Thú vị những cô thôn nữ Bến Tre cầm cương lái xe ngựa

V.P,
Chia sẻ

Có dịp ghé qua cù lao sông Tiền, tham quan các khu du lịch miệt vườn, du khách sẽ được trải nghiệm một loại hình du lịch mới, ngồi xe ngựa dạo quanh rừng dừa. Điều thú vị ở đây “tài xế” đa phần là nữ giới.

Du ngoạn bằng xe ngựa là điểm đặc trưng của du lịch sinh thái trên địa bàn hai xã Tân Thạnh và Quới Thiện ( Huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).  Cách đây mấy chục năm nơi đây được xem là “thủ phủ” xe ngựa. Trong 10 nhà thì có ít nhất 3- 4 nhà nuôi ngựa. Nhưng thời đại công nghiệp, đủ loại xe chạy máy ra đời, nhiều người đánh xe ngựa đã chuyển qua lái xe lam, xe tải để chở hàng hóa, nông sản.

Xe ngựa gần như đã mất hẳn, đâu đó chỉ còn lại một số chiếc. Kể từ năm 2002, huyện Châu Thành bắt đầu phát triển du lịch sinh thái thu hút nhiều du khách trong nước lẫn nước ngoài. Các chị em nhân dịp này đã “vùng lên” lên tự chủ làm kinh tế.

Dưới sông đã có mấy cô bơi xuồng rồi thì trên bờ mình lấy ngựa của ông xã ra đưa đón khách, kiếm thêm thu nhập” - các chị giải thích về ý định tạm gác chuyện bếp núc, toát lên xe ngựa để kiếm tiền.

Các chị cũng cho biết thêm lợi thế của cảnh phụ nữ đánh xe ngựa: "Ngựa Việt Nam mình đa phần là giống nhỏ con. Mỗi chuyến xe chỉ chở từ 4-8 khách trong nước, 3-5 khách nước ngoài, nếu chở quá số người ngựa sẽ không đủ sức kéo. Mình là phụ nữ nhẹ kí hơn mấy ông, ngựa cũng đỡ mất sức. Với lại, phụ nữ cũng duyên dáng hơn đàn ông”. - nói xong các chị cười ồ.

Thú vị những cô thôn nữ Bến Tre cầm cương lái xe ngựa  1
Chị Kim Tiến đánh xe, chuẩn bị dạo quanh để bắt thêm khách.

Thú vị những cô thôn nữ Bến Tre cầm cương lái xe ngựa  2
Dù nắng gió làm da chị đen sạm đi, nhưng chị yêu thích công việc này và luôn tươi cười với khách

Hằng ngày các chị đón khách du lịch từ thuyền rồi chở đến các vườn cây ăn trái, các điểm ăn uống, thăm quan trên địa bàn xã. Mỗi buổi sáng, trên đường quê, xe ngựa của các chị lại lốc cốc kéo nhau về các khu du lịch.

Hiện tại có hơn 40 chiếc xe ngựa do nữ “tài xế’ cầm cương, các chị thường làm việc theo từng nhóm, tất cả đều ký hợp đồng với các điểm du lịch để đưa đón khách. Chị Kim Tiến (33 tuổi, xã Quới Sơn) mô tả thêm: “Mỗi sáng thức dậy sẽ cho ngựa ăn no trước khi lên đường. Trong thời gian ngựa nghỉ ngơi thì mình lo cơm nước, rồi gói theo cơm trưa cho mình và mang theo một ít cỏ cũng như mật đường dự trữ cho ngựa ăn dọc đường”.

Thú vị những cô thôn nữ Bến Tre cầm cương lái xe ngựa  3
Chị Bích Hoa vui vẻ kể về lần đầu ra nghề

Từ việc lo bếp núc, chăm lo ngựa trong chuồng, nay chuyển qua cầm cương ngựa trên đường, các chị đã gặp phải không ít sự cố. Chị Trần Bích Hoa (44 tuổi) cho biết: “May mắn là ngay hôm ra nghề tôi đã đón được khách. Nhưng lần đó cũng hú hồn. Ngựa lâu rồi không ra đường chở khách, thêm phần tôi giật cương thế nào không biết khiến ngựa giở chứng. Tôi phải lao người xuống ghì dây cương để khách khỏi bị hất xuống đất. Lần đó về tôi bị ê một bên vai và đau chân do lúc nhảy xuống gấp, phải nghỉ hết mấy ngày”.

Chị Hoa tiết lộ về khoản thu nhập: “Hiện tại các khu du lịch trả lương theo tháng, mỗi tháng gần 3 triệu. Nhưng mua cỏ, mua thức ăn cho ngựa cũng tốn rất nhiều tiền”.

Thú vị những cô thôn nữ Bến Tre cầm cương lái xe ngựa  4
Phút nghỉ ngơi khi vắng khách của hai chị.

Thú vị những cô thôn nữ Bến Tre cầm cương lái xe ngựa  5
Ở góc khác, một nữ "tài xế" ngựa đang được con gái "chăm sóc" sau giờ làm.

Các khu du lịch hiện đang được mở rộng, khách du lịch đến thăm ngày càng nhiều. Để đảm bảo công việc đánh xe ngựa, các chị không quên học tiếng Anh, tiếng Pháp để có thể giao tiếp mỗi khi chở khách nước ngoài . Phận nữ nhi lắc lư theo vó ngựa dĩ nhiên là khổ cực, nhưng tự chủ về kinh tế và góp phần tăng thu nhập cho gia đình là động lớn đối với các chị. 
Chia sẻ