Thất nghiệp năm 38 tuổi tôi nhận ra bài học vô giá sau 15 năm đi làm: Dù giỏi đến đâu bạn cũng không tránh được cơn bão sa thải, điều quan trọng là hiểu được những giá trị này

ĐINH ANH,
Chia sẻ

Với nhiều bài học, khi còn ngồi im một chỗ, bạn sẽ chẳng thể hiểu được. Thay vào đó, tới tận lúc thất nghiệp, bạn mới thực sự trưởng thành.

Sau khi rời xa ghế nhà trường, chính thức bước vào thị trường lao động, bạn bắt đầu phải bận rộn, bôn ba khắp nơi để kiếm tiền. Tới lúc này, bản thân mỗi người mới hiểu được giá trị của một cá nhân đối với gia đình cũng như xã hội, nên chúng ta càng thêm cố gắng để có được một sự nghiệp ổn định nhằm chứng minh giá trị kể trên.

Thế nhưng, trên thực tế vốn không có cái gì gọi là công việc ổn định, mà chỉ có năng lực ổn định. Bên cạnh đó, có rất nhiều bài học, khi ngồi im một chỗ, bạn sẽ chẳng thể hiểu được. Thay vào đó, tới tận lúc thất nghiệp, bạn mới thực sự trưởng thành.

Đó thực tế là câu chuyện của Lý Nam Tư (38 tuổi, Nam Ninh, Trung Quốc). Trước khi bị sa thải ở năm 38 tuổi, anh là nhân viên kỹ thuật phần mềm tại một công ty viễn thông nổi tiếng. Mất việc khi đã bước sang tuổi trung niên đối với anh đó thực sự là một khủng hoảng ở những ngày đầu. Bởi nguồn thu nhập của công việc này giúp anh trả nốt số nợ ngân hàng mua nhà, đóng tiền học cho con và phụ giúp bố mẹ một số khoản. 

Tuy nhiên sau vài tuần đầu buồn bã, dần xóa bỏ nỗi lo, nhìn nhận vấn đề một cách tích cực, anh học được những bài học vô cùng quan trọng.  

1.Thất nghiệp giúp chúng ta càng trân trọng công việc của mình hơn

Đối với nhiều người, ai cũng khát vọng bản thân có thể tự do theo đuổi thứ mình thích, thoải mái làm điều mình muốn mà vẫn còn dư dả thời gian để nghỉ ngơi, để đi chơi, ví dụ như việc làm freelancer. Nhưng tưởng tượng lúc nào cũng tốt hơn thực tế. Người hiểu và có thể kiên trì với những ngành nghề như  freelance không hề nhiều. Đôi khi, trở thành freelancer rồi, bạn lại nhớ nhung, khao khát có thể tiếp tục làm công việc cũ. Lúc ấy, cơ hội đã vuột khỏi tầm tay rồi.

2. Thất nghiệp giúp chúng ta hiểu rõ vị trí của mình

Có những người lúc còn đi làm luôn nghĩ rằng mình rất giỏi, năng lực mình rất tốt, mình có thể giải quyết tất cả các vấn đề. Công ty không có mình thì không được. Nhưng một khi rủi ro xuất hiện, công ty đào thải bạn, lúc ấy bạn sẽ trở nên hoang mang vô định và phát hiện ra bản thân thực ra chẳng quan trọng đến thế. Đánh giá quá cao bản thân, ngộ nhân năng lực của cá nhân cũng là một trong những nguyên nhân có thể khiến bạn tiếp tục thất nghiệp thêm nhiều lần nữa.

Thất nghiệp năm 38 tuổi tôi nhận ra bài học vô giá sau 15 năm đi làm: Dù giỏi đến đâu bạn cũng không tránh được cơn bão sa thải, điều quan trọng là hiểu được những giá trị này - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

3. Thất nghiệp khiến chúng ta có thêm ý thức cạnh tranh

Theo dòng phát triển của xã hội, sự cạnh tranh giữa các nhân tài ở mọi công ty càng ngày càng khắc nghiệt hơn. Những trường hợp anh dối tôi lừa xuất hiện ngày càng nhiều. Trong guồng quay khốc liệt đó, nếu bạn còn giữ khư khư lối tư duy an phận, không có lòng cầu tiến, trước khi bị sa thải, bạn đã bị xã hội rũ bỏ rồi.

