Thu nhập 20 triệu/tháng vẫn không một xu tiết kiệm

Thảo Nguyên,
Chia sẻ

Tổng thu nhập của vợ chồng trẻ này được tất thảy 20 triệu/tháng. Họ đang có 2 con nhỏ và tháng nào cũng chi tiêu "vừa xoẳn" tháng đó.

Đó chính là câu chuyện chi tiêu nhà vợ chồng Nguyễn H.V và Trần T.T. Hiện vợ chồng này cùng 2 con nhỏ (bé 5 tuổi và bé 13 tháng tuổi) đang thuê nhà ở phố chùa Láng, Hà Nội.

6 năm kết hôn, tay trắng vẫn hoàn trắng tay

“Từ ngày vợ chồng lấy nhau đến giờ, nhìn lại của cải vô giá nhất của 2 vợ chồng chỉ là con cái. Còn lại, 6 năm kết hôn, vợ chồng vẫn hoàn trắng tay, khoản dành dụm của 2 đứa mỗi tháng không đáng kể. Tất cả chỉ bởi, cuộc sống phải chi tiêu tốn kém quá. Vợ chồng làm lương tháng 20 triệu mà chỉ đủ chi tiêu trong gia đình thôi” - chị H.V kêu ca.

Cũng theo chị H.V chia sẻ, chồng chị hiện đang làm nhân viên thiết kế một công ty đồ họa. Lương tháng của anh được gần 14 triệu. Còn chị hiện đang làm kế toán một công ty tư nhân. Mỗi tháng cả lương cả thưởng của chị được khoảng suýt soát trên dưới 6 triệu. Tổng cộng, mỗi tháng vợ chồng chị có khoảng 20 triệu. Nhưng đến giờ họ không có khoản tiền tiết kiệm và vẫn phải đi thuê nhà.

Thu nhập 20 triệu/tháng vẫn không một xu tiết kiệm 1
Song 6 năm kết hôn, tài sản duy nhất của cặp vợ chồng này chỉ 2 là con yêu. 

Người phụ nữ 32 tuổi này cũng nói thêm: “Hàng tháng lấy lương về, mình chẳng dám rút ra 1 cục. Mình cứ để tiền trong tài khoản ATM. Nhưng mỗi tháng, kiểu gì cũng phải rút dần ra tiêu và cuối tháng thì cũng tiêu hết sạch. Trước kia, vợ chồng cứ tự nhủ phải tích cóp hoặc vay thêm ngân hàng để mua nhà rồi hàng tháng lĩnh lương trả nợ dần, chỉ để 1 khoản vừa đủ để tiêu. Nhưng kế hoạch ấy bị phá sản nhanh chóng vì tiền tiêu sinh hoạt chỉ vừa đủ trong gia đình, làm sao dám mơ đến chuyện mua nhà trả góp hay tiết kiệm gì nữa”.

Theo chị tiết lộ, với số tiền 20 triệu/tháng, chị vừa phải trả tiền thuê nhà, vừa nuôi 2 con nhỏ nên không để dành hay tiết kiệm được. Bởi thế, “Cứ mỗi khi nhà có việc mình sợ lắm. Cứ ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết tháng lại một đống tiền phải chi ra khiến mình suy tính đến nát óc. Bản thân mình cũng muốn trích ra một khoản nào đó gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn thôi cũng được hay mua vàng, USD để tiền đẻ ra tiền như nhiều chị em khác hay làm, nhưng bài toán tiết kiệm ở nhà mình vẫn đang đi vào ngõ cụt” - Chị đau đầu nói.

Kế hoạch chi tiêu cụ thể với lương tháng 20 triệu

Với chừng đó lương tháng, vợ chồng trẻ này cũng chẳng chi tiêu gì hoang phí hay chi tiêu cho bản thân song số tiền này tháng nào vẫn hết tháng đó. Cụ thể, 1 tháng, vợ chồng chị phải đứng ra chi trả những khoản tiền lớn nhỏ sau cho sinh hoạt gia đình:

+ Tiền thuê nhà: 3 triệu

Vợ chồng chị thuê được một căn nhà 2 tầng trong ngõ đủ để gia đình sinh hoạt. Nhà có 3 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 phòng bếp.

