Sau 205 triệu năm, "rồng biển" 54m hiện hình trên đỉnh núi hơn 2.700m

THU ANH,
Chia sẻ

Ba quái vật biển sâu, được xác định là rồng biển huyền thoại, đã bị hóa đá ở nơi không thể tin nổi: trên đỉnh các ngọn núi thuộc dãy Alps, độ cao lên tới 2.740m.

Theo hãng tin Reuters, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Martin Sander từ Trường ĐH Bonn (Đức) đã phát hiện 3 hóa thạch có niên đại lên đến 205 triệu năm, tức thuộc kỷ Tam Điệp, thuộc về dòng giống bò sát biển nổi tiếng ichthyosaurs, tức "thằn lằn cá" hay "ngư long".

Sau 205 triệu năm, rồng biển 54 m hiện hình trên đỉnh núi hơn 2.700 m - Ảnh 1.

Ảnh đồ họa của nghệ sĩ mô tả chân dung của "rồng biển" đáng sợ kỷ Tam Điệp. Ảnh: REUTERS

Chúng được gọi là "ngư long", tức "rồng biển", là do thân hình hết sức kỳ dị: vẻ ngoài trông giống một con cá voi quái vật đáng sợ nhưng bản chất bên trong lại là bò sát. Chúng là những kẻ săn mồi cực kỳ nguy hiểm trong đại dương các kỷ Tam Điệp - Jura - Phấn Trắng.

Ba con "rồng biển" xuất hiện lần lượt ở 3 đỉnh khác nhau của dãy Alps. Hóa thạch con thứ nhất và thứ hai gồm xương sườn và đốt sống mà các mô hình tính toán tiết lộ khi còn sống chúng lần lượt dài 21 và 15m. Con thứ ba chỉ còn một chiếc răng dài 15cm, rộng 6cm, tiết lộ khi còn sống nó phải dài tới 54m!

Như vậy, ba cá thể này đã "nâng cấp" ngư long trở thành một trong những loài lớn nhất trong số các "khủng long biển" vào thời dòng họ quái vật này thống trị hành tinh.

"Chiếc răng này đặc biệt thú vị bởi nó có thể - dù chưa chắc chắn - đại diện cho loài động vật lớn nhất từng hiện diện trên Trái Đất" - tiến sĩ Martin Sander viết trong bài công bố vừa đăng tải trên Journal of Vertebrate Panleontology.

Sau 205 triệu năm, rồng biển 54 m hiện hình trên đỉnh núi hơn 2.700 m - Ảnh 2.

Các nhà Martin Sander và Michael Hautmann săn tìm quái vật cổ đại trên một sườn núi thuộc dãy Alps - Ảnh: REUTERS

Con ngư long lớn nhất ngự trị trên đỉnh núi Chrachenhorn gần Davos - Thụy Sĩ. Kích thước của nó được suy ra từ một hóa thạch ngư long đầy đủ hơn, dài 18m từng được mô tả vào năm ngoái. Con ngư long 18m này có chiếc răng với đáy rộng 2cm, rất nhỏ so với chiếc răng rộng 6cm, dài 15 m mà các nhà khoa học vừa khai quật.

"Rồng biển" cỡ lớn là sát thủ đối với cá nhà táng, mực khổng lồ, cá lớn và kể cả các loài ngư long, bò sát biển nhỏ hơn trong vùng đại dương ngập tràn quái thú thời cổ đại.

Nguyên nhân các quái vật biển lại hóa thạch tận trên đỉnh núi được cho là quá trình kiến tạo mảng của Trái Đất, trong đó các mảng kiến tạo (có thể hiểu nôm na là các mảnh vỏ của địa cầu) liên tục chuyển đổi, làm biến hình các lục địa và đại dương nó cõng bên trên.

Một mảng của đại dương kỷ Tam Điệp sau 205 triệu năm đã hóa thành đỉnh Alps, tạo cơ hội cho quái vật mà nó kỳ công bảo tồn được hiện hình trước thế giới một lần nữa.

Chia sẻ