh, qua thời gian điều trị vàng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới nỗ lực kiểm soát quảng cáo. Trong đó việc quản lý văn nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng cần có quy định hợp lý hơn nữa.