"Thánh Phêrô" và tên Giáo hoàng mới: Bí ẩn đằng sau danh hiệu 2000 năm "chưa từng một lần được lặp lại"

THANH THANH,
Chia sẻ

Trong lòng Vatican, nơi đức tin và lịch sử đan xen, việc chọn tên cho một Giáo hoàng mới là một khoảnh khắc thiêng liêng, đánh dấu sự khởi đầu của một triều đại lãnh đạo Giáo hội Công giáo.

Trong những hành lang cổ kính của Vatican, nơi lịch sử và đức tin hòa quyện, một truyền thống bí ẩn không kém quy trình bỏ phiếu mật nghị đã khiến nhiều người tò mò: Tại sao trong hơn hai ngàn năm, không một giáo hoàng nào chọn tên "Peter"? Dù được xem là người kế vị Thánh Peter, nhưng lại không ai dám lấy tên của ngài.

Câu trả lời ẩn chứa trong sự tôn kính sâu sắc, truyền thống bất thành văn, và một lời tiên tri bí ẩn khiến lòng người không khỏi xao động. Đây là câu chuyện về một cái tên quá thiêng liêng để mang, một truyền thống quá sâu sắc để phá vỡ, và một bí mật khiến cả thế giới tò mò.

"Thánh Phêrô" và tên Giáo hoàng mới: Bí ẩn đằng sau danh hiệu 2000 năm "chưa từng một lần được lặp lại" - Ảnh 1.

Lễ tuyên thệ giữ bí mật của các thành viên, nhân viên mật nghị tại Vatican ngày 5/5.

Thánh Phêrô - Biểu tượng bất diệt của Giáo hội

Để hiểu tại sao tên "Peter" trở thành điều cấm kỵ, chúng ta phải trở về với con người đầu tiên mang tên này: Thánh Peter. Ban đầu được gọi là Simon, ông là một trong mười hai Tông đồ của Chúa Giêsu và được chính Chúa đổi tên thành Peter, nghĩa là "Tảng đá".

Trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Chúa Giêsu phán: "Con là Peter, và trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy". Lời tuyên bố này đã đặt Peter làm nền tảng của Giáo hội Công giáo, biến ông thành biểu tượng vĩnh cửu của đức tin và sự lãnh đạo.

Với vai trò là Giám mục đầu tiên của Roma và người chịu tử đạo dưới thời Hoàng đế Nero, Thánh Peter không chỉ là một nhân vật lịch sử mà còn là một biểu tượng thiêng liêng. Mọi giáo hoàng sau này được xem là người kế vị Peter, nhưng không ai dám tự nhận mình ngang hàng với ông.

"Thánh Phêrô" và tên Giáo hoàng mới: Bí ẩn đằng sau danh hiệu 2000 năm "chưa từng một lần được lặp lại" - Ảnh 2.

Lễ nghi chọn danh hiệu Giáo hoàng là một trong những khoảnh khắc bí ẩn nhất của Giáo hội Công giáo Rôma, nơi lịch sử, đức tin và linh hứng giao thoa.

Việc chọn tên "Peter" có thể bị coi là kiêu ngạo, như thể giáo hoàng đang tự so sánh với vị Tông đồ được Chúa trực tiếp chọn. Một bài viết trên NPR nhấn mạnh rằng Thánh Peter có một vị trí "độc đáo và thiêng liêng" trong vai trò giáo hoàng, và các vị kế nhiệm không muốn bị xem là đang so sánh mình với ngài.

Lịch sử cũng minh chứng cho sự tôn kính này. Vào năm 983, khi Hồng y Pietro Canepanova được bầu làm giáo hoàng, ông đã chọn tên Gioan XIV thay vì giữ tên Peter. Quyết định này không chỉ thể hiện sự khiêm nhường mà còn đặt nền móng cho một truyền thống kéo dài hơn một thiên niên kỷ: Không giáo hoàng nào sử dụng tên "Peter". Không có quy định chính thức nào cấm chọn tên "Peter", nhưng đây là một tục lệ bất thành văn mà các giáo hoàng luôn tuân thủ.

Ngoài sự kính sợ thiêng liêng, áp lực văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng. Theo Vatican News ngày 6/5/2025, việc chọn tên Giáo hoàng không chỉ là quyết định cá nhân, mà còn chịu ảnh hưởng từ kỳ vọng của các Hồng y, tín hữu, và cộng đồng toàn cầu. Một tân Giáo hoàng chọn tên Phêrô có thể gây ra những tranh luận không cần thiết, làm lu mờ sứ vụ thực tế của triều đại mới.

Thế nhưng bên cạnh những quy định bất thành văn đó cũng có một số ít câu chuyện mang màu sắc bí ẩn liên quan đến cái tên huyền thoại này.

"Thánh Phêrô" và tên Giáo hoàng mới: Bí ẩn đằng sau danh hiệu 2000 năm "chưa từng một lần được lặp lại" - Ảnh 3.

Vatican News ngày 6/5/2025 nhấn mạnh, danh hiệu Phêrô mang một trọng lượng độc đáo trong lịch sử Giáo hội. Nó không chỉ đại diện cho một con người, mà còn là “giấy khai sinh” của chính Giáo hội.

Lời tiên tri về ngày tận thế

Trong kho tàng truyền thuyết và tiên tri của Giáo hội Công giáo, ít câu chuyện nào gây tò mò và tranh cãi như “Lời tiên tri của các Giáo hoàng”, được gán cho Thánh Malachy, một tổng giám mục thế kỷ 12. Lời tiên tri này dự đoán một chuỗi 112 Giáo hoàng, kết thúc bằng một nhân vật bí ẩn mang tên “Petrus Romanus” – Phêrô Người Rôma – người được cho là sẽ lãnh đạo Giáo hội trong thời kỳ hỗn loạn trước khi Rôma sụp đổ và ngày tận thế đến.

Với sự qua đời của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 21/4/2025, lời tiên tri này một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý, đặc biệt khi ba ứng viên tiềm năng cho ngai Giáo hoàng mang tên Phêrô. Nhưng lời tiên tri này là gì, và tại sao nó lại gắn liền với ý niệm về ngày tận thế?

Lời tiên tri của các Giáo hoàng lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1595 trong cuốn Lignum Vitae của tu sĩ Dòng Biển Đức Arnold Wion. Wion cho rằng các tiên tri này được viết bởi Thánh Malachy, Tổng Giám mục Armagh (1094–1148), người được cho là đã nhận được thị kiến về danh sách các Giáo hoàng tương lai trong chuyến đi đến Rôma vào năm 1139. Theo truyền thống, Malachy ghi lại 112 cụm từ Latin ngắn gọn, mỗi cụm mô tả một cách bí ẩn một Giáo hoàng, bắt đầu từ Đức Cêlestinô II (1143) và kết thúc với Phêrô Người Rôma.

Cụm từ cuối cùng, liên quan đến Phêrô Người Rôma, được ghi lại như sau: “In persecutione extrema S.R.E. sedebit. Petrus Romanus, qui pascet oves in multis tribulationibus, quibus transactis civitas septicollis diruetur, & judex tremendus judicabit populum suum. Finis”.

“Trong cuộc bách hại cuối cùng của Giáo hội Công giáo Rôma, Phêrô Người Rôma sẽ ngự trị, người sẽ chăn dắt đoàn chiên giữa nhiều hoạn nạn; khi những điều này kết thúc, thành phố bảy đồi sẽ bị phá hủy, và Quan tòa đáng sợ sẽ phán xét dân Người. Kết thúc”.

"Thánh Phêrô" và tên Giáo hoàng mới: Bí ẩn đằng sau danh hiệu 2000 năm "chưa từng một lần được lặp lại" - Ảnh 5.

Với sự qua đời của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 21/4/2025, lời tiên tri này một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý, đặc biệt khi ba ứng viên tiềm năng cho ngai Giáo hoàng mang tên Phêrô.

Lời tiên tri này nhanh chóng thu hút sự chú ý vì tính chất bí ẩn và dự báo về sự sụp đổ của Roma – “thành phố bảy đồi” – cùng với ngày tận thế. Tuy nhiên, tính xác thực của nó đã bị đặt dấu hỏi ngay từ đầu.

Các nhà sử học và thần học gia Công giáo, bao gồm cả những nguồn từ Vatican, phần lớn coi lời tiên tri này là một tác phẩm ngụy tạo khi thiếu đi những bằng chứng lịch sử khi không có ghi chép nào về lời tiên tri này trước năm 1595, tức là hơn 400 năm sau cái chết của Malachy. Thánh Bernard, người viết tiểu sử cho Malachy, không hề nhắc đến bất kỳ thị kiến nào liên quan đến các Giáo hoàng. Nếu một thị kiến quan trọng như vậy tồn tại, rất có thể nó đã được ghi nhận trong các tài liệu đương thời.

Ngoài ra, Vatican cũng không công nhận lời tin tri này là một mặc khải riêng được phê chuẩn.

Những câu chuyện này, dù thật hay hư, cho thấy danh hiệu Phêrô luôn được bao bọc bởi một lớp màn bí ẩn, khiến danh hiệu này càng trở nên huyền thoại.

Những danh xưng định hình lịch sử

Mỗi danh Giáo hoàng là một thông điệp, một câu chuyện được mã hóa trong đức tin. Nghi thức chọn tên không chỉ phản ánh cá nhân Tân Giáo hoàng, mà còn gửi đi tín hiệu về triều đại của ngài. 

Danh hiệu mà mỗi tân Giáo hoàng chọn trong khoảnh khắc bí ẩn của Mật nghị Hồng y không chỉ là một cái tên, mà còn là một tuyên ngôn về sứ vụ, một cầu nối với quá khứ, và một ngọn lửa soi đường cho tương lai. Từ những danh xưng phổ biến như Gioan, Grêgôriô đến những lựa chọn độc đáo như Phanxicô, một số danh hiệu Giáo hoàng đã định hình sâu sắc lịch sử Giáo hội.

Đức Phanxicô (2013–2025), là Giáo hoàng đầu tiên chọn danh này, ngài lấy cảm hứng từ Thánh Phanxicô Assisi, gửi đi thông điệp về sự khiêm nhường và cải tổ. Quyết định bất ngờ trong Mật nghị năm 2013 khiến cả thế giới sửng sốt.

Đức Bênêđictô XVI (2005–2013), danh này được ngày chọn để kết nối với Thánh Bênêđictô, người bảo vệ văn hóa Kitô giáo, và Đức Bênêđictô XV, vị Giáo hoàng hòa bình, phản ánh sứ vụ bảo vệ đức tin trong thời hiện đại.

Đức Gioan Phaolô II (1978–2005), danh này được ngày chọn nhằm tôn vinh người tiền nhiệm Gioan Phaolô I, danh này cũng mở ra triều đại của hòa giải và đối thoại toàn cầu.

Chia sẻ