Phụ huynh và Gen Alpha đang có những cuộc trò chuyện "kém thông minh" rất lịch sử

Đông,
Chia sẻ

Mọi chuyện bắt đầu từ một từ lạ hoắc: "skibidi".

"Skibidi" bỗng dưng xuất hiện trong ngôn ngữ của nhiều đứa trẻ dưới 14 tuổi và được xem là từ lóng đầu tiên mang đậm dấu ấn riêng của thế hệ Alpha. Cha mẹ bắt đầu tò mò khi nghe từ này xuất hiện trong bữa cơm tối. Bọn trẻ bảo rằng "skibidi" có thể có nghĩa là xấu, là ngầu, hoặc… chẳng có nghĩa gì cả. Rồi chẳng bao lâu sau, thêm hàng loạt từ khác kỳ lạ cũng lần lượt xuất hiện.

Những cụm từ Gen Z từng chuộng như "slay" hay "spill the tea" giờ đã trở thành "đồ cổ", nhường chỗ cho loạt từ mới nghe chẳng hiểu nổi như "sigma", "gyatt" hay "fanum tax".

Người lớn thì bắt đầu cảm thấy chóng mặt theo không kịp.

Phụ huynh và Gen Alpha đang có những cuộc trò chuyện "kém thông minh" rất lịch sử- Ảnh 1.

Gen Alpha đang sử dụng ngôn ngữ khác phần còn lại so với thế giới.

Trẻ em sinh sau năm 2010, còn gọi là thế hệ Alpha đang trở thành "gương mặt thân quen" mới trên mạng xã hội. Dù khoảng cách với Gen Z chỉ cách nhau đúng một năm (2009 - 2010), nhưng nhiều phụ huynh vẫn có cảm giác như giữa họ và con cái Gen Alpha là cả một thế giới khác biệt, đặc biệt là trong cách giao tiếp.

Nhiều người thừa nhận rằng việc trò chuyện giữa các thế hệ đang ngày càng trở nên khó hiểu.

Cách nói chuyện của Gen Alpha bị gọi vui là "brainrot", nghĩa là "nói chuyện như mất não" do chính các anh chị Gen Z lớn tuổi hơn đặt ra. Những từ lóng này thường xuất phát từ các nền tảng như Roblox, Twitch rồi lan sang TikTok, mang tính nội bộ và đặc trưng của đời sống trên mạng, nên người lớn càng khó hiểu cũng là điều dễ hiểu.

"Ngày nào cũng có từ mới. Tụi nhỏ cứ trò chuyện với nhau, còn vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau kiểu: Ủa, nó nói gì vậy?" , chị Camille Nisich (53 tuổi, Mỹ) - mẹ của hai đứa con 14 và 15 tuổi chia sẻ.

Ngay cả những đứa nhỏ ít tiếp xúc với Internet cũng đã bắt đầu dùng những từ lóng kiểu này. Anh Michael Petersen (45 tuổi) kể rằng hai cô con gái 9 và 11 tuổi của anh cũng thường xuyên nói ra những từ khiến anh không hiểu nổi chúng đang nói gì.

"Tôi thường bảo tụi nhỏ giải thích mấy từ đó nghĩa là gì, nhưng nghe xong vẫn thấy mù tịt" , anh Michael chia sẻ.

Phụ huynh và Gen Alpha đang có những cuộc trò chuyện "kém thông minh" rất lịch sử- Ảnh 2.

Brain Rot là gì mà khiến phụ huynh hoang mang thế?

Theo Adam Aleksic - một nhà sáng tạo nội dung chuyên làm video giải nghĩa tiếng lóng trên mạng thì chuyện này không phải ngẫu nhiên. Anh cho biết thêm: "Mấy từ lóng đó giống như mật mã để bọn trẻ tự tạo nhóm riêng, khiến người lớn cảm thấy lạc lõng. Việc người lớn khó theo kịp cũng dễ hiểu, vì những trào lưu này thay đổi chóng mặt. Bạn phải thật sự cập nhật từng ngày mới bắt kịp được, mà mạng thì thay đổi quá nhanh".

