Phủ vắc xin cho học sinh, trường học ở TPHCM sẽ sớm mở cửa?
TPHCM đang tiêm “vét” vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 (dự kiến hoàn tất ngày 6/11). Theo nhiều chuyên gia, việc này sẽ giúp học sinh an toàn hơn trước đại dịch, tiến tới việc có thể mở cửa trường học sớm hơn dự kiến.
Sẵn sàng
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Sở sẽ trình UBND thành phố phương án cho học sinh lớp 9 và 12 đi học lại từ đầu tháng 12, thay vì từ đầu tháng 1/2022 như trước. Theo ông Hiếu, thành phố có hơn 1.500 trường học được trưng dụng trong công tác phòng chống dịch. Hiện nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện đã chuyển giao lại hơn 250 trường. “Dù đang học trực tuyến nhưng ngành giáo dục thành phố luôn trong tư thế sẵn sàng để chuyển sang học trực tiếp”, ông Hiếu nói.
Việc tổ chức đi học trở lại, ông Hiếu cho hay, Sở sẽ lấy ý kiến của các sở, ngành và phụ huynh học sinh. Theo ông, cấp độ dịch ở các quận, huyện, tiến độ tiêm vắc xin cho học sinh là cơ sở quan trọng để sở tham mưu UBND TPHCM quyết định cho các trường đi học trở lại. Trong đó, ưu tiên học sinh lớp 9, lớp 12 và những học sinh đã tiêm hai mũi vắc xin. “Đầu tháng 12, sau khi học sinh hoàn tất tiêm mũi 2, Sở sẽ phối hợp với các quận, huyện đánh giá mức độ an toàn để học sinh đến trường. Phải an toàn và an toàn thì mới đến trường”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (quận 5), cho biết, dù trường đang được huy động làm điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng Ban giám hiệu cũng đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch đón học sinh trở lại trường theo bộ tiêu chí của ngành y tế và ngành giáo dục. “Tính đến nay, đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường cơ bản đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, tỷ lệ này với học sinh là hơn 90%. Với những phụ huynh chưa đồng ý cho con tiêm vắc xin, nhà trường đang vận động để phụ huynh hiểu rõ hơn lợi ích, giúp các em có thể được tiêm “vét” trong vài ngày tới”, ông Yên nói.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), cho rằng, cuối tháng 11, công tác tiêm 2 mũi vắc xin cho học sinh gần như hoàn tất. Riêng trường THPT Nguyễn Hữu Huân có đến hơn 99% học sinh đã tiêm mũi 1. Đến cuối tháng 11, công tác sửa chữa, chỉnh trang trường lớp sau thời gian tham gia công tác chống dịch của các trường cũng hoàn thiện để đảm bảo đón học sinh đến trường.
Cẩn trọng
Có con gái đang học lớp 10 Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12) vừa được tiêm mũi 1 vắc xin cách đây ít ngày, chị Thanh Nga vui mừng vì con đã phần nào được bảo vệ trước đại dịch. Chị bày tỏ mong muốn trường học sớm mở cửa trở lại để con chị được đến trường học trực tiếp.
Chị Lê Kim Dung (quận Bình Tân) sẵn sàng đồng ý cho con trai đang học lớp 7 tiêm vắc xin. Tuy nhiên, theo chị Dung, không phải cứ tiêm đủ liều vắc xin là có thể cho con đi học. “Thực tế hiện nay, nhiều người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn bị mắc COVID-19 nên ngoài việc tiêm đủ liều, vấn đề tôi quan tâm hơn nữa là việc ngành chức năng phải thực sự kiểm soát được dịch bệnh và nhà trường phải có kế hoạch phòng bệnh an toàn khi học sinh trở lại trường. Nếu không đủ các yếu tố này tôi sẽ không cho con trở lại trường và chấp nhận tiếp tục học trực tuyến”, chị Dung nói.
Tỷ lệ tiêm chủng ở ĐBSCL còn thấp
Tại ĐBSCL, ngoại trừ Long An (mũi 1 đạt 100%, mũi 2 hơn 89% dân số từ 18 tuổi trở lên), các địa phương khác mũi 1 cơ bản đạt trên 60%, còn mũi 2 thì khá thấp. An Giang tỷ lệ mũi 2 đến ngày 3/11 mới đạt 13,81%; Đồng Tháp mũi 1 đạt 65,6%, mũi 2 tỷ lệ 31,04%; Sóc Trăng mũi 2 đạt 16,62%; TP Cần Thơ mũi 2 đạt 29,6%. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nói rằng, hiện nay tỷ lệ tiêm còn rất thấp, mũi 1 trên 90%, nhưng còn mũi 2 chưa được 20%. Thậm chí, một số loại vắc xin đã đến hạn để tiêm mũi 2 nhưng đến giờ vẫn chưa có vắc xin về để tiêm cho dân. “Vấn đề cần thiết nhất hiện nay là sớm phủ vắc xin cho người dân”, ông Bình nói. (HÒA HỘI)