Tái mặt khi con mới 13 tuổi đã mắc lậu, giang mai

Võ Thu,
Chia sẻ

Không chịu thừa nhận chuyện đã từng quan hệ tình dục, cậu bé 13 tuổi phải đợi bố mẹ ra khỏi phòng khám mới "thưa thật" với bác sĩ.

Hải (đã đổi tên) mấy tháng nay xuất hiện nhiều ban đỏ, không ngứa nhưng vết viền vảy trên bàn tay khiến cậu bé lo lắng. "Chỗ ấy" của Hải còn có vết trợt nông hình bầu dục, không có gò nổi cao, màu đỏ sẫm...

Không dám đi khám, phải rất lâu sau những biểu hiện đầu tiên, cậu học sinh lớp 7 này mới được bố mẹ phát hiện, đưa đi viện.

Tái mặt khi con mới 13 tuổi đã mắc lậu, giang mai - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương căn cứ trên những dấu hiệu điển hình cùng những xét nghiệm chuyên sâu, chẩn đoán cậu bé 13 tuổi mắc bệnh giang mai - một bệnh lây truyền qua đường tình dục không an toàn.

Điều đáng nói là Hải không thừa nhận chuyện này. Đến lúc bố mẹ ra khỏi phòng khám, cậu mới "thưa thật" với bác sĩ, cậu có quan hệ đồng giới với một nam thanh niên hơn tuổi hơn một năm nay.

Tái mặt khi con mới 13 tuổi đã mắc lậu, giang mai - Ảnh 2.

BS Thuỳ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: Võ Thu

BS Nguyễn Thị Thanh Thùy - Trưởng khoa Điều trị da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương), người trực tiếp thăm khám cho Hải chia sẻ, chuyện trẻ mới 13-14 tuổi đi khám bệnh lây truyền qua đường tình dục không lạ.

Không ít những ca hai bạn tuổi teen dắt nhau đi khám bệnh viện. Nhưng điều đáng tiếc là trong số này, nhiều người đã tới các phòng khám tư, chữa rất lâu không dứt mới đến viện.

"Khoảng 4 năm nay, số lượng các ca trẻ vị thành niên, thanh niên đến khám về các bệnh này tăng đáng kể. Rất nhiều câu chuyện éo le, có những cặp đôi, sau khi bạn trai biết mình có bệnh lây truyền qua đường tình dục đã tiếp tục dẫn bạn gái đến bệnh viện để tiếp tục thăm khám" - BS Thuỳ nói.

Ngoài những nguyên nhân về tâm lý lứa tuổi tò mò chuyện người lớn, môi trường điều kiện internet, mạng xã hội... phát triển, theo BS Thuỳ, đây vốn là những căn bệnh "thầm kín", trong khi lứa tuổi nhỏ lại càng lo sợ bị gia đình, người thân phát hiện nên hầu hết những trường hợp trẻ vị thành niên khi tới Bệnh viện khám chữa đã tự mua thuốc kháng sinh hoặc điều trị ở cơ sở bên ngoài.

"Bệnh không những không khỏi mà trẻ còn gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng nề" - BS Thuỳ nói và phân tích rằng, giang mai thường không có biểu hiện ở da hoặc có biểu hiện thoáng qua. Nếu phát hiện sớm, điều trị không hề khó. Khi để lâu hoặc điều trị không đúng cách, bệnh nhân sẽ bị tổn thương xương và ảnh hưởng thần kinh, tim mạch.

"Còn với bệnh lậu, nhiều bệnh nhân đã bị biến chứng viêm cổ tử cung, viêm vòi trứng… Đây là những nguy cơ có thể dẫn tới việc vô sinh sau này", BS Thùy cảnh báo.

Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, thống kê từ đầu năm tới hết tháng 5/2019, các bác sĩ ghi nhận khoảng 1.013 trường hợp viêm niệu đạo, 429 trường hợp viêm âm đạo bán cấp. Đặc biệt, có 343 bệnh nhân giang mai là, 170 bệnh nhân mắc bệnh lậu.
Chia sẻ