Cũng nhờ những từ lóng mới, Gen Alpha bắt đầu được gắn với những biệt danh riêng. Có người thấy cách nói chuyện của tụi nhỏ thật kỳ cục, có phần "cringe" (xấu hổ giùm), thậm chí gọi tụi nó là "millennial thu nhỏ" hay "trẻ iPad". Nhưng các chuyên gia cho rằng, việc một thế hệ bị chê bai vì cách nói chuyện mới mẻ là điều đã xảy ra từ rất lâu rồi, thời nào cũng vậy thôi.

Ngôn ngữ lóng mới của Gen Alpha và chuyện vì sao nó lại kỳ lạ đến thế

Nhiều bạn nhỏ Gen Alpha thường xuyên dùng từ "skibidi" trong lời nói hằng ngày. Điều thú vị là ngay cả chính các em cũng... không rõ nghĩa chính xác của từ đó là gì.

Thực ra, "skibidi" bắt nguồn từ một loạt phim hoạt hình kỳ quặc trên YouTube tên là Skibidi Toilet, hiện đã có tới 76 tập. Từ đó, cụm từ này lan ra khắp Internet và được dùng theo kiểu… tùy hứng. Đôi khi nó chẳng mang ý nghĩa gì cụ thể, chỉ được nói ra để gây cười hoặc tạo cảm giác "vào hội" với nhau. Sức lan tỏa của từ này mạnh đến mức đạo diễn nổi tiếng Michael Bay đã lên kế hoạch làm phim và chương trình truyền hình dựa trên Skibidi Toilet.

Beryl, cô bé 11 tuổi là con gái của anh Michael Petersen, giải thích: "Tụi con không dùng trong câu đâu, chỉ hay nói vu vơ vậy thôi. Cũng có thể gọi ai đó là 'skibidi', nhưng không phải khen hay chê, chỉ là lạ lùng thôi".

Phụ huynh và Gen Alpha đang có những cuộc trò chuyện "kém thông minh" rất lịch sử- Ảnh 3.

Bọn trẻ dùng loạt từ tiếng lóng này dù không hiểu nghĩa là gì.

Tất nhiên, "skibidi" không phải trường hợp cá biệt. Trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, các anh chị Gen Z và Millennials có em nhỏ thường xuyên phải quay video "giải mã tiếng lóng của Gen Alpha" để người lớn hiểu được.

Ví dụ:

- Sigma: Chỉ người độc lập, không cần dựa vào ai, thường là người tự tin, nổi bật, có tố chất lãnh đạo.

- Ohio: Dùng để miêu tả những thứ kỳ quặc hoặc "cringe" (xấu hổ giùm), bắt nguồn từ meme "chỉ ở bang Ohio mới có mấy chuyện như vậy".

- Negative aura: Nghĩa là năng lượng tiêu cực, thay thế cho cụm từ "bad vibes" trước đây.

- Fanum tax: Nghĩa là... ăn cắp đồ của người khác, nhưng theo kiểu trêu chọc hài hước.

Rồi loạt các nhân vật trong thế giới Brain Rot:

- Tralalero Tralala: Tralalero Tralala là một trong các nhân vật nổi bật nhất của thế giới, thường được biết đến với tính cách vui nhộn, phong cách âm nhạc sôi động, mang đến những giây phút giải trí nhẹ nhàng cho người chơi.

- Bombardiro Crocodilo: Sở hữu hình dáng nửa cá sấu, nửa chiến binh, Bombardiro Crocodilo là nhân vật nổi bật nhờ sức công phá mạnh mẽ và tốc độ linh hoạt. Với vai trò tấn công chủ lực, nhân vật này thường được lựa chọn trong các nhiệm vụ đòi hỏi độ chính xác cao và khả năng dứt điểm nhanh gọn.

