Sập bẫy trai già

Yên Chi,
Chia sẻ

Bây giờ, các anh chị em trong công ty không còn thấy chàng trai già dễ mến đưa đón cô nữa, hỏi thăm thì Ngân chỉ biết gượng cười.

Ngày cưới, nắm tay “chồng già” hơn mình 13 tuổi, Ngân (Quận 5, TP HCM) cười tít mắt không biết trời đất trăng mây gì nữa. Cô vui sướng vô cùng khi có được một người chồng chín chắn, đĩnh đạc, bao dung, lại rất mực chiều chuộng cô.

Năm nay Ngân 25 tuổi trong khi chồng cô – Cương đã 38 tuổi. Anh có một sự nghiệp kha khá, hơn nữa lại hơn Ngân nhiều tuổi nên bản thân cô, đến cả gia đình, bạn bè đều nghĩ Ngân mà lấy Cương nhất định sẽ sướng, sẽ được chiều chuộng và có chỗ dựa vững vàng.

Nhưng khi cuộc sống hôn nhân chưa qua nổi một tháng thì Ngân đã choáng váng khi phát hiện ra: tất cả sự hoàn hảo “chồng già” dành cho cô lúc yêu nhau chỉ là một màn diễn quá ư tài tình của anh ta mà thôi.

Ngày xưa, nếu Cương làm gì mà Ngân không vừa ý, cô sẽ giả bộ giận dỗi, anh liền xoắn xít dỗ dành cô ngay. Mỗi khi cô nổi nóng thì anh lại im lặng, đợi lúc Ngân hạ hỏa sẽ vừa đùa đùa vừa góp ý với cô.

Ngân thầm cảm ơn người yêu lớn tuổi, suy nghĩ có phần chín chắn và sâu sắc hơn hẳn mình. Từ khi quen anh, tính tình của cô đã tốt lên rất nhiều, đã biết nhịn và biết lắng nghe.

Nhưng bây giờ, Cương nói gì mà Ngân cãi lại hay làm mặt phụng phịu là nhận được ngay câu nói: “Có nghe không thì bảo? Cho cái tát cho biết mặt bây giờ!”. Có lần Ngân làm căng thì nhận được một cái tát nảy lửa của chồng, kèm theo câu đe dọa: “Cho chừa đi!”. Ngân hãi hùng mãi mới tin đó là sự thật, người đàn ông rất mực yêu chiều cô lại ra tay đánh cô không chút nao núng.

Ngày xưa, Cương rất chiều chuộng Ngân, chuyện gì anh không thích nhưng cô đã nhờ thì anh sẽ cố gắng làm bằng được. Chuyện gì không thể làm được, anh luôn xin lỗi rối rít rồi trình bày lý do rất khẩn thiết. Khi cô giận, anh lẽo đẽo theo sau, nhìn mặt rất là tội nghiệp. Những lúc ấy Ngân lại thấy thương và yêu anh "trai già" của mình hơn bao giờ hết.

Nhưng bây giờ, chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà, một tay Ngân phải lo liệu hết, Cương ngoài thời gian đi làm, về nhà anh tự cho mình là một ông tướng. Những việc nhà nặng nhọc như bê chậu quần áo, phơi cái chăn bông, thay cái bóng điện... Cương cũng nhất định không giúp Ngân, để cô tự xoay xở.

Sập bẫy trai già 1
Ngân hãi hùng mãi mới tin đó là sự thật, người đàn ông rất mực yêu chiều cô lại ra tay đánh cô không chút nao núng (Ảnh minh họa).

Ngân luôn bị coi là kẻ ăn bám trong nhà, là kẻ vô tích sự lương ba cọc ba đồng nên anh không cần phải để tâm đến suy nghĩ, nguyện vọng cũng như những khó khăn của cô. Việc của cô là phải phục dịch chồng hết sức, anh đi làm kiếm tiền, cho cô ở nhà cao cửa rộng, đi “bốn bánh” là phúc cho cô lắm rồi, còn đòi hỏi gì nữa.

