Quan điểm "phụ nữ Việt khổ nhất thế giới" và "25 chưa lấy chồng là bất hiếu" gây tranh cãi

Anh Đào,
Chia sẻ

"Lấy bạn gái của Hùng làm ví dụ. Cô ấy bằng tuổi Hùng nên nhiều người nghĩ bây giờ cô ấy nên phải kết hôn rồi. Hùng có thể thấy dịp Tết đã làm cô ấy căng thẳng thế nào khi mọi người thường xuyên giục bọn Hùng kết hôn, đến mức có lúc cô ấy đã phát khóc hồi năm ngoái..."

Phụ nữ châu Á/ Việt Nam khổ nhất

Mới đây, khi những thước phim gây ám ảnh về những cô gái 25 tuổi bị là bất hiếu vì chưa chịu lấy chồng ở Trung Quốc được tung ra thì ngay lập tức đã có những ý kiến trái chiều bình luận xung quanh vấn đề này. Đa phần mọi người đều bày tỏ sự bức xúc đối với một định kiến xã hội mà trong đó người phụ nữ dường như phải sống cho thể diện của gia đình nhiều hơn những nhu cầu của bản thân.

Trong số những lời bình sắc sảo ấy, người ta nhìn ra một quan điểm đánh giá chung về thực trạng của phụ nữ cả một đất nước, một châu lục: “Phụ nữ Châu Á/ Việt Nam khổ nhất thế giới” của anh John Hùng Trần, một người vốn đã rất nổi tiếng với những lời đáp trả đanh thép về những vấn đề còn tồn đọng của xã hội.


Đoạn video nói về những cô gái Trung Quốc tuổi 25 nhưng chưa lấy chồng bị ghét bỏ đang khiến dư luận dậy sóng.

Bài viết này của anh không dài nhưng nó phần nào đủ làm thức tỉnh cả một thế hệ những con người vẫn còn đang nghe theo lề thói cũ. Anh đã lấy ví dụ của chính bản thân anh và người bạn gái cùng tuổi để nói về cái sự “chậm trễ” trong hôn nhân của chính anh.

Cuối cùng, đứng trên quan điểm của một người đàn ông, John Hùng Trần biết rằng, để hiểu hết về phụ nữ và hoàn cảnh của họ là rất khó nhưng anh sẵn sàng đứng lên bảo vệ và ủng hộ bạn gái, vợ của mình để họ vượt qua những khó khăn đồng thời có thêm sức mạnh và sự tự do để chọn lấy hạnh phúc thực sự của riêng mình.

Trung Quốc
Các cô gái nên được bảo vệ trước những suy nghĩ đã có phần không phù hợp ở xã hội hiện đại này nữa.

Nguyên văn bài viết của anh John Hùng Trần như sau:

"Lớn lên ở Mỹ, nơi sự bình đẳng giới và nữ quyền thực sự có ý nghĩa gì đó, Hùng phải nói rằng phụ nữ Việt Nam phải chịu đựng rất nhiều. So với phụ nữ phương Tây, phụ nữ châu Á giống như là nô lệ. Nô lệ cho gia đình, nô lệ cho chồng, nô lệ cho xã hội, không bao giờ thực sự có sự tự do để tự quyết định điều gì cho bản thân. Phụ nữ châu Á có bao giờ được thực sự tự do hay hạnh phúc không?

Video này đã được chia sẻ nhiều trên mạng , nó nói về những áp lực và sự khó khăn không cần thiết mà phụ nữ châu Á phải chịu đựng. "Những phụ nữ còn thừa" là cụm từ được dùng để nói về những phụ nữ ở Trung Quốc khi 25 tuổi mà chưa kết hôn. Hay ở Việt Nam, người ta thường gọi như thế là "ế". Chúng ta thường đùa và coi nhẹ từ này, nhưng thực ra nó ảnh hưởng sâu sắc đến phụ nữ. Hơn thế nó còn cho thấy hạnh phúc của người phụ nữ sẽ không bao giờ là của riêng cô ấy.