+ Tiền học bé lớn: 1,3 triệu

Do con chị 5 tuổi nên chị vẫn cho con học mẫu giáo công lập gần nhà để tiện đưa đón. Tiền ăn mỗi tháng của cháu là 7 trăm ngàn. Tổng cộng thêm nhiều phụ phí khác, chị chi trả tiền học cho bé lớn khoảng 1,3 triệu đồng.

+ Tiền ăn: 6 triệu/tháng

Một ngày, gia đình chị có 2 vợ chồng + 1 giúp việc + 2 con nhỏ nên chị luôn dành cố định khoản tiền ăn là 200 ngàn đồng/ngày (anh chị mang cơm trưa đi làm). Tính ra, một tháng, tiền ăn nhà chị mất khoảng 6 triệu đồng.

+ Tiền thuê giúp việc: 3 triệu

Vì nhà chị có con nhỏ chỉ mới 13 tháng, bà nội bà ngoại đều bận công tác nên không ai lên phụ giúp được trông cháu. Chị cũng tính cho bé nhỏ đi lớp song vợ chồng đều đi làm về muộn, giờ giấc thất thường nên khi về không có ai kịp đón hay trông 2 con. Vì thế, chị phải quyết định thuê giúp việc.

+ Tiền điện, nước: 650 ngàn đồng

Tiền nước mỗi tháng nhà chị hết khoảng 150 ngàn. Số tiền còn lại dành cho chi trả tiền điện.

+ Tiền ga: hơn 300 ngàn đồng

+ Tiền điện thoại: 500 ngàn đồng

+ Dầu gội đầu, sữa tắm, mắm muối, bột giặt linh tinh: 1 triệu

+ Sữa cho con: 1 triệu

+ Tiền cỗ bàn: 1 triệu

Mỗi tháng 1 kiểu phát sinh khác như thăm cô giáo 20/11, thăm người ốm, hiếu hỷ, giỗ,…Đó là chưa kể có đám còn phải vợ chồng nghỉ làm để cùng về quê ăn cỗ nữa còn tốn kém hơn.

+ Tiền biếu bố mẹ chồng: 500 ngàn đồng/tháng

+ Tiền xăng xe: 500 ngàn đồng

+ Tiền mua bảo hiểm (chỉ mua cho 2 con): 600 ngàn đồng

Để tiết kiệm và tích lũy cho con, lại bảo vệ con khi có vấn đề về sức khỏe, chị H.V cũng quyết định mua cho mỗi con 1 gói bảo hiểm. Tuy chị cố gắng đóng cả năm nhưng số tiền bảo hiểm định kỳ tính ra mỗi tháng chị phải đóng cho 1 con tối thiểu là 300 ngàn đồng.

Thu nhập 20 triệu/tháng vẫn không một xu tiết kiệm 2
Giá cả đắt đỏ, người vợ này đang có kế hoạch tiết kiệm mỗi tháng 1 triệu mà không biết có thực hiện được không?

Tổng cộng: 19.350.000 đồng

Mỗi tháng tính ra, vợ chồng này chỉ còn dư 750 ngàn đồng để tiết kiệm. Nhưng hầu như tháng nào, chị H.V cũng tiêu hết sạch. Bởi có tháng, chị phải mua thứ này thứ nọ cho con: chẳng hạn như cái xe đạp, quần áo, hoặc đi chơi linh tinh. Hoặc nếu không, thi thoảng về quê chị cũng mất 1 khoản tiền quà cáp biếu ông bà nội và các cháu. Hay như giúp việc vài tháng xin về quê 1 lần thì cũng phải mua chút quà giúp việc mang về.

“Tháng nào cũng hết bay cả khoản thu nhập của cả 2 vợ chồng khiến mình cũng choáng và sốt ruột lắm. Mình biết, chi tiêu như vậy không ổn chút nào vì không có khoản tiết kiệm phòng thân hoặc phòng lúc con ốm đau. Mình đang quyết tâm cắt giảm các khoản để thực hiện tiết kiệm mà chưa biết cắt khoản nào. Mình đang có kế hoạch tiết kiệm mỗi tháng 1 triệu mà không biết có thực hiện được không nữa” - Bà mẹ 2 con này nói.

Thực tế qua câu chuyện trên có thể cho thấy, nhiều gia đình có thu nhập đáng mơ cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống nơi thành thị. Câu hỏi đặt ra là bởi chi phí ở thủ đô quá đắt đỏ, hay gia đình này chi tiêu chưa hợp lí?
Chia sẻ