Sợ công ty bỏ rơi, hàng trăm công nhân lãn công đòi quyền lợi

XUÂN TIẾN/VTC NEWS,
Chia sẻ

Lo sợ công ty đóng cửa nhà máy, hàng trăm công nhân may tại Khu công nghiệp Liên Chiểu, Đà Nẵng tập trung lãn công, đòi quyền lợi.

Ngày 2/12, hàng trăm công nhân may của Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng (đường số 3, Khu công nghiệp Liên Chiểu, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tập trung lãn công, không cho xe chở sản phẩm từ nhà máy ra ngoài để đòi quyền lợi.

Theo công nhân N.X. (trú huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nghe thông tin công ty sẽ cho vận chuyển toàn bộ sản phẩm, máy móc ra khỏi xí nghiệp vào sáng nay nên công nhân tập trung chặn xe, không cho chở hàng đi vì họ nghi ngờ lãnh đạo công ty “bỏ của chạy lấy người”.

Theo công nhân X., thời gian gần đây, công ty gặp khó khăn về đơn hàng nên công nhân không có việc làm, không tổ chức tăng ca, thu nhập giảm sút.

Sợ công ty bỏ rơi, hàng trăm công nhân lãn công đòi quyền lợi - Ảnh 1.

Hàng trăm công nhân Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng lãn công.

Tin đồn công ty đóng cửa nhà máy xuất hiện cả tháng nay nhưng lãnh đạo công ty chưa công bố hay có động thái chính thức nào. Sáng nay, nghe tin công ty cho chuyển hàng đi, ai cũng sợ bị công ty bỏ rơi nên tập trung đòi quyền lợi”, công nhân X. cho biết.

Tương tự, chị N.T.H.M. (trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết, thời gian qua, công ty khó khăn nhưng công nhân đã đồng hành cùng doanh nghiệp nên công ty cũng phải có trách nhiệm với người lao động.

Theo chị M., cách đây 2 tháng, công ty gặp khó khăn, cắt giảm tiền thưởng tăng thêm như tiền kỷ luật, tiền chuyên cần từ 1,4 triệu đồng/tháng xuống còn 200 nghìn đồng/tháng. Như vậy, tổng tiền lương và các khoản thưởng, chị chỉ được tổng thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Dù thu nhập thấp nhưng công nhân chúng tôi vẫn cố gắng bám trụ, đồng hành cùng công ty vì gần đến Tết, ai cũng mong có việc làm, có thưởng Tết. Tôi có hợp đồng lao động 3 năm và hiện thời hạn hợp đồng vẫn còn. Nếu công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng với chúng tôi thì phải có động thái đền bù xứng đáng”, chị M. nói.

Hầu hết các công nhân cho rằng, công ty âm thầm cho xe vận chuyển sản phẩm đi khỏi nhà máy mà không thông báo cho công nhân biết khiến họ nghi ngờ lãnh đạo công ty đang cố tình bỏ rơi công nhân.

Chúng tôi rất lo lắng và bức xúc nên quyết ngăn chặn, không cho công ty chở hàng đi nơi khác. Chúng tôi yêu cầu lãnh đạo công ty phải có lời giải thích rõ ràng. Thời gian qua chúng tôi đã đồng hành, chia sẻ khó khăn với công ty nên công ty cũng phải chia sẻ với công nhân”, một công nhân chia sẻ.

Nhận tin công nhân tập trung ngăn chặn xe chở hàng hóa, sản phẩm ra khỏi Công ty TNHH SSLV, Đội An ninh Khu công nghiệp Liên Chiểu phối hợp với Đồn Công an Khu công nghiệp Hòa Khánh - Liên Chiểu có mặt đảm bảo an ninh trật tự, động viên công nhân ổn định, không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại nhà máy.

Được biết, trong chiều nay, đại diện Ban Giám đốc Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng sẽ từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng để đối thoại với công nhân.

Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng có trụ sở tại lô D2-D3-D4-D5, đường số 3, KCN Liên Chiểu, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, chuyên sản xuất vali, túi xách, sản xuất yên đệm và các loại tương tự.

Sợ công ty bỏ rơi, hàng trăm công nhân lãn công đòi quyền lợi - Ảnh 2.

Lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tại Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, Công ty TNHH SSLV Đà Nẵng là một trong những doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng. Vừa qua, công ty phải cắt giảm hàng loạt lao động, thu hẹp sản xuất và đã có báo cáo gửi cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố.

Trước đó, chiều 1/12, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng có thông báo cho biết, hiện một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may, túi xách, chế biến thủy sản gặp khó khăn về đơn hàng và nguyên liệu đầu vào nên ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Các doanh nghiệp lĩnh vực này không tổ chức làm tăng ca, cắt giảm lao động, cho người lao động nghỉ phép năm. Theo thông tin sơ bộ, đã có 8 doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, người lao động làm việc luân phiên, giảm lao động, số lượng lao động bị tác động là 1.064 người.

Chia sẻ