Thầy giáo gây tranh cãi khi đứng trước cổng trường lau mặt cho học sinh nữ vì trang điểm đến lớp
Cảnh quay một giáo viên lấy khăn lau mặt cho một dãy học sinh xếp hàng trước khi vào trường đang gây nhiều tranh cãi. Nhưng ít ai biết, đằng sau đó là một câu chuyện buồn về số phận những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau.
Thầy giáo lau mặt cho học sinh nữ
Theo đó, sự việc xảy ra tại một trường cấp 2 ở vùng nông thôn tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Người ta có thể thấy rõ cảnh thầy giáo đang lấy khăn nhúng vào xô nước để rửa sạch mỹ phẩm trên mặt các học sinh nữ đang đứng trước cổng trường. Chỉ những ai được lau mặt sạch mới được phép vào học.
Video đã lan truyền trên Weibo, gây ra một cuộc tranh luận về việc liệu học sinh có được trang điểm hay không. Một cuộc thăm dò cho thấy 64% người tham gia đồng ý với chính sách của trường.
Một người ủng hộ nói: "Nếu họ là con tôi, tôi cũng sẽ không để chúng khoe và sử dụng mỹ phẩm ở trường cấp hai và cấp ba".
Một người khác viết: "Không được phép trang điểm trong khuôn viên trường cho học sinh ở trường trung học".
Đồng tình với việc làm của nhà trường, một ý kiến cho biết: "Giáo viên này là một giáo viên có trách nhiệm và xứng đáng với sự tôn trọng của chúng ta".
Giáo viên đứng lau mặt cho học sinh trước khi vào trường.
Tuy nhiên, nhiều người cũng chỉ trích cách nhà trường xử lý vấn đề. Một bình luận điển hình có nội dung: "Học sinh không nên sử dụng trang điểm, nhưng phương pháp của giáo viên cũng không đúng. Học sinh cũng có lòng tự trọng của mình".
Hoặc: "Giáo viên có quyền tẩy trang cho học sinh bằng vũ lực như thế này sao?"
Một người phát ngôn của trường cho biết, rất nhiều học sinh đã trang điểm đậm đến lớp và trường quyết định ra tay, cấm hành động này. Theo đại diện trường, hầu hết các học sinh là "những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau", có cha mẹ sống và làm việc ở các thành phố lớn. Do đó giáo viên cảm thấy có trách nhiệm chăm sóc và hướng dẫn chúng một cách đúng đắn.
"Nhiều người ngoài không biết tình hình ở đây. Nền kinh tế ở vùng nông thôn này bị tụt lại phía sau, và khoảng 90% học sinh của chúng tôi là những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau. Cha mẹ đã để chúng ở lại để đi làm ở các thành phố lớn. Theo nhiều cách, chúng thiếu sự hướng dẫn và đồng hành của cha mẹ. Do đó, những đứa trẻ này đã hình thành các tiêu chuẩn thẩm mỹ và giá trị cuộc sống một cách tự do", phát ngôn của nhà trường giải thích.
Người này cũng cho biết, ban quản lý đã thất bại trong việc kiềm chế xu hướng học sinh trang điểm đậm trong khuôn viên trường, dẫn tới hành động có vẻ "cực đoan" được chia sẻ trên mạng. Ông thừa nhận rằng phương pháp này có thể không phù hợp, nhưng nhà trường muốn làm tốt trách nhiệm giáo dục trẻ em. Và sau vụ việc kể trên, tình trạng học sinh trang điểm đậm đi học đã giảm hẳn.
Câu chuyện buồn về những "đứa trẻ bị bỏ lại phía sau"
Theo thống kê mới nhất của Trung Quốc công bố năm 2016, có hơn 9 triệu trẻ em đã bị "bỏ lại phía sau". Cha mẹ của chúng là những người lao động nhập cư quyết định chuyển đến thành phố tìm việc làm để kiếm tiền. Rất nhiều trong số này cho rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc rời quê hương để kiếm sống.
Con cái của họ sẽ buộc phải ở lại để người thân chăm sóc. Đó là do chính sách hạn chế của chính phủ, những đứa trẻ này sẽ khó có thể tiếp cận với trường học và y tế ở những thành phố lớn nơi cha mẹ chúng làm việc.
Những đứa trẻ bị "bỏ lại phía sau" ở nông thôn Trung Quốc.
Những đứa trẻ thường được ông bà chăm sóc nhưng đôi khi không có người giám hộ nào cả. Trong hầu hết các trường hợp, chúng chỉ nhìn thấy mẹ và cha mỗi năm một lần vào dịp Tết Nguyên đán.
Thiếu vắng đi sự quan tâm chăm sóc, đồng hành của bố mẹ chính là nguồn cơn khiến những đứa trẻ ở nông thôn phát triển tính cách một cách tự do. Điều này tạo nên áp lực cho nhà trường khi có quá nhiều học sinh thiếu khuôn phép.
Chuyện học sinh trang điểm đậm và cách hành động của trường học trên là một trong nhiều vấn đề mà những vùng nông thôn ở Trung Quốc đang đối mặt. Đây là hậu quả nặng nề của sự bùng nổ kinh tế trong những năm qua. Nó cũng cho thấy những đứa trẻ luôn cần đến sự chăm sóc, hướng dẫn của cha mẹ. Nhưng thực tế không phải ai cũng có thể làm được điều đó khi cha mẹ còn phải lo kiếm tiền nuôi sống gia đình.