Thấy con dâu được đồng nghiệp nam chăm sóc, mẹ chồng phản ứng kì lạ rồi buông 1 câu "chất như nước cất"
"Trước đây, khi về làm dâu tôi rất mệt mỏi vì mẹ chồng hay soi xét, nghiêm khắc và đòi hỏi nhiều... 1 lần có đồng nghiệp nam đưa về, mẹ chồng nhìn tôi, phản ứng rất lạ", chị Uyên kể lại.
Truyền thuyết "sống chung với mẹ chồng" luôn là 1 chủ đề khiến các cô gái chưa, đã và đang lấy chồng phải ám ảnh. Đâu chỉ bỗng dưng mà mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu muôn đời lại cứ chia làm 2 chiến tuyến.
Chị em rỉ tai nhau mấy chiêu đáp trả mẹ chồng, làm thế nào để được mẹ chồng yêu, thậm chí là dùng mưu mẹo để soán luôn ngôi "phụ nữ gia đình" của mẹ chồng trong ngôi nhà ấy. Những câu chuyện không mới nhưng chưa hề cũ này sẽ khiến nhiều phụ nữ phải suy ngẫm.
Ngọc (28 tuổi) lại có một cái nhìn khác hẳn: "Tôi thấy tốt nhất là không sống chung với mẹ chồng. Những người vốn trước đây chẳng hề quen biết, nếu sống chung thì sẽ phải gồng lên mà chịu đựng sự khác biệt. Tôi đề nghị chồng ở riêng nhưng cuối tuần nào cũng về thăm bố mẹ 1 ngày, mua đồ ăn ngon về chế biến, cả nhà quây quầy. Khi ông bà ốm, tôi nghỉ việc chăm sóc. Khi gia đình có công việc, tôi cũng chủ động gọi về bàn bạc với mẹ chồng, với chị dâu để cùng góp tay xử lý. Nếu mẹ chồng giận, tôi chủ động xin lỗi trong vòng 2 ngày. Người già hay khó chiều, nhưng dễ mủi lòng khi con cái nhận lỗi, mình đừng chấp nhặt đúng sai".
Ảnh minh họa
Trâm (30 tuổi) chia sẻ: "Ngày bước chân về nhà chồng, nhìn thấy mẹ chồng mắng cô em vì tội rửa bát chưa hết mùi xà phòng, tôi đã 'tập xác định' ngay tương lai mờ mịt phía trước. Thế nhưng mình là dâu mới, chân ướt chân ráo bước chân vào gia đình họ, chắc chắn không thể quen ngay cách sinh hoạt và nếp sống.
Nghĩ vậy tôi thẳng thắn nói với mẹ chồng: 'Con muốn là một phần của gia đình này, mong mẹ yêu thương và chỉ bảo con để gia đình mình luôn hiểu nhau mẹ nhé'.
Mẹ chồng tôi nghiêm nhưng thẳng thắn, mắng xong là quên. Nhờ vậy, dù ăn mắng kha khá lần, tôi vẫn không giận bà. 6 năm làm dâu, tôi được bà dạy cho bao điều về nghệ thuật làm vợ, làm mẹ và giữ lửa hôn nhân. Làm mẹ rồi mới thấu hiểu được suy nghĩ của mẹ chồng".
Ảnh minh họa
Khi có chồng bên cạnh là đồng minh thì dễ rồi, khi không còn chồng mới thực sự là khó khăn, vậy mà chị Uyên (38 tuổi) đã bật khóc khi nhắc đến mẹ chồng mình: "Trước đây, khi về làm dâu tôi rất mệt mỏi vì mẹ chồng hay soi xét, nghiêm khắc và đòi hỏi nhiều. Vậy mà khi một tai nạn cướp mất chồng tôi cách đây 5 năm, mẹ chồng lại trở thành chỗ dựa của tôi. Bà giúp tôi chăm cháu, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống lẫn công việc.
Một lần bà vô tình bắt gặp đồng nghiệp nam đưa tôi về, bà bảo tôi: 'Nhìn ánh mắt cậu ta là mẹ biết cậu ta thích con đấy. Con trai mẹ mất lâu rồi, nếu con muốn đi bước nữa, mẹ ủng hộ. Nhưng con chọn cẩn thận, vì tương lai của thằng Bin nữa. Dù yêu ai, con cứ dẫn về ra mắt bố mẹ nhé'. Tôi đã mất thêm 2 năm nữa mới quyết định chọn được một người đàn ông. Bây giờ, tôi có đến 2 bà mẹ chồng. Mẹ chồng mới của tôi cũng rất nể mẹ chồng cũ, còn nhắc vợ chồng tôi thường xuyên về thăm bà".
Vậy đấy, ở những góc nào đó, trong những số phận con người nào đó giữa cuộc đời này thì không có quá nhiều sự cay nghiệt nếu chúng ta biết chia sẻ và cảm thông. Thế mới có câu: Mười năm nhìn mẹ chồng, 10 năm xem con dâu. 10 năm đầu con dâu bỡ ngỡ, mẹ chồng sẽ là người hướng dẫn, giúp cô gái ấy hòa nhập với gia đình mình. 10 năm sau con dâu đã quen cũng là lúc mẹ chồng già yếu, cần sự hỗ trợ của con dâu. Vậy nên, dù là con dâu hay mẹ chồng cũng hãy đối xử như những người thân thật sự, bởi gieo nhân nào, ắt gặp quả đấy.