4. Thất nghiệp giúp chúng ta hiểu ra sự thật nếu bạn không nắm giữ một kĩ năng nào trong tay, bạn chắc chắn bị tụt lại 

Bạn muốn ra xã hội, muốn kiếm tiền, muốn có thành tựu, vậy bạn bắt buộc phải giỏi một thứ gì đó. Người có chuyên môn dù ở đâu cũng sẽ được chú ý, cân nhắc, ưu tiên, trao cho nhiều cơ hội hơn. Còn những người vẫn còn loay hoay cái gì cũng không biết thì cuộc sống sẽ ngày càng bế tắc.

5. Thất nghiệp khiến bạn nhận ra cái hay ho thú vị của công việc mình đang làm

Giống như trong chuyện tình cảm, chỉ đến khi mất đi rồi, ta mới biết trân trọng, mới nhận ra thứ mình bỏ lỡ tốt đẹp như thế nào, nhưng khi ấy đã quá muộn rồi. Lúc còn việc làm, chúng ta suốt ngày than vãn công việc mệt mỏi, tiền lương thấp, sếp khó tính. Song đến lúc thất nghiệp, không còn nguồn thu nhập trong tay, bạn mới hiểu công việc cũ của mình đáng quý như thế nào.

6. Thất nghiệp có thể giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của những mối quan hệ xã giao 

Có người từng nói, trước 30 tuổi, chúng ta dựa vào năng lực của mình để kiếm cơm ăn còn sau 30 tuổi, chúng ta sẽ phải nhờ vào những mối quan hệ. Khi còn trẻ, bạn sẽ nghĩ câu nói này thật sáo rỗng và vô lý, nhưng theo thời gian, tầm quan trọng của việc giao tiếp, giữ quan hệ với những người xung quanh sẽ được bộc lộ. Và giờ đây, bạn mới biết, khi còn làm việc, nhất định phải tích lũy các mối quan hệ, bảo vệ và không ngừng gia tăng chúng.

Thất nghiệp năm 38 tuổi tôi nhận ra bài học vô giá sau 15 năm đi làm: Dù giỏi đến đâu bạn cũng không tránh được cơn bão sa thải, điều quan trọng là hiểu được những giá trị này - Ảnh 2.

Ảnh: Internet

7. Thất nghiệp giúp bạn thấy rõ bản tính của con người

Đây là chuyện thường gặp khi bạn cùng làm việc hoặc cùng sinh hoạt trong một môi trường. Những người bình thường vẫn rất thân thiết, khi bạn gặp vấn đề, cả hai bắt đầu xa cách.  Những lần liên lạc bắt đầu ít dần, thậm chí thua 2 kẻ xa lạ. Khi thất nghiệp cũng vậy, những đồng nghiệp từng như anh chị em của bạn tốt thật hay không, lúc này bạn mới biết.

8. Thất nghiệp có thể giúp chúng ta hiểu rõ đời thực là như thế nào

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường,  chưa chính thức tự lập, chúng ta thường sống rất cảm tính, luôn nhìn đời bằng con mắt màu hồng. Nhưng khi bước vào xã hội rồi, khi năm lần bảy lượt vấp ngã, chúng ta sẽ phát hiện hiện thực tàn khốc như thế nào. Đây chính là bản chất xã hội.

Kết

Con người chúng ta vốn rất cảm tính. Chỉ khi trải qua rất nhiều thăng trầm, bạn mới thực sự trưởng thành được. 

Bạn có một công việc tốt, bạn nhận một mức lương khủng, bạn xinh đẹp, bạn khéo tay, bạn giỏi giang... Tất cả những ưu điểm này có đôi khi không còn nghĩa lý gì khi bạn cũng chỉ là một cá nhân trong một cộng đồng lớn đều đang phải hứng chịu những tác động không may của cơn bão sa thải... Quan trọng là qua những bấp bênh, bạn vẫn giữ được thái độ kiên định, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn thậm chí còn to lớn hơn hiện tại.

Chia sẻ