Công nhân chật vật mưu sinh cuối năm

UYÊN PHƯƠNG,
Chia sẻ

Chỉ hồi phục được một thời gian ngắn sau dịch COVID-19, nhiều nhà máy, xí nghiệp lại rơi vào tình cảnh thiếu đơn hàng, hết việc nên buộc phải sản xuất cầm chừng hoặc sa thải công nhân. Đời sống nhiều người lao động hết sức khó khăn và phải chật vật mưu sinh dịp cuối năm.

Kỳ 1: Chới với vì mất việc

Không có đơn hàng, doanh nghiệp hết sức cầm cự đã buộc phải sa thải lao động khiến hàng vạn công nhân chới với khi năm hết, Tết đến cận kề.

Bỗng dưng thất nghiệp

“Xóm trọ 35” nằm đối diện cổng Công ty TNHH Tỷ Hùng (phường An Lạc, quận Bình Tân) là nơi ở của hơn 50 nữ công nhân công ty này. Những ngày qua, sau khi nghe công ty thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với gần 1.200 công nhân do không có đơn hàng từ đầu tháng 12 tới đây, không khí khu trọ cũng trở nên buồn thiu, ảm đạm. 

Nhặt nhạnh lại mớ rau đã mua từ ngày trước, chị Trần Thị Giúp (47 tuổi, quê Đồng Tháp) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại lúc công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 1.200 người, trong đó có chị. 

“Ai cũng bất ngờ, rất buồn và không biết nói gì. Suốt những ngày qua, tôi lo đến mất ăn mất ngủ bởi không biết lấy gì nuôi con” - nữ công nhân nghẹn ngào nói.

Gần 20 năm gắn bó với công ty với mức lương 8 triệu đồng/tháng, chị Giúp nuôi ước vọng sẽ làm tới lúc về hưu. Vậy mà cái tin bị sa thải như “sét đánh ngang tai” với chị. Chị không biết xoay xở thế nào để tìm được công việc mới khi tuổi đã lớn. 

“Tôi nghĩ nhiều lắm chứ, nếu tiếp tục ở lại, có thể mình sẽ xin đi rửa chén, quét dọn thuê; còn không thì về quê. Nhưng về quê cũng không có ruộng đất, biết sống ra sao” - chị Giúp nói. Giờ đây, miếng cơm manh áo của cả gia đình phụ thuộc hết vào đồng lương công nhân ít ỏi từ người chồng.

Sau khi tan ca, chị Ngô Thị Hồng Oanh (38 tuổi, quê Sóc Trăng) công nhân Công ty Tỷ Hùng, không về nhà trọ ngay mà rảo qua nhiều tuyến đường nhặt ve chai, kiếm ít đồng mua rau. Có thâm niên 10 năm làm công nhân may giày, đồng lương chỉ tầm 6 triệu đồng/tháng, chị Oanh xoay xở đủ đường để vừa lo cho gia đình, vừa bám trụ thành phố. 

“Mấy năm trước công ty có hàng, cuối năm vẫn tăng ca đều đều. Chỉ hai năm dịch là không có hàng, cũng không tăng ca. Nhiều lúc tôi muốn làm thêm để cuối năm có tiền Tết tháng thứ 13 rồi về quê, nhưng đâu ngờ công ty hết đơn hàng và thông báo cho cả nghìn người nghỉ việc” - chị Oanh nói.

Công nhân chật vật mưu sinh cuối năm - Ảnh 1.

Xóm trọ công nhân trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) chạy tìm việc khắp nơi vì bị cắt hợp đồng khi Tết đã cận kề

Trong căn phòng trọ chưa tới 10m2 ở xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi), chị Phạm Thị Tem (33 tuổi, quê Trà Vinh) có 9 năm làm việc tại Công ty TNHH Việt Nam Samho không khỏi sốc, hụt hẫng khi biết sẽ mất việc làm. 

“Để yên tâm làm việc, tôi gửi 2 con nhỏ nhờ ngoại chăm sóc. Mỗi tháng nhận lương hơn 8 triệu đồng, tôi trích một nửa gửi về quê, còn lại chi phí sinh hoạt, ăn uống, nhà trọ… Sau khi nhận được thông báo của công ty, tôi đi xin việc nhiều nơi, từ nhặt rau, rửa chén cho đến phụ bán dép lề đường… thu nhập cũng được vài triệu đồng/tháng. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, đợi qua Tết xem tình hình việc làm thế nào rồi tính tiếp. Bí bách quá cũng tính đến chuyện về quê” - chị Tem tâm sự.

