Rơi nước mắt trước câu nói của nhân viên bảo vệ nhà hàng khi phải nghỉ việc vô thời hạn vì dịch Covid-19: Lúc nào nhà hàng mở lại nhớ cho chú đi làm lại nhé!
Những dòng chia sẻ của một quản lý nhà hàng thuộc hệ thống Golden Gate khi phải tạm đóng cửa và cho nhân viên nghỉ việc vô thời hạn vì Covid-19 khiến nhiều người không khỏi xót xa. Nhưng càng xót xa hơn là trường hợp của những nhân viên đã cố gắng bám trụ đến bây giờ. Dù đóng cửa họ vẫn hy vọng sẽ được quay lại với công việc sau khi dịch qua đi.
Trong những tháng gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành nghề kinh doanh. Đặc biệt là những người làm dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, các cơ sở giải trí... Rất nhiều cơ sở kinh doanh các loại hình này đã phải tạm dừng, đóng cửa hoặc trả lại mặt bằng.
Cùng với đó là tình hình dịch ngày càng phức tạp, Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo hạn chế tập trung đông người, quyết định tạm thời ngừng hoạt động những loại hình dịch vụ karaoke, nhà hàng... cũng đã được ban hành để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, càng khiến những loại hình kinh doanh này càng khó khăn hơn.
Kinh doanh gặp khó khăn là tình hình chung của hầu hết tất cả các cơ sở, nhà hàng trong thời điểm hiện tại nhưng khi đọc những dòng chia sẻ của một quản lý nhà hàng mới được đăng tải trên mạng xã hội về việc tạm thời đóng cửa, nhân viên nghỉ vô thời hạn khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Chúng tôi xin trích nguyên văn dòng chia sẻ của vị quản lý nhà hàng thuộc hệ thống Golden Gate để mọi người có thể thấy và hiểu rõ hơn về những khó khăn của những người làm trong ngành dịch vụ lúc này:
"Từng là đứa bê than tới bỏng tay, cũng từng là chân chạy bàn bị mắng vốn bao nhiêu lần không đếm xuể, trải qua bao chuyện nghề cay đắng đủ cả nhưng tôi chưa một lần cho phép bản thân uỷ mị. Duy chỉ có hôm nay, ngày tôi phải cho nhân viên nghỉ vô thời hạn...
Mọi người có thể nói tôi làm quá hay xem đây là bài viết câu like, nhưng chỉ người trong chăn mới biết chăn có rận, chỉ có người làm nhà hàng, dịch vụ mới hiểu được sự kiệt sức tới kiệt quệ của tôi lúc này. Có người nghỉ làm để về quê tránh dịch; có người bị cắt ca, giảm lương. Ai ở lại thì một tay trăm việc: đứng bếp kiêm chạy bàn, làm bar kiêm rửa bát. Nhà hàng của tôi đã cầm cự, chiến đấu như vậy cả tháng trời mặc cho kinh doanh ảm đạm, khách hàng quay lưng, cho tới hôm nay, khi chính thức có thông báo đóng cửa.
Chỉ mới hôm qua thôi chú bảo vệ lâu năm vẫn níu tay tôi trước lúc tan ca, hỏi là " Chú nghe nói người ta bắt đóng cửa hết rồi, mai mốt chú có được đi làm nữa không". " Yên tâm chú ơi, Sài Gòn mới đóng cửa thôi chú ạ, Hà Nội vẫn bình thường".
Tôi ủng hộ Chính phủ chống dịch, hoàn toàn hiểu tầm quan trọng của việc cách ly cộng đồng, nhưng khi đứng trước mặt những con người ấy hôm nay tôi vẫn muốn nuôi niềm tin, vẫn mong là nhà hàng không cần đóng cửa.
2 chị đứng bếp, 1 chú bảo vệ đều là lao động chính của gia đình. Cậu nhân viên nam duy nhất, chỉ là sinh viên tỉnh lẻ, đáng lẽ đã về quê từ tháng trước nhưng vẫn ở lại làm ca vì bảo không nỡ để các bạn nữ bê than. 2 cô bé người chạy bàn, hằng ngày dọn dẹp trong bóng tối để giúp nhà hàng tiết kiệm điện.