- Tung Tung Tung Sahur: Là cái tên quen mặt với cộng đồng game thủ Free Fire, Tung Tung Tung Sahur ghi dấu ấn bằng bộ kỹ năng độc đáo cùng diện mạo đậm chất lễ hội. Skin này không chỉ đẹp mắt mà còn mang đậm màu sắc văn hóa, khiến người chơi cực kỳ yêu thích mỗi khi xuất hiện.

- Ballerina Cappuccina: Nhân vật này là sự kết hợp giữa nghệ thuật múa ba lê uyển chuyển và chất Ý cổ điển. Ballerina Cappuccina không chỉ thu hút bởi vẻ ngoài tinh tế, mềm mại mà còn có nội lực mạnh mẽ, đại diện cho sự thanh thoát ẩn chứa sức mạnh bên trong.

- Cappuccino Assassino: Với phong thái lạnh lùng và vẻ ngoài cuốn hút, Cappuccino Assassino là một sát thủ đầy bí ẩn trong thế giới Brainrot. Nhân vật này là biểu tượng của sự thông minh, nguy hiểm và luôn khiến đối thủ dè chừng mỗi lần xuất hiện.

...

Phụ huynh và Gen Alpha đang có những cuộc trò chuyện "kém thông minh" rất lịch sử- Ảnh 4.

Đây chính là nhân vật Ballerina Cappuccina mà bọn trẻ đang nhắc đến

Phụ huynh và Gen Alpha đang có những cuộc trò chuyện "kém thông minh" rất lịch sử- Ảnh 5.

Thế giới "brainrot" đang xâm chiếm Gen Alpha.

Nhiều từ lóng này xuất phát từ Twitch - nền tảng livestream game và được lan truyền bởi các streamer nổi tiếng như Kai Cenat, người có hơn 13 triệu người theo dõi. Chẳng hạn như từ "rizz", nghĩa là có duyên, có sức hút, có thể khiến người khác "đổ" mình.

Beryl và em gái Marigold (9 tuổi) giải thích: "Có rizz tức là có duyên, khiến người khác thích mình".

Một số từ, như "sigma", bây giờ còn được dùng lung tung kiểu lấp chỗ trống, chẳng cần đúng nghĩa gốc. Kiểu như nghe ai đó thốt lên: "What the sigma?!" thay vì "Cái quái gì vậy?!"

"Khó mà biết người ta đang nói nghiêm túc hay đùa. Gen Alpha biết rõ mấy từ đó nghe buồn cười và tụi nhỏ càng thấy vui khi người lớn không hiểu" , Aleksic - nhà ngôn ngữ học chuyên giải mã tiếng lóng trên mạng cho biết.

Dù người lớn có thể nghe mà "cạn lời", Aleksic nói rằng chuyện này hoàn toàn bình thường bởi qua từng thế hệ, lúc nào giới trẻ cũng sáng tạo ra ngôn ngữ riêng để người lớn không hiểu nổi. Đó cũng chính là mục đích của tiếng lóng.

"Phần hấp dẫn nhất là ở đó. Nếu bà ngoại bạn cũng nói mấy câu đó thì đâu còn gì vui nữa. Meme mà bị người lớn xài nhiều là sẽ đi đến hồi kết liền" , anh nói.

Theo anh, sớm muộn gì mấy từ như "skibidi", "rizz" hay "fanum tax" cũng sẽ hết thời như cách "yeet" hay "bae" từng rầm rộ thời Gen Z để rồi lại được thay thế bằng một loạt từ mới, kỳ quặc và khó hiểu hơn nữa.

Chê tiếng lóng mới? Chuyện muôn thuở giữa các thế hệ

Những cụm từ lóng của Gen Alpha đang khiến nhiều phụ huynh "xoay như chong chóng". Thậm chí, một số phụ huynh cho biết ngay cả con mình dù đã bị giới hạn thời gian dùng internet vẫn lặp lại mấy từ này như gió.