Lấy bạn gái của Hùng làm ví dụ. Cô ấy bằng tuổi Hùng nên nhiều người nghĩ bây giờ cô ấy nên phải kết hôn rồi. Hùng có thể thấy dịp Tết đã làm cô ấy căng thẳng thế nào khi mọi người thường xuyên giục bọn Hùng kết hôn, đến mức có lúc cô ấy đã phát khóc hồi năm ngoái. Bạn thấy đấy, giống như phần lớn các cô gái Việt Nam khác, cô ấy đưa ra những quyết định quan trọng dựa vào những gì cô ấy cho là sẽ khiến bố mẹ của cô ấy hạnh phúc, thậm chí nếu như thế có nghĩa là phải hy sinh hạnh phúc riêng của cô ấy. Việc này tạo nên những mâu thuẫn nội tâm không cần thiết trong đầu người phụ nữ, khi họ phải suy nghĩ trước sau và thoả hiệp. Hùng thấy thế thật nực cười.

Các nước châu Á như Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn có những suy nghĩ rất cũ. Chúng ta gọi đó là văn hoá nhưng thật ra đó là sự thiếu hiểu biết, sự thiếu khả năng phát triển. Đàn ông vẫn được nhiều lợi thế trong khi phụ nữ phải chịu mọi áp lực và phán xét từ xã hội. Hùng đổ lỗi cho xã hội, nhưng đặc biệt là các cha mẹ. Từ góc nhìn của tâm lý học, cha mẹ Châu Á là các cha mẹ tệ.

Họ nghĩ họ muốn điều tốt nhất cho con nhưng thực ra cha mẹ châu Á đôi khi rất ích kỷ. Họ trực tiếp và gián tiếp nói với con họ rằng hạnh phúc của con gắn liền với hạnh phúc của cha mẹ. Chỉ khi nào cha mẹ hạnh phúc thì các con mới có thể hạnh phúc. Vì thế các con phải nghe theo những gì cha mẹ bảo. Và khi một đứa con muốn phá vỡ những sợi dây xích để được tự do, cha mẹ họ lại cảm thấy thất vọng. Họ dùng mọi cách để khiến con cái thấy có lỗi để đạt được điều họ muốn, có cha mẹ còn dọa sẽ từ con.

Và việc đó thực sự đã quá sức chịu đựng của các phụ nữ gốc Á ở Mỹ. " Với nhóm phụ nữ Mỹ gốc Á tuổi từ 15 đến 25, tự tử là nguyên nhân đã đến cái chết cao thứ hai, chỉ sau những chấn thương không chủ đích như tai nạn xe hơi. Tỷ lệ nữ giới tự tử cao nhất, trong số tất cả các nhóm chủng tộc, nằm ở nhóm phụ nữ Mỹ gốc Châu Á tuổi từ 15 đến 25. Các kỳ vọng và áp lực từ gia đình thường được trích dẫn là tác nhân đóng góp cho các vụ tự tử." (1) Hay trường hợp khác nếu không phải là tự tử, thì Hùng đoán, là Jennifer Phan, người đã thuê sát nhân giết hại cha mẹ đẻ của cô ta.

Là một người đàn ông, Hùng không bao giờ có thể thực sự hiểu những khó khăn và chịu đựng mà phụ nữ Việt phải trải qua. Hùng đã được nghe kể là nó giống như bị xích vào một quả tạ nặng trong khi cố gắng nổi lên mặt nước để không bị chìm.

Hùng biết việc thay đổi quan điểm của những thế hệ lớn tuổi là không thể. Hùng chỉ hy vọng là thế hệ của mình sau khi đã trải qua những việc này thì sẽ thay đổi, và những người đàn ông như Hùng sẽ đứng lên bảo vệ và ủng hộ bạn gái và vợ của mình để họ vượt qua những khó khăn. Hãy để phụ nữ có thêm sức mạnh và sự tự do để chọn lấy hạnh phúc thực sự."

Trung Quốc
Phụ nữ châu Á có chăng đang phải gánh chịu những tư tưởng quá khắt khe từ gia đình?

