Phụ nữ Ấn Độ đấu tranh ‘quyền được ngồi’ khi làm việc
Phụ nữ Ấn Độ đấu tranh để có 'quyền được ngồi' trong ca làm việc sau khi họ phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Cô Sreelatha (32 tuổi) đang làm công việc nấu nướng bán thời gian ở khu vực Anna Nagar, gần thủ phủ Chennai của bang Tamil Nadu, Ấn Độ. Thời gian làm việc của cô Sreelatha là từ 7h – 24h hàng ngày cho 4 gia đình. Mỗi tháng, người mẹ 2 con kiếm được 10.000 rupee (135 USD).
“Tôi luôn rối đầu với lịch trình đi học của 2 con cùng công việc nhà, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời cô Sreelatha.
Hồi năm ngoái, cô Sreelatha đã từ bỏ công việc làm nhân viên bán hàng cho một cửa hiệu bán sari, trang phục truyền thống của Ấn Độ. Tại đây, cô phải đứng suốt 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày mà không có bất cứ cái ghế nào để ngồi nghỉ ngay cả trong thời gian nghỉ trưa.
“Thời gian nghỉ ăn trưa và đi vệ sinh của tôi cũng bị giám sát chặt chẽ và lương tháng sẽ bị khấu trừ, nếu như chúng tôi đứng dựa lưng vào tường cho bớt mỏi”, cô Sreelatha chia sẻ.
Chính những áp lực từ công việc đã khiến cô Sreelatha bị sảy thai đứa con thứ ba.
Giống như cô Sreelatha, hàng ngàn người lao động trong lĩnh vực bán lẻ ở bang Tamil Nadu đang phải sống chung với điều kiện làm việc vô cùng nghèo nàn tại hàng trăm cửa hàng bán quần áo, trang sức và dệt may.
Một nam nhân viên làm việc tại cửa hàng bán trang sức cho biết, các ông chủ thậm chí còn cấm nhân viên nói chuyện với nhau trong giờ làm.
“Lương của chúng tôi sẽ bị cắt giảm nếu như không tuân thủ các quy định. Hồi năm ngoái, khi tôi có ý định tham gia liên đoàn lao động, ông chủ còn đe dọa sẽ sa thải tôi”, anh này cho hay.
Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của nhiều người lao động, hôm 13/9, chính quyền bang Tamil Nadu đã quyết định sửa đổi Đạo luật Thành lập và Buôn bán ra đời từ năm 1947. Theo đó, các chủ kinh doanh được yêu cầu bắt buộc cung cấp thiết bị cho người lao động ngồi, cũng như cải cách một số quy định về điều kiện làm việc gồm giờ nghỉ giải lao để đi vệ sinh và ăn trưa. Nói cụ thể, dự luật mới yêu cầu chủ lao động để nhân viên có cơ hội được ngồi trong ca làm việc.
Việc chính quyền bang Tamil Nadu sửa đổi luật lao động sẽ giúp người lao động tránh được các bệnh về chân do phải đứng suốt nhiều tiếng đồng hồ như phồng da, viêm bao hoạt dịch ngón chân cái, chai chân và mệt mỏi.
Trên thực tế, trong hàng thập niên qua, các nhà hoạt động ở Ấn Độ đã đấu tranh để cải thiện điều kiện làm việc cho các nhân viên trong ngành bán lẻ.
“Tại các nhà máy và cửa hàng bán lẻ, nhân viên bị các ông chủ bóc lột tối đa, họ còn bị giảm thiểu tối đa thời gian nghỉ ngơi để ăn uống và cả đi vệ sinh. Việc giới hạn số lần đi vệ sinh có thể được xem là một dạng tra tấn”, bà Kavita Krishnan, một nhà hoạt động và Thư ký tổ chức vì phụ nữ AIPWA ở New Delhi cho hay.
Cũng theo bà Krishnan, không ít nơi có văn hóa làm việc độc hại khi đánh đồng thời gian đi vệ sinh với thời gian nghỉ uống trà. Điều này khiến nhiều người lao động “không còn cách nào khác là mang cốc trà vào toilet để uống và đi vệ sinh cùng lúc”. Thậm chí, nữ nhân viên còn “bị từ chối quyền vào nhà vệ sinh để thay rửa khi đến tháng”.
Trước đây, vào năm 2018, sau 8 năm hàng ngàn phụ nữ làm việc trong ngành bán lẻ kiên trì xuống đường biểu tình để đấu tranh vì “Quyền được ngồi”, chính quyền bang Kerala đã cho sửa đổi luật lao động.
Những lao động ở Kerala cho hay, họ bị các bệnh liên quan tới thận, căng giãn tĩnh mạch, sưng phù chân và đau lưng do không được phép ngồi nghỉ trong thời gian làm việc. Tới tháng 5/2018, chính quyền bang Kerala đã sửa đổi Đạo luật Thành lập và Buôn bán nhằm cải thiện điều kiện làm việc bao gồm cho phép nhân viên tại các cửa hàng kinh doanh được quyền ngồi nghỉ trong ca.
Theo các nhà lãnh đạo liên đoàn thương mại Ấn Độ, phụ nữ nước này chiếm đa số trong lực lượng lao động tại các cửa hàng bán lẻ, nhưng họ lại không được luật pháp bảo vệ. Điều kiện làm việc của họ vô cùng nghèo nàn, lương thấp và lợi ích ít ỏi. Trong khi đó, Ấn Độ lại nằm trong danh sách các nước có thời gian làm việc dài nhất trên thế giới.
Báo cáo của Oxfam vào năm 2020 về Chỉ số Cam kết giảm Bất bình đẳng đã xếp Ấn Độ đứng thứ 151 trên tổng số 158 quốc gia trong cuộc khảo sát vi phạm nghiêm trọng các quyền của người lao động.