"Có lần con tôi nói nguyên câu: 'skibidi toilet Ohio rizzler', vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau và nghĩ: 'Đây là cái gì vậy? Một chuỗi vô nghĩa à?'" , anh Neal Broverman (46 tuổi, Mỹ), có con trai Calvin 8 tuổi, chia sẻ.

Gia đình anh thậm chí luôn chuẩn bị sẵn Google để tra cứu mỗi khi con buột miệng nói thứ gì đó "không hiểu nổi". Nhưng đôi khi, để thực sự hiểu được nghĩa của một từ, cần phải đào sâu cả một lớp ngữ cảnh phức tạp phía sau. Phần lớn các từ lóng này được sinh ra từ mạng xã hội, game online, meme, và cũng trên internet, chúng lan truyền, biến đổi rồi... biến mất.

Phụ huynh và Gen Alpha đang có những cuộc trò chuyện "kém thông minh" rất lịch sử- Ảnh 6.

Ngay kể cả Gen Z cũng không hiểu ngôn ngữ của Gen Alpha.

"Tôi hỏi: 'Cái đó nghĩa là gì?' thì tụi nhỏ bắt đầu kể nguyên câu chuyện đằng sau. Tụi nó sẽ bảo: Cái này hồi xưa chỉ mấy người chơi Roblox đời đầu mới biết. Sau đó một streamer trên Twitch bắt đầu nói như vậy. Nếu mẹ không chơi hồi đó thì mẹ sẽ không hiểu" , chị Nisich nói.

Bọn trẻ biết rõ là chúng đang khiến cha mẹ rối tung lên và chúng làm vậy có chủ ý. Khi người lớn cố bắt chước dùng từ lóng của Gen Alpha, Beryl (11 tuổi, Mỹ) thẳng thắn nhận xét: "Có vẻ không hợp lắm đâu ạ".

Tụi nhỏ cũng hoàn toàn ý thức được rằng người lớn đang gắn cho Gen Alpha cái mác "suốt ngày dán mặt vào mạng". Ngay kể cả các anh chị Gen Z đang ở tuổi 20 cũng sốc nặng không kém. Nhiều người đăng video TikTok tỏ ra lo ngại về thế hệ kế nhiệm mạng xã hội, gọi Gen Alpha là "lũ mất não", "chỉ biết meme chứ không biết đọc viết".

Thế nhưng, theo chuyên gia ngôn ngữ học Adam Aleksic, thực chất Gen Z và Gen Alpha không khác nhau đến vậy. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở cảm giác bị đe dọa: "Thế hệ nào rồi cũng thấy lo lắng khi thế hệ sau bắt đầu khẳng định bản thân theo cách riêng".

Điểm đặc biệt của tiếng lóng Gen Alpha nằm ở tốc độ lan truyền. Về bản chất, sự thay đổi trong ngôn ngữ không có gì mới. Nó vẫn tuân theo quy luật ngôn ngữ từ xưa đến nay. Nhưng hiện nay, internet khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn rất nhiều, và gắn chặt với trào lưu mạng xã hội. Các thuật toán của mạng xã hội đang ưu ái những từ ngữ đang "trend".

Anh cũng nhấn mạnh rằng, ở thời của mình, tiếng lóng của các thế hệ trước cũng từng bị người lớn phản đối dữ dội. Nhưng rồi theo thời gian, những từ từng bị xem là "làm hỏng tiếng Anh", như "cool" (ngầu) hay thậm chí là "photograph" (ảnh chụp), lại trở thành một phần của ngôn ngữ phổ thông, được chấp nhận rộng rãi.

"Lúc nào cũng vậy, từ cổ chí kim người ta đều than phiền rằng đám trẻ đang phá hoại ngôn ngữ bằng mấy thứ từ vớ vẩn tụi nó nghĩ ra. Nhưng đó chính là lý do tụi nhỏ làm vậy để tạo ra bản sắc riêng, để tách mình khỏi người lớn" , Aleksic nói.

Theo CNBC

Chia sẻ