Các cô gái lên tiếng

Hẳn nhiên, sau khi những dòng chữ này được khởi đăng, rất nhiều bạn trẻ đang trong độ tuổi bị coi là “nguy cơ” theo cách gọi của gia đình họ đã lên tiếng. Bạn Bạch Ngọc Tiên Tử cho hay: “ Mình 29 tuổi, chịu đựng sự hỏi han thúc giục từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thậm chí cả những người xa lạ đã được 7 năm kể từ ngày tốt nghiệp đại học. Từ nhẹ nhàng đến nặng nề, đùa vui đến nghiêm túc. Thậm chí còn vô duyên đến mức không chấp nhận được. Chính sách của mình là mặc kệ. Cuộc sống của mình không ai sống hộ được. Nếu vì mệt mỏi do thúc giục từ mọi người mà nhắm mắt đưa chân, sau này mình khổ cũng chẳng ai khổ giúp mình. Vậy nên kệ thôi”.

Hay như bạn Linh Phan thì nói rằng: “Hôm qua mình về quê và mọi người có vẻ có vấn đề về việc mình 25 tuổi và chọn đi học tiếp master thay vì ở nhà đi làm rồi lấy chồng. Một đứa cháu gái lớp 7 của mình còn hỏi dì năm nay 25 tuổi rồi, học thêm 2 năm nữa là 27 tuổi, vậy là ế à? Rất may mình có bố mẹ lúc nào cũng ủng hộ mình”.

Với sự phát triển của xã hội như hiện nay, việc con gái lấy chồng muộn hơn thế hệ các bà, các mẹ ngày xưa là điều tất nhiên. Họ còn bận theo đuổi ước mơ học tập, sự nghiệp vững vàng rồi cuối cùng mới tìm cho mình người chồng lý tưởng. Thời nay con gái lập gia đình không chỉ chọn cho mình người làm bố cho các con mà còn phải chọn một người bạn có thể theo cô ấy đi đến cuối cuộc đời. Để tới khi tóc đã hoa râm, họ vẫn có thể tự tin nói chuyện với nhau như thời son trẻ và tán gẫu về những câu chuyện đời thường một cách rôm rả và hợp ý.

Chính nhờ sự thay đổi đó, những suy nghĩ của các bà mẹ trẻ ngày nay cũng khác hơn. Bạn Hong Thai Tran chia sẻ: “ Mình sẽ là người mẹ cởi mở, văn minh không bao giờ ép buộc con cái sống theo chuẩn mực của mình mà con mình không hạnh phúc với lựa chọn đó. Thậm chí nếu con mình mai mốt lớn lên yêu những người giống dân khác, hay người đồng tính. Mình vẫn sẽ đồng ý chúc phúc cho tụi nhỏ. Chỉ với điều kiện người đó phải là người tốt biết quan tâm chia sẽ và có một công việc ổn định để có thể cùng con mình chăm lo lẫn nhau.”

cô dâu
Làm cô dâu là điều bất cứ người con gái nào trên thế giới này cũng mong muốn, nhưng cuộc đời là những chuyến đi dài và không phải tất cả mọi người đều cán đích cùng nhau.

Là một cô gái hiện đại, đừng bao giờ cảm thấy phiền vì những lề thói xưa cũ. Bởi lẽ bố mẹ cũng có phần đúng khi giục bạn lấy chồng suốt ngày bởi họ đã từng sống trong xã hội ngày xưa và với họ, hạnh phúc với mình và với con cái là chúng phải yên bề gia thất trước khi nhắm mắt xuôi tay. Đó là thành ý mà chúng ta muôn đời không được quyền vứt bỏ, chối cãi.

Nhưng ở một khía cạnh khác, con người ta sống là luôn phải hướng về phía trước và đi theo xu hướng của xã hội. Tất nhiên, lấy chồng muộn không phải là một xu hướng bởi vì nếu ai đã tìm được một nửa đích thực của mình rồi thì phải "cưới liền tay" chứ chớ để muộn; nhưng nếu một ai đó có được lý tưởng của riêng mình thì cũng đừng ngại ngần bày tỏ với đấng sinh thành để họ hiểu và ủng hộ nhiệt tình cho bạn. Đó mới là thứ hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc đời này.

Nói như vậy, có nghĩa là làm phụ nữ châu Á/ Việt Nam có cái khổ mà cũng có cái sướng. Cái khổ so với phương Tây thì có thể ở một số điểm về tự do trong cuộc sống, trong hôn nhân. Nhưng cái sướng ở đây phải là sự cảm nhận của mỗi người khi sống trong từng gia đình và cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ. Chỉ vậy thôi.

Nguồn: Fb John Hùng Trần

Chia sẻ