Tại sao hút mỡ không phải giải pháp cho người béo phì?
Hút mỡ thường được nhiều người lựa chọn như một cách cải thiện vóc dáng nhanh chóng. Nhưng liệu phương pháp này có phù hợp với những người béo phì? Hãy cùng lắng nghe những phân tích chuyên sâu từ bác sĩ CKI. Châu Thanh Phong để hiểu rõ hơn về bản chất và những điều cần cân nhắc!
Tại sao hút mỡ không phải giải pháp cho người béo phì?
Hút mỡ thường được nhiều người lựa chọn như một cách cải thiện vóc dáng nhanh chóng. Nhưng liệu phương pháp này có phù hợp với những người béo phì? Hãy cùng lắng nghe những phân tích chuyên sâu từ bác sĩ CKI. Châu Thanh Phong để hiểu rõ hơn về bản chất và những điều cần cân nhắc!
Béo phì là bệnh lý
Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội Y khoa Mỹ, Liên minh Châu Âu và nhiều tổ chức y tế quốc gia (bao gồm Việt Nam) đều thống nhất quan điểm rằng béo phì là một bệnh lý mãn tính bởi nó có ảnh hưởng đến sức khỏe, có tính chất mãn tính và yếu tố hệ thống. Cụ thể, béo phì không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến hàng loạt bệnh lý khác như tim mạch, tiểu đường, ung thư… Bệnh lý này ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, từ rối loạn nội tiết, chuyển hóa đến các vấn đề xương khớp nên không thể chỉ giải quyết bằng các biện pháp tạm thời mà cần các chiến lược dài hạn để quản lý và điều trị.
Béo phì là một bệnh lý mãn tính làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng
Với người béo phì, lượng mỡ tích tụ không chỉ dừng lại ở lớp dưới da, mà còn bao quanh các cơ quan nội tạng như gan, tim, và ruột. Mỡ nội tạng là dạng mỡ nguy hiểm nhất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hoạt động của cơ thể nếu tích tụ quá nhiều. Trong khi đó, hút mỡ chỉ can thiệp được lớp mỡ dưới da, nó hoàn toàn không tác động đến mỡ nội tạng. Việc hy vọng hút mỡ để cải thiện tình trạng béo phì là một nhầm lẫn nguy hiểm vì nó không giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề.
Hút mỡ dưới da song song với điều trị béo phì được không?
Về lý thuyết, trong một số trường hợp, hút mỡ dưới da có thể được thực hiện song song với quá trình điều trị béo phì, nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng dưới chỉ định của bác sĩ chuyên môn và khách hàng cần đáp ứng được những điều kiện cụ thể để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả sau phẫu thuật.
Trước hết, khách hàng phải có sức khỏe tổng quát ổn định, không mắc các bệnh lý nền nghiêm trọng như tiểu đường, tim mạch, huyết áp hoặc rối loạn đông máu - những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ biến chứng. Bên cạnh đó, lượng mỡ hút ra cần được giới hạn trong mức an toàn, thường không quá 5-6 lít mỗi lần, để tránh rủi ro mất máu hay mất cân bằng điện giải. Hút mỡ chỉ nên nhắm đến mục tiêu thẩm mỹ, xử lý các vùng mỡ cứng đầu khó giảm, chứ không được coi là giải pháp thay thế cho việc điều trị béo phì toàn diện.
Bác sĩ CKI. Châu Thanh Phong trong một ca phẫu thuật hút mỡ bụng
Với kinh nghiệm tư vấn hơn 7000 khách hàng có nhu cầu hút mỡ và không ít trong số đó là anh-chị-em mắc béo phì nhiều cấp độ, bác sĩ CKI. Châu Thanh Phong cho rằng: "BMI từ 30-33 là ở mức béo phì nhẹ, có thể hút mỡ nếu mỡ chỉ tập trung tại một số vùng nhất định như đùi, bụng, bắp tay và không có biến chứng liên quan đến bệnh nền".
Sau điều trị béo phì có thể hút mỡ không?
Sau khi điều trị béo phì và đạt được mức cân nặng ổn định, việc hút mỡ có thể trở thành một phương pháp hỗ trợ để cải thiện vóc dáng và loại bỏ mỡ cục bộ còn sót lại. Tuy nhiên, điều này cần được thực hiện trong những điều kiện cụ thể và dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Đầu tiên, khách hàng cần duy trì cân nặng ổn định trong ít nhất 6 tháng sau khi kết thúc quá trình điều trị. Điều này đảm bảo rằng cơ thể đã thích nghi với mức cân nặng mới và hạn chế các biến chứng tiềm ẩn do sự thay đổi trọng lượng. Chỉ số BMI nên ở mức dưới 30 hoặc trong ngưỡng cho phép và tỉ lệ mỡ nội tạng phải nằm ở mức từ thấp đến trung bình. Nếu tỷ lệ mỡ nội tạng quá cao, ưu tiên hàng đầu vẫn là tiếp tục kiểm soát thông qua chế độ ăn uống và tập luyện thay vì hút mỡ. Ngoài ra, độ đàn hồi của da cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định kết quả thẩm mỹ sau hút mỡ. Những người có da chảy xệ nghiêm trọng do giảm cân lớn cần xem xét phẫu thuật cắt da thừa thay vì hút mỡ, bởi da không còn khả năng co lại để tạo đường nét tự nhiên cho cơ thể.
Hút mỡ sau điều trị béo phì nên tập trung vào các vùng mỡ cứng đầu, chẳng hạn như bụng, đùi, hoặc cánh tay – những nơi khó giảm mỡ bằng tập luyện thông thường. Lượng mỡ hút ra cũng cần nằm trong giới hạn an toàn, thường không quá 5-6 lít mỗi lần để tránh nguy cơ mất máu hoặc rối loạn điện giải. Trước khi thực hiện, khách hàng vẫn phải được đánh giá toàn diện về sức khỏe, bao gồm các xét nghiệm chức năng tim mạch, gan thận, và khả năng đông máu. Nếu có bất kỳ bệnh lý nền nào như tiểu đường hoặc cao huyết áp, cần đảm bảo rằng các chỉ số này được kiểm soát tốt trước khi phẫu thuật.
Bác sĩ CKI. Châu Thanh Phong tư vấn về phẫu thuật hút mỡ cho khách hàng U40
Điều quan trọng là hút mỡ không thay thế cho một lối sống lành mạnh. Chắc chắn bạn cần tiếp tục duy trì chế độ ăn uống khoa học và tập luyện thường xuyên để giữ được kết quả lâu dài.
Hút mỡ không phải là giải pháp dành cho người béo phì. Nó chỉ là một công cụ giúp cải thiện thẩm mỹ cục bộ chứ không thể thay thế cho việc giảm cân toàn diện và bền vững. Người béo phì cần hiểu rằng việc giảm cân là một quá trình dài hạn, đòi hỏi sự kiên nhẫn, nỗ lực và ý chí thay đổi lối sống.
Thay vì tìm kiếm những phương pháp nhanh chóng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, hãy lựa chọn con đường an toàn và khoa học để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Với sự hỗ trợ từ các chuyên gia, bất cứ ai cũng có thể chinh phục được thử thách này và hướng tới một cơ thể khỏe mạnh hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn.