Không hề mê tín: Phòng ngủ của con, xin đừng đưa vào 3 thứ này

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Người lớn cần giấc ngủ để hồi phục, trẻ con cần giấc ngủ để trưởng thành.

Nuôi con lớn, đừng bỏ quên "giấc ngủ", điều tưởng nhỏ mà lại quyết định cả sức khoẻ, tinh thần và tính cách của trẻ.

"Con tôi 15 tuổi rồi, biết tự lo học, tự ngủ, không cần tôi quan tâm đâu", nhiều phụ huynh nghĩ vậy và dần lơi lỏng việc để tâm đến không gian nghỉ ngơi của con. Nhưng thực tế, tuổi dậy thì là giai đoạn giấc ngủ dễ bị rối loạn nhất: Hormone thay đổi, áp lực học hành lớn, tâm lý nhạy cảm.

Một phòng ngủ không hợp lý cả về vật dụng lẫn cách cha mẹ can thiệp sẽ trở thành "điểm yếu" khiến con rơi vào trạng thái mệt mỏi, dễ cáu gắt, hoặc tệ hơn là trầm cảm.

Vậy nên, dù con đã lớn, cũng đừng đưa 3 thứ sau vào phòng ngủ của con, nếu cha mẹ còn muốn đồng hành cùng con mà không vô tình khiến mọi chuyện thêm khó khăn.

Không hề mê tín: Phòng ngủ của con, xin đừng đưa vào 3 thứ này- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

1. Sự kiểm soát thái quá từ phụ huynh

Đừng biến phòng ngủ của con thành "phòng họp mini" mỗi tối.

Một trong những lỗi phổ biến nhất của cha mẹ là chọn thời điểm trước giờ đi ngủ để "nói chuyện nghiêm túc với con". Từ những lời dặn dò tưởng chừng nhẹ nhàng như "ngày mai nhớ học thêm môn toán" đến những câu đánh giá nặng nề như "con nên xem lại mình đi", tất cả đều khiến con mang một khối áