Thế giới cảnh giác trước biến chủng Omicron

Quang Duy,
Chia sẻ

Biến thể Omicron gây ra sự lo lắng trên toàn thế giới, tuy nhiên cho đến nay chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến biến thể này.

Các triệu chứng của người mắc COVID-19 do biến chủng Omicron

Sự xuất hiện của Omicron đang khiến cho nhiều người dân và chính phủ các quốc gia quan ngại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, cần khoảng 2 tuần theo dõi và phân tích để biết các đặc tính của biến thể Omicron và liệu các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay có hiệu quả với biến thể này hay không.

 - Ảnh 1.

Omicron được phát hiện tại Nam Phi, là biến chủng SARS-CoV-2 chứa nhiều đột biến nhất từ trước đến nay - Ảnh: Telegraph

Theo hãng tin AFP, biến thể Omicron gây ra sự lo lắng trên toàn thế giới, tuy nhiên cho đến nay chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến biến thể này. Các nhà khoa học đã chia sẻ thông tin về các triệu chứng của các bệnh nhân mắc biến thể Omicron.

Bà Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi cho biết biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ như đau cơ và mệt mỏi trong một hoặc hai ngày và người bệnh sẽ cảm thấy không được khỏe. Cho đến nay chúng tôi phát hiện thấy những người bị nhiễm không bị mất vị giác hoặc khứu giác. Đây được cho là những triệu chứng nhẹ nhiều người bị nhiễm có thể điều trị tại nhà.

 - Ảnh 2.

Biến thể Omicron gây triệu chứng ho, đau nhức cơ thể nhưng chưa xuất hiện tình trạng mất vị giác và khứu giác - Đồ họa: VTV Digital

Giới chức Y tế Nam Phi cũng cho biết thêm, đa phần những bệnh nhân nhiễm Omicron tại Nam Phi là nam giới, trẻ tuổi. Một nửa trong số họ chưa tiêm chủng, và khi nhiễm Omicron, họ cảm thấy cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra, cũng đã có trường hợp một em bé 6 tuổi nhiễm Omicron. Em bé này có dấu hiệu là nhiệt độ cơ thể và nhịp tim cao.

Dù có dấu hiệu biến thể Omicron đang dần thay thế biến thể Delta tại Nam Phi, tuy nhiên, chuyên gia cho biết các bệnh viện tại nước này không bị quá tải do bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron. Ngoài ra, chủng mới này cũng không được phát hiện ở những người đã tiêm phòng.

Tuy nhiên, đây mới là những quan sát ban đầu tại Nam Phi. Các chuyên gia dịch tễ học thế giới cho biết, sẽ cần vài tuần để họ có thể đưa ra thêm các thông tin chính xác hơn về Omicron cũng như đánh giá hiệu quả của vaccine.

 - Ảnh 3.

Giới khoa học cần vài tuần để trả lời các câu hỏi quan trọng về biến thể Omicron - Ảnh: Telegraph

Hình ảnh so sánh biến thể Omicron và biến thể Delta

Biến chủng B.1.1.529 được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi ngày 24/11, một số ca nhiễm khác cũng được phát hiện tại Botswana, Bỉ, Israel và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp khẩn sau đó hai ngày và đổi tên biến chủng này thành Omicron, xếp vào danh sách biến chủng đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta.

 - Ảnh 4.

Hình ảnh so sánh các đột biến trên biến chủng Omicron và Delta - Ảnh: RT

Nhóm các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi khoa Bambino Gesu tại thủ đô Rome của Italy đã công bố hình ảnh đầu tiên của Omicron. Phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy hình ảnh khoa học chứng minh biến thể Omicron có nhiều gai protein đột biến hơn, vùng tiếp xúc với tế bào trước khi xâm nhập có diện tích rộng hơn, chứng minh khả năng lây nhiễm cao hơn so với biến thế Delta hiện nay. Theo đó, số lượng đột biến của biến thể Omicron là 43, lớn hơn nhiều so với số lượng đột biến của biến thể Delta là 18.

Các nhà khoa học lưu ý rằng những thay đổi này cho thấy virus có thể đã thích nghi tốt hơn với con người. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói liệu những đột biến này kết hợp với nhau có thực sự khiến Omicron trở nên nguy hiểm hơn so với các biến thể trước đó của SARS-CoV-2 hay không. Những nghiên cứu mới nhất chỉ mới chứng minh được tốc độ lây lan nhanh của biến thể mới, chứ chưa thể xác định mức độ kháng vắc xin của biến thể này.

Các nước siết chặt hạn chế đi lại ngăn Omicron xâm nhập

Sau khi kết thúc Lễ Tạ ơn trong tuần qua, các quốc gia phương Tây đang bước vào tháng 12 với nhiều ngày lễ quan trọng như Giáng sinh và Năm mới. Đây là thời điểm các sân bay sẽ đón lưu lượng khách lớn nhất trong năm. Tuy nhiên với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nhiều đường bay đã bị hủy bỏ và rất có thể danh sách cấm bay sẽ còn kéo dài.

 - Ảnh 5.

Hành khách xếp hàng tại sân bay Johannesburg để rời Nam Phi sau tin tức về Omicron - Ảnh: AP

Hiện Liên minh châu Âu EU, Anh, Mỹ, Australia, Brazil, Canada, Ấn Độ, Iran, Nhật Bản và Thái Lan đã công bố các hạn chế đi lại tùy từng mức độ khác nhau. Trong đó Vương Quốc Anh dừng các chuyến bay từ 10 quốc gia phía Nam châu Phi. Đây là khu vực phát hiện các ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên.

 - Ảnh 6.

Vương quốc Anh áp đặt hạn chế đi lại với 10 quốc gia phía Nam châu Phi – Đồ họa: VTV Digital

"Hệ thống giám sát dịch bệnh tốt ở Nam Phi và các quốc gia lân cận đã giúp tìm thấy và thông báo cho thế giới rất nhanh về Omicron. Nhờ vậy, chúng ta còn thời gian để phản ứng với biến thể này", chia sẻ của ông Jeffrey Barrett, Giám đốc Di truyền COVID-19 tại Viện Wellcome Sanger, Anh.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ca ngợi Nam Phi đã phát hiện sớm biến thể Omicron. "Ngoại trưởng Antony Blinken đặc biệt ca ngợi các nhà khoa học Nam Phi đã nhanh chóng xác định biến chủng Omicron, cũng như chính phủ nước này vì sự minh bạch trong chia sẻ thông tin. Đây là hình mẫu cho cả thế giới", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông cáo sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Nam Phi Naledi Pandor.

Hiện có 8 quốc gia và vùng lãnh thổ khác đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron là Nam Phi, Botswana, Anh, Bỉ, Israel, Đức, Australia và Hong Kong (Trung Quốc). Đan Mạch và Cộng hòa Séc đang có ca nghi nhiễm và chờ xét nghiệm xem có phải do Omicron hay không.

 - Ảnh 7.

Những quốc gia ghi nhận ca mắc hoặc nghi nhiễm biến thể Omicron - Đồ họa: VTV Digital

Đông Nam Á cần cảnh giác với biến thể Omicron

Trong khi đó Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO nhắc nhở các quốc gia Đông Nam Á không nên buông lỏng cảnh giác trong bối cảnh thế giới đang lo lắng về "biến thể đáng lo ngại" Omicron. Quan chức WHO kêu gọi các quốc gia trong khu vực này cảnh giác, tăng cường các biện pháp y tế và xã hội, cũng như tăng tỉ lệ tiêm chủng trong bối cảnh biến thể mới xuất hiện.

 - Ảnh 8.

Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á kêu gọi cảnh giác với biến thể Omicron - Ảnh: Getty

Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh cho rằng các nước Đông Nam Á nên đánh giá nguy cơ xâm nhập của biến thể mới này thông qua khách quốc tế và đưa ra các biện pháp ứng phó thích hợp với biến thể mới.

Bà Khetrapal Singh nêu rõ số ca mắc COVID-19 ở hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã giảm, song nhiều nơi trên thế giới đang chứng kiến tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới, cùng sự xuất hiện "biến thể đáng lo ngại" mới. Theo bà, thực tế này là lời nhắc nhở về nguy cơ của dịch bệnh còn tồn tại và các nước cần tiếp tục nỗ lực để bảo vệ mình khỏi virus và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Bà nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 càng kéo dài, virus càng có nhiều cơ hội để biến đổi với nhiều đột biến và theo đó, dịch bệnh tiếp tục kéo dài hơn. Bà khuyến nghị mọi người dân cần đảm bảo quy định về y tế và xã hội như đeo khẩu trang che mũi, miệng, giữ khoảng cách an toàn, tránh nơi kém thông gió hoặc nơi đông người, giữ tay sạch, che khi ho, hắt hơi và tiêm phòng để giảm nguy cơ phơi nhiễm với SARS-CoV-2.

Chia sẻ