TGDĐ đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng: Không một doanh nghiệp, một doanh nhân nào lại tuyên bố xanh rờn, áp đặt với đối tác như vậy!

PV,
Chia sẻ

Theo luật sư Trương Thanh Đức, trong mọi trường hợp, đều phải dựa trên sự thỏa thuận.

Nổi tiếng là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, là hình mẫu được nhiều anh em trong ngành noi theo nhưng thời gian gần đây, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) lại đối mặt với một loạt chỉ trích liên quan đến cách ứng xử với các chủ mặt bằng.

Cuộc khủng hoảng truyền thông nổ ra khi văn bản thông báo cắt giảm 70-100% phí thuê mặt bằng của TGDĐ bị một số chủ nhà tung lên mạng xã hội và sau đó nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Theo các chủ nhà, TGDĐ đã đơn phương gửi văn bản thông báo không tính 100% tiền thuê mặt bằng trong khoảng thời gian cửa hàng đóng cửa và giảm 70% trong thời gian bán hàng giãn cách, đồng thời tự ý chuyển tiền thuê đã giảm, nhưng chưa hề có sự đồng ý từ cả 2 bên.

Một chủ nhà chia sẻ với Tuổi trẻ: "Họ gửi công văn "sốc hông", "ra lệnh", nghĩ chủ nhà thất thế nhưng tôi không nghèo. Nếu lúc trước họ thương lượng tử tế thì tôi sẵn sàng giảm 50% phí thuê nhà trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, giờ thì một đồng cũng không".

 - Ảnh 1.

Từ góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nhận định cách làm của TGDĐ là không đúng luật, không đúng thoả thuận và cũng không đúng theo cách ứng xử với thị trường, với khách hàng.

Vị Luật sư cho rằng TGDĐ là một doanh nghiệp lớn, làm ăn bài bản và hiệu quả như thế cũng nhờ vào đối tác và người tiêu dùng, nhờ vào lòng tin của mọi người thì phải giữ gìn. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc thậm chí trong bối cảnh bình thường, nếu thấy giá thuê đắt và muốn giảm giá thì phải làm việc, trao đổi, thương lượng một cách thiện chí.

"Nếu cảm thấy không chấp nhận được thì chấm dứt hợp đồng, nếu thỏa thuận không thành thì đưa ra Toà án hay Trọng tài. Càng lớn, càng mạnh, càng giàu thì càng phải ứng xử sòng phẳng, văn minh chứ không thể kẻ cả, áp đặt.

...

Trong mọi trường hợp, đều phải dựa trên sự thỏa thuận. Không một doanh nghiệp, một doanh nhân nào lại tuyên bố xanh rờn với đối tác là tôi được quyền giảm giá, vi phạm hợp đồng, trả hay không là quyền của tôi như vậy. Đề nghị có tình, có lý, và kiên trì thì mới dễ đạt được lợi ích tối ưu cho cả hai bên", Luật sư bày tỏ.

Trước đó, tại sự kiện Shark Tank Forum được tổ chức hồi tháng 11/2020, Chủ tịch Thế Giới Di Động – ông Nguyễn Đức Tài từng "khoe" chuyện lấy về được 200 tỷ tiền giảm giá thuê mặt bằng.

 - Ảnh 2.

KQKD của TGDĐ 8 tháng đầu năm 2021

Ông Tài kể: "Thấy một chi phí thuê lớn thì tìm cách để cắt nó đi. Theo các bạn tài chính thì tiền thuê mặt bằng là một chi phí cố định (Fixed Cost), nghĩa là đã trả thì không thể đổi được. Chúng tôi sẽ cho nó thành biến phí (Variable Cost), đi một vòng và lấy về 200 tỷ tiền thuê.

Vì đây là khó khăn thật chứ không phải mình tung hỏa mù với đối tác của mình. Tôi đã khó khăn thật mà bạn còn làm khó tôi nữa thì thôi, tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ?"

Ông Tài cho biết tỷ lệ thuê mặt bằng trên doanh thu của TGDĐ chỉ khoảng 1,5-2%.

Thời gian qua, hoạt động của chuỗi điện thoại Thế Giới Di Động và chuỗi Điện Máy Xanh chịu ảnh hưởng khá nặng nề khi riêng trong tháng 8/2021, 70% cửa hàng trên toàn quốc phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng. Tuy vậy, MWG cho biết công ty vẫn duy trì được hơn 6.500 tỷ đồng doanh thu và 222 tỷ đồng lợi nhuận trong tháng 8.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 78.495 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế (LNST) là 3.006 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ), hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 63% kế hoạch LNST cả năm.

Chia sẻ