Tai nạn kinh hoàng từ "những tấm tôn bay" trên đường phố: Không ít nạn nhân là trẻ em, đã đến lúc rung lên hồi chuông cảnh báo!
Những chuyến xe chở theo tấm tôn sắc mỏng không chút che chắn vẫn hàng ngày chạy trên đường phố, gây nên nhiều vụ tai nạn thương tâm mà nạn nhân có không ít trẻ em. Điều đáng nói là hiện trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Ngày 12-3, bệnh viện đa khoa Hùng Vương - Phú Thọ đã tiếp nhận và tiến hành phẫu thuật thành công, cứu sống tính mạng của 1 bé trai 8 tuổi bị tấm tôn cứa vào cổ.
Theo thông tin ban đầu từ người nhà của bệnh nhân, khi bé trai đang đi xe đạp thì đã bị 1 tấm tôn trên xe vận chuyển vật liệu xây dựng đang tham gia giao thông cắt vào cổ. Gia đình đã nhanh chóng tiến hành sơ cứu ban đầu và đưa bé đến cơ sở y tế.
Các bác sỹ huy động toàn bộ kíp cấp cứu cầm máu cho bé, dùng thuốc giảm đau chống sốc và chuyển mổ cấp cứu ngay lập tức.
Bé được phẫu thuật xử lý vết thương phức tạp vùng cổ, kiểm soát tổn thương, phục hồi cơ ức đòn chũm, cầm máu.
Hiện tại sau phẫu thuật sức khỏe của bé đã ổn định và đang được theo dõi tại khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình của bệnh viện.
Điều đáng nói, đây không phải là trường hợp hiếm hoi. Những năm gần đây, rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà nguyên nhân có liên quan tới sự bất cẩn trong quá trình vận chuyển tôn trên đường.
Càng đau lòng hơn, khi không ít nạn nhân của các vụ việc này là trẻ em.
Hậu quả nhãn tiền từ "những tấm tôn bay"
Cho tới tận bây giờ, nhiều người dân Hà Nội chắc hẳn vẫn chưa quên tai nạn kinh hoàng xảy đến với một bé trai 9 tuổi, vào một ngày cuối tháng 9 năm 2016. Bé trai trong khi đang đạp xe trên đường Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) đã xảy va chạm với chiếc xe xích lô chở tôn.
Tình huống tai nạn xảy ra quá bất ngờ, mặc dù có rất đông người dân quanh hiện trường hỗ trợ sơ-cấp cứu, nhưng bé trai đã không qua khỏi vì vết thương quá nặng do bị tôn cứa ngang cổ.
Sự việc khiến những người làm cha, làm mẹ không khỏi ám ảnh trong suốt một thời gian dài. Thế nhưng những chiếc xe chở tôn thì vẫn hàng ngày chạy đầy ngoài phố, không chút che chắn.
Không lâu sau vụ việc kể trên, người dân Hà Nội lại thêm 1 lần bàng hoàng với vụ tai nạn thương tâm lấy đi sinh mạng của một phụ nữ, mà nguyên nhân liên quan tới chiếc xe bò chở tôn.
Vụ tai nạn xảy ra trên cầu Mai Lĩnh (Hà Đông, Hà Nội) vào hôm 25-9-2016. Sau khi tai nạn xảy ra, người phụ nữ được đưa vào bệnh viện cấp cứu và tử vong tại đây bởi vết thương quá nặng ở vùng cổ do bị tôn cứa.
Tiếp sau đó, vào ngày 16-4-2019, ông Ngô Đình Thạch (SN 1958, trú tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) điều khiển xe máy lưu thông trên liên huyện Thống Nhất – Cẩm Mỹ.
Khi đi đến đoạn đường thuộc xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, xe của ông Thạch bất ngờ va chạm với một chiếc xe ba gác chở đầy tôn nhưng không được che chắn để đảm bảo an toàn.
Vụ va chạm khiến tấm tôn trên xe ba gác cứa thẳng vào phần cổ ông Thạch dẫn đến hậu quả nạn nhân bị thương rất nặng ở phần cổ và tử vong tại chỗ.
Chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe
Những vụ tai nạn thương tâm liên quan tới xe chở tôn, vật liệu cồng kềnh liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây và mặc dù phía cơ quan chức năng có tăng cường quản lý nhưng chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Một phần nguyên nhân có lẽ đến từ việc chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe người vi phạm.
Các xe chở những vật như tôn, tre, sắt…như đã nêu trên có khả năng tiềm ẩn tai nạn giao thông rất lớn nhưng mức phạt hành chính như hiện nay là quá nhẹ.
Theo đó, Khoản 2 Điều 8 Nghị định 46/2016 quy định: Người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định, không bảo đảm an toàn, gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn của người điều khiển...
Thiết nghĩ, trong lúc chờ các cơ quan chức năng có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi chế tài nghiêm khắc hơn thì mỗi người dân cũng cần tự nâng cao ý thức, hạn chế sử dụng các hình thức vận chuyển hàng hóa sử dụng các phương tiện thiếu an toàn (xe chở tôn, vật liệu xây dựng... nhưng không che chắn đảm bảo an toàn) nhằm bảo vệ chính mình, bảo vệ con em và cả những người xung quanh.