Thái Lan muốn "chung sống" với Covid-19
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha thừa nhận một số rủi ro có thể đến từ quyết định mở cửa đất nước, như số ca Covid-19 sẽ gia tăng cho dù các biện pháp phòng chống có tốt đến đâu.
Thái Lan đang phát đi thông điệp mới trong cuộc chiến chống Covid-19: Học cách chung sống với virus SARS-CoV-2 trong lâu dài.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha hôm 16-6 cam kết mở cửa lại đất nước trong 120 ngày, tức vào giữa tháng 10. Hầu hết biện pháp hạn chế nhằm vào hoạt động kinh doanh và du lịch sẽ được dỡ bỏ. Du khách nước ngoài buộc phải được tiêm vắc-xin để được đi lại thoải mái.
Nhà lãnh đạo này thừa nhận một số rủi ro có thể đến từ quyết định mở cửa đất nước, như số ca Covid-19 sẽ gia tăng cho dù các biện pháp phòng chống có tốt đến đâu. Dù vậy, ông Prayuth khẳng định đây là bước đi cần thiết để giảm bớt gánh nặng cho những người đang phải vật lộn mưu sinh.
"Chúng ta không thể chờ đợi đến khi mọi người được tiêm đầy đủ 2 liều vắc-xin để mở cửa đất nước hoặc khi dịch bệnh không còn hoành hành trên thế giới" - ông Prayuth nhấn mạnh, đồng thời cho rằng đã đến lúc Thái Lan phải chấp nhận rủi ro có tính toán nói trên.
Dù vậy, Thủ tướng Thái Lan nói thêm chính phủ sẽ chỉ cân nhắc việc mở cửa trở lại nếu tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng.
Người dân đi tiêm vắc-xin Covid-19 tại thủ đô Bangkok – Thái Lan hôm 7-6 .Ảnh: REUTERS
Trước mắt, chính phủ Thái Lan sẽ thí điểm kế hoạch mở cửa lại đảo du lịch Phuket từ ngày 1-7, chào đón du khách đã tiêm phòng từ các quốc gia có nguy cơ thấp mà không đòi hỏi họ cách ly. Dù vậy, du khách sẽ phải ở lại Phuket trong 14 ngày trước khi được phép đến những nơi khác ở quốc gia Đông Nam Á này.
Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT) dự báo sẽ có khoảng 129.000 du khách nước ngoài và 500.000 người dân trong nước đến Phuket trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, mang về nguồn thu khoảng 15 tỉ baht.
Theo báo Bangkok Post, chương trình "Hộp cát Du lịch Phuket" nói trên được xem là mô hình cho việc mở cửa lại ngành công nghiệp du lịch đất nước. "Mục tiêu chính của chúng tôi là vừa có thể hồi sinh kinh tế địa phương vừa ngăn đại dịch thêm lây lan. Chúng tôi hy vọng có thể cho người dân tại Phuket và những nơi khác của đất nước thấy được lợi ích từ việc mở cửa lại" - Tỉnh trưởng Phuket Narong Woonciew nhấn mạnh hôm 19-6.
Nền kinh tế Thái Lan đã suy giảm 6,1% trong năm 2020, mức giảm lớn nhất trong hai thập kỷ, do tác động của dịch Covid-19. Đáng chú ý, các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ khiến số lượng du khách nước ngoài đến nước này giảm mạnh trong năm ngoái, chỉ đạt 6,7 triệu lượt so với 39,9 triệu lượt năm 2019. Các chuyên gia dự báo kinh tế Thái Lan sẽ phục hồi trong năm nay nhưng đợt bùng phát dịch thứ 3 đang đe dọa phá hỏng mọi thứ.
Hồi giữa tháng 12-2020, Thái Lan ghi nhận chưa đến 5.000 ca Covid-19. Dù vậy, con số này đã tăng lên 281.131 ca tính đến ngày 20-6, theo báo Bangkok Post. Nghiên cứu mới của cơ quan y tế Thái Lan cho thấy biến thể Alpha (được phát hiện lần đầu ở Anh) gây ra phần lớn số ca nhiễm gần đây. Cụ thể, hơn 88% trong số 4.185 bệnh nhân được khảo sát từ tháng 4 đến tháng 6 nhiễm biến thể này.
Theo thống kê, chưa đến 3% trong số 70 triệu người dân Thái Lan được tiêm phòng đầy đủ. Tiến trình tiêm vắc-xin Covid-19 bắt đầu vào tháng 2 nhưng chương trình tiêm chủng toàn quốc chỉ mới diễn ra trong tháng 6.
Thái Lan đang dựa nhiều vào lượng vắc-xin do công ty địa phương Siam Bioscience Co. và hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) hợp tác sản xuất trong nước. Thủ tướng Prayuth nhấn mạnh chương trình tiêm chủng đang đi đúng hướng và chính phủ đặt mục tiêu triển khai khoảng 10 triệu liều mỗi tháng (bắt đầu từ tháng 7) để đến đầu tháng 10, khoảng 50 triệu người sẽ được tiêm ít nhất một mũi.
"Chúng tôi muốn vắc-xin để mọi người có thể ra ngoài và du khách cảm thấy an toàn khi đến đất nước chúng tôi. Chỉ khi đó chúng tôi mới có thể quay lại mưu sinh" - Tanawan Meethum, chủ một tiệm massage đã đóng cửa hơn 8 tháng tại thủ đô Bangkok, nói với tờ The Wall Street Journal.