Thôi đừng trách người buông tay trước, bởi rằng họ chịu lắm đớn đau thay!
Yêu nhau giống như cả hai đang cùng căng một cái dây thun. Ai là người buông tay trước, tất nhiên người còn lại sẽ bị đau đớn vô cùng. Đó cũng là lí do những người buông tay trước, nói lời chia tay trước luôn bị coi như những kẻ tội đồ có trái tim máu lạnh.
Nhưng không ai hay biết, có khi họ, những người nói lời chia tay hay chạy trốn khỏi tình yêu ấy, đôi khi lại là người phải chịu nhiều tổn thương nhất.
Đàn ông rất ga-lăng, có chết cũng không chịu là người phũ trước
Ga-lăng là một đức tính rất đáng được khen ngợi của đàn ông. Nhưng ga-lăng ngay đến cả việc chia tay cũng không chịu chủ động thì lại không thể chấp nhận nổi!
Cô bạn đồng nghiệp của tôi, vừa được một phen khóc hết nước mắt khi buộc phải nói lời chia tay với chàng người yêu sau ba tháng tìm hiểu hẹn hò. Số là cả hai bắt đầu bằng một cơn say nắng khi vô tình gặp nhau lúc đi du lịch. Về Hà Nội, chàng và nàng bắt đầu hẹn hò, lao vào vòng xoáy yêu đương không lối thoát. Sau những đê mê lấp lánh ban đầu, họ bắt đầu bị sự thật phũ phàng xốc cổ và… tát cho vài phát. Cả hai giật mình nhận ra chúng ta khác nhau nhiều quá, kiểu như em là cá còn anh là cánh diều phiêu du, không liên quan luôn. Trong khi nàng luôn thích sự lãng mạn, ổn định, chắc chắn thì chàng lại là típ đàn ông ưa xê dịch, thích bay nhảy và thử cái mới.
Bạn tôi, hơi xui xẻo cho cô ấy, lại là người yêu nhiều hơn. Dù đã rất cố gắng để cải thiện tình hình, nhưng chiến sự vẫn nổ ra đều như cơm bữa. Nàng mệt mỏi, còn chàng chắc cũng đã ngấy đến tận xương tủy, nhưng chàng vẫn nhất quyết không chịu chia tay, không chịu là người rũ trước! Cả hai bên ngoài vẫn là người yêu, nhưng chàng lại tự cho mình quyền tự do thoải mái đi hẹn hò, xem phim… với một (vài) cô nàng khác.
Giọt nước tràn ly là khi cô bạn tôi bắt gặp anh người yêu đang ôm chặt cứng một em trong quán café quen của hai người. Hất thẳng cốc nước lọc vào mặt chàng, nàng gào lên: "Đồ khốn. Chia tay đi!". Chàng vừa vuốt nước vừa lau kính vừa lạnh lùng "Ừ, anh đồng ý!", tốc độ còn nhanh hơn cả kẻ trộm chó bị dân làng phát hiện.
Trước mặt bao nhiêu người, giữa thanh thiên bạch nhật, bạn tôi lại bị mang tiếng là người chủ động đá người yêu. Rồi chuyện đến tai bạn bè chung của hai người, cô bạn tôi bắt đầu bị bạn bè xung quanh bàn tán, chê bai là kẻ không ra gì khi không giữ cho người yêu chút thể diện cuối cùng (à vâng, còn có thể diện mà giữ cơ đấy!). Nhưng không ai hay biết, cô ấy đã khóc nhiều thế nào, đã cố gắng nhiều thế nào, đã cố gắng giữ cho chiếc dây thun kết nối hai người được thẳng thớm, căng đều ra sao. Tất cả chỉ nhìn cô như người chủ động chia tay, người không còn muốn cố gắng. Nhưng nếu bạn hỏi ai là người đau hơn, thì chắc chắn câu trả lời sẽ là bạn tôi chứ không phải gã trai tệ bạc kia. Chắc chắn!
Bản thân tôi cũng là người đã từng phải hứng chịu cơn mưa những lời trách móc sau khi chủ động nói lời chia tay với chàng người yêu cũ. Anh ta đi du học, và có người yêu bên đó. Hài một chỗ vẫn có một con ngu ngốc ngồi ở nhà, kiên quyết thủ tiết chờ đợi chàng. Là tôi. Cho đến khi tôi vô tình phát hiện ra chân tướng nhờ cô nàng kia hồn nhiên khoe ảnh đi chơi với người yêu tôi lên facebook. Vậy là tôi đòi chia tay, trong khi gã vẫn gân cổ lên kêu gào rằng "Anh với nó không có gì!". Bạn bè trách tôi cực đoan, nhưng có những việc chỉ người trong cuộc mới có thể cảm nhận được. Và trực giác của tôi thì ít khi trật lắm!
Chia tay, trái tim ai cũng đều sứt mẻ, hà cớ gì còn trách kẻ trước người sau?
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra: Có phải những kẻ buông tay trước luôn là những kẻ kém cỏi, thiếu kiên nhẫn và không dám đấu tranh cho tình yêu? Đó là thói quen "vơ đũa cả nắm" của đa số người. Ai cũng nghĩ người nói lời chia tay trước là những kẻ ở thế thượng phong, là người được nắm quyền "sinh sát" cho một mối quan hệ tình cảm, hay thậm chí là những kẻ "trên phân". Nhưng thực tế đôi khi lại chứng minh điều ngược lại: Kẻ ở lại, kẻ im lặng đến tận cuối cùng kia mới là kẻ kém cỏi, hèn nhát và không dám đứng dậy đối diện với vấn đề, với chuyện tình cảm của chính mình.
Câu hỏi thứ hai cũng gây hoang mang không kém: Tại sao đàn ông lại sợ nói lời chia tay đến thế? Dù nếu chàng muốn rũ, đàn bà thua là chắc? Có thể vì chàng sợ bị mang tiếng là gã chẳng ra gì vắt chanh bỏ vỏ, có thể vì chàng "con rô cũng muốn, con diếc cũng thèm, em nào anh cũng tiếc" nên cứ dùng dằng chỉ muốn thêm mà không muốn bớt. Hoặc chỉ đơn giản là vì anh ấy đã hết yêu, hết quan tâm. Mà hết quan tâm thì đâu còn để tâm xem lời chia tay ai sẽ nói ra, bởi vì có nói ra hay không thì mọi chuyện vẫn thế.
Một lời chia tay bỏ ngỏ sẽ chẳng gây cho chàng thương tổn gì, trong khi đối phương sẽ phải hứng chịu đủ. Chừng đó nguyên nhân, khiến đàn ông sợ nói lời chia tay như phụ nữ sợ thấy mình béo lên. Chàng trì hoãn nó, tránh mặt nó. Thay vì dũng cảm nói thẳng, chàng lại chọn đường vòng. "Để anh bật tín hiệu cho em rằng mối quan hệ của chúng ta đã chấm dứt rồi nhé!", và chàng lăng nhăng, chàng biến mất, chàng yêu đương như một thằng khốn, để đến khi đối phương không chịu nổi nữa phải gào lên đòi chia tay. Và chàng, sẽ nhẹ nhàng đồng ý! Đàn ông khi ấy, thật chẳng đáng mặt đàn ông.
Chia tay, bản thân nó đã là một điều đáng sợ. Khi ấy, dù ít hay nhiều, cả hai người trong cuộc đều sẽ phải mang một trái tim vỡ, hoặc rạn nứt. Khi ấy, đâu quan trọng gì ai là người nói trước, ra đi trước? Bởi một khi đã không còn tình cảm, một khi mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm, thì ở cạnh nhau khi ấy cũng sẽ thấy người kia thật xa lạ. Chỉ là, hãy mạnh mẽ và dũng cảm lên một chút, để đến khi không còn muốn cùng nhau giữ sợi dây chun ấy nữa, hãy thành thật nhìn vào mắt nhau và nói rằng "Chúng mình cùng bỏ sợi dây chun ra nhé".
Chỉ mong đàn ông sẽ dũng cảm hơn một chút. Chỉ mong phụ nữ sẽ quyết đoán hơn một chút. Khi ấy, lời chia tay sẽ không còn quá đắng đót và chúng ta sẽ đi qua nó một cách bình yên.