Một tập thể từng có từng đông đúc tới mấy chục người, nay chỉ còn 6 mạng, đứng nhìn nhau trong 1 góc nhà hàng ảm đạm. Tôi hít một hơi thật sâu, chưa biết làm cách nào để mở lời, mới hôm qua thôi tôi còn bảo mọi người yên tâm cơ mà...".
Tôi đã không dám đối mặt cho tới khi cậu sinh viên lên tiếng trước "Anh ơi, mình đóng cửa phải không anh?". Mọi người bắt đầu đảo mắt nhìn nhau, tôi vẫn ậm ừ trong miệng, quay ra chú bảo vệ. Dường như hiểu được ý tôi, chú tặc lưỡi "Không sao, chắc nghỉ một thời gian thôi đúng không, chú đi chạy grab tạm vậy, lúc nào nhà hàng mở lại nhớ cho chú đi làm lại nhé".
Tôi bỗng nhiên cay cay sống mũi, cảm giác đôi mắt có chút nhoè. Từng bảo mọi người phải cố gắng, lạc quan, nhưng giờ đây tôi lại là người mệt mỏi nhất. Chưa bao giờ tôi thấy mất phương hướng và bất lực như vậy, bản thân là người có trách nhiệm nhưng lại không thể thốt được một câu đàng hoàng, lại còn để nhân viên an ủi ngược.
"Không sao anh ơi, coi như em đi nghỉ Tết thôi mà"
"Vâng ạ, nghỉ dài hơn tí thôi, lúc nào nhà hàng mở cửa nhớ chừa ca cho em nhé"
Giọng tôi bắt đầu nghẹn lại: "Cháu xin lỗi, anh xin lỗi, đúng thật thời gian này khó khăn, cháu thực sự cũng không hứa được gì…."
"Thôi mình dọn dẹp đi đứng đây làm gì, lâu nữa mới mở nhớ phải làm kĩ vào nhé" - Chị bếp xua tay.
Mọi người tản ra, nhanh chóng, nhẹ nhàng, vẫn làm những công việc hằng ngày ấy. Còn tôi đứng lặng lại, chưa bao giờ nghĩ lại trân trọng khoảnh khắc này tới vậy, lau một chiếc bàn, xếp một cái ghế, qua ngày mai rồi không biết bao giờ mới có thể làm lại nhỉ?
Nhất định tôi phải được làm việc với những con người này một lần nữa! Lời hứa tôi không thể thốt ra nhưng chắc chắn tôi sẽ làm được…
Mọi người chờ nhé, mọi chuyện sẽ ổn thôi, tôi nhất định sẽ gọi mọi người!".
Bài viết của vị quản lý sau khi đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của mọi người. Nhiều ý kiến tỏ ra đồng cảm với vị quản lý khi phải tạm dừng hoạt động. Không ai mong muốn điều này, nhưng trong lúc tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, quyết định này hoàn toàn đúng đắn và nhận được sự ủng hộ từ người dân.
Khi có quyết định tạm thời đóng cửa, không chỉ nhà hàng gặp khó khăn mà người lao động cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Ai cũng muốn có công việc để trang trải cuộc sống. Khi các cơ sở kinh doanh tạm ngừng hoạt động, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Như những nhân viên của hệ thống nhà hàng Golden Gate, khi nhận thông báo tạm thời đóng cửa, họ buồn, nhưng họ vẫn hy vọng một ngày nào đó không xa sẽ lại được tiếp tục công việc của mình. Với họ công việc này giúp họ trang trải cuộc sống, là mưu sinh.
Trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến phức tạp, dù khó khăn nhưng người dân cần tuân thủ những khuyến cáo đã được đưa ra, cùng nhau chống dịch để nhanh chóng vượt qua khó khăn.
Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch Covid-19, sáng 25/3, UBND TP Hà Nội có công văn gửi Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn về việc tạm ngừng kinh doanh một số ngành nghề.
“Tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ kinh doanh không cần thiết như dịch vụ karaoke, massage, quán bar, vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, sân vận động, các môn thể thao đông người... để hạn chế việc tụ tập đông người, trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ mặt hàng cần thiết như thực phẩm, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày”.