Theo Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM Trần Anh Tuấn, lao động không có tay nghề, người làm công việc phổ thông sẽ dần bị đào thải, không cạnh tranh nổi trên thị trường lao động. “Thị trường lao động hiện nay và tương lai cho thấy xu hướng những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, kỹ năng thấp… sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Phần lớn lực lượng lao động kỹ năng thấp sẽ bị mất việc làm” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Chuẩn bị bữa ăn tối chỉ với dĩa đậu bắp chấm chao, chị Bùi Thị Giang (52 tuổi, quê Bạc Liêu) đang trọ tại đường Bờ Xe Lam (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) thở dài khi nhắc đến việc đòi lương ở công ty cũ. Chị Giang là công nhân lâu năm của Công ty TNHH Ta Shuan (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân) chuyên sản xuất nhựa tổng hợp. 

“Lúc đầu là nghỉ thứ Bảy, sau đó mỗi ca chỉ làm 8 tiếng và phải nghỉ luân phiên trong tuần. Lương cơ bản mỗi tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng nên phải chi tiêu tằn tiện mới đủ đắp đổi qua ngày” - chị Giang cho hay.

Công nhân chật vật mưu sinh cuối năm - Ảnh 3.

Chị Trần Thị Giúp, công nhân Công ty Tỷ Hùng buồn tênh khi hay tin sẽ thất nghiệp vào đầu tháng 12 này

Hiện công ty thông báo đóng cửa, tạm ngừng hoạt động từ ngày 7/11 cho đến khi có đơn hàng mới. Mặc dù làm việc từ năm 2015 nhưng chị Giang không được ký HĐLĐ, đóng BHXH. Lo trắng tay khi nghỉ việc, ngày nào chị cũng đến công ty để nghe ngóng tình hình. Thất nghiệp, lại chẳng hề được trợ cấp, viễn cảnh những ngày sắp tới của chị Giang càng trở nên mờ mịt.

Nơm nớp lo mất việc

Có gần 17 năm làm việc tại một công ty chuyên về may mặc trong Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi), chị Võ Thị Hoài (gần 50 tuổi, quê Hà Tĩnh) nơm nớp lo mất việc khi doanh nghiệp thông báo giảm đơn hàng. 

“Gần đây liên tiếp nghe nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất nên sa thải công nhân, đóng cửa nhà máy mà tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Tôi sợ sẽ chung hoàn cảnh thất nghiệp như vậy, lúc đó sẽ không biết tính sao vì lớn tuổi rồi, chẳng ai thuê mướn gì nữa. Thật sự, đã quyết định chọn vào nhà máy làm công nhân, chúng tôi chỉ mong được yên ổn làm việc đến khi về hưu. Dù công ty có khó khăn, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, chỉ hy vọng đừng mất việc” - chị Hoài nhìn xa xăm.

Trò chuyện cùng chị Lâm Thị Tư (40 tuổi, công nhân giày Thiên Hòa, TP Thủ Đức), chị kể, trong công ty đa số công nhân đều ở độ tuổi từ 18 đến 35. Những người cùng lứa với chị bị coi là “quá tuổi lao động” nên luôn nơm nớp lo doanh nghiệp sa thải bất cứ lúc nào vì lý do sức khỏe kém, mất nhiều chi phí cho bảo hiểm xã hội, tăng lương... 

“Tôi đã rảo qua rất nhiều doanh nghiệp treo bảng tuyển dụng, các sàn việc làm… nhưng nơi nào cũng yêu cầu lao động dưới 30 tuổi. Như tôi thất nghiệp chỉ có ra chợ phụ bưng bê hoặc về quê làm ruộng” - nữ công nhân ngậm ngùi cho biết.

Ông Nguyễn Phi Hùng, đại diện đơn vị cung ứng lao động Thanh Hoa chia sẻ, nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng, ông thấy hầu hết các doanh nghiệp đều giới hạn độ tuổi lao động trong tuyển dụng, kể cả doanh nghiệp ngành dệt may cũng chỉ tuyển lao động dưới 40 tuổi. 

Nguyên nhân là do doanh nghiệp cho rằng, lao động lớn tuổi không còn nhanh nhẹn, sức khỏe giảm sút dẫn tới năng suất lao động thấp. Một lý do khác khiến doanh nghiệp không mặn mà khi tuyển lao động trung niên vì sẽ phải thỏa thuận lại mức lương. Do vậy, người lao động bị thất nghiệp ở độ tuổi trung niên thường khó tìm việc làm mới, dù có năng lực, kinh nghiệm và nhu cầu việc làm.

(Còn nữa)

Chia sẻ