Ngày xưa, Cương chia sẻ với Ngân tất cả mọi chuyện về công việc, cuộc sống của anh. Dù Ngân và Cương chưa phải là vợ chồng nhưng anh có chuyện gì cũng hỏi ý kiến cô, ngay chuyện anh mua đất làm nhà cũng vậy. Ngân cảm thấy mình được tôn trọng và hạnh phúc vô cùng khi người yêu làm nghĩ cũng nghĩ đến mình, coi mình là trung tâm.

Nhưng bây giờ, chồng làm gì cũng chẳng hỏi Ngân lấy một câu. Tiền Cương làm được bao nhiêu Ngân chẳng hề biết, mỗi tháng anh đưa cô bao nhiêu cô biết bấy nhiêu. Hỏi thì Cương gắt: “Đàn bà biết gì việc làm ăn mà hỏi?”, hay: “Hỏi gì mà hỏi lắm thế?”.

Ngày trước, hai người em của Cương rất thân thiện với cô, thường xuyên qua rủ cô đi shopping, café tán gẫu. Nhưng bây giờ chẳng thấy đả động gì đến Ngân nữa, mỗi lần qua chơi cũng chỉ một điều anh trai, hai điều anh trai, coi Ngân như không khí trong nhà.

Có lần Ngân ở trong nhà, nghe thấy anh em chồng nói chuyện ngoài phòng khách, cô em hỏi chồng Ngân: “Em bé của anh đâu rồi? Có hay khóc nhè không?” rồi phá lên cười với nhau. Ngân chỉ biết lau vội giọt nước mắt vừa chảy ra.

Ngày xưa, Cương luôn đưa Ngân đi làm rồi dặn dò đủ thứ, lúc đón về lại cẩn thận đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm, tới ngõ nhà cô thì lại căn dặn một hồi nữa, còn đứng chờ tới khi cô vào nhà mới quay xe đi.

Bây giờ, các anh chị em trong công ty không còn thấy chàng trai già dễ mến đưa đón cô nữa, hỏi thăm thì Ngân chỉ biết gượng cười. Chả lẽ lại bảo anh ấy lấy được cô rồi nên không thèm làm xe ôm nữa.

Ngày yêu nhau, Cương không những quan tâm tới Ngân từng li từng tí mà còn để ý quan tâm tới bố mẹ cô rất chu đáo. Lần nào Cương tới chơi nhà cũng quà cáp ra trò, lễ phép điềm đạm khiến cả họ ai cũng quý. Không đến chơi được thì Cương lại gọi điện hỏi thăm, tỉ tê dặn dò hai bác giữ gìn sức khỏe, khen ngợi hai bác đã dạy dỗ nên cô con gái tuyệt vời như Ngân. Cứ thế, cả nhà Ngân ai cũng đều bị cưa đổ dúi dụi.

Nhưng bây giờ, khoản điện đóm hỏi thăm và quà cáp qua chơi bị cắt hẳn. Ngân có kì kèo chồng đưa về cũng chẳng ăn thua, một là: “Cô về một mình đi!”, hai là: “Ở nhà, không đi đâu cả!”. Khi nhà cô có việc quan trọng không thể vắng mặt được, Cương lại tìm mọi lí do để trốn, trốn không xong thì vác cái mặt như đưa đám đến nhà vợ.

“Ngày xưa…”,  “Ngày nay…”,  Ngân quay cuồng trong sự so sánh ấy để nhận ra rằng, mình đã bị lừa một vố quá to. Người ngoài sẽ hỏi, chồng cô không gái gú, ít nhậu nhẹt, không bài bạc, vị chi là chẳng có tệ nạn nào, cô lấy đâu lí do để phàn nàn đây?

Nhưng Ngân đau lắm vì rơi vào cái bẫy mà "trai già" giăng ra, trong khi cô còn đang hý hửng tưởng mình số may.



Trước chị chọn anh bởi sự chín chắn, điềm đạm, sự nghiệp ổn định. Nhưng càng sống bên anh, chị càng nhận ra cuộc sống vật chất thật vô nghĩa khi vợ và chồng là hai thế giới riêng không thể hòa hợp.
Sập bẫy trai già 2
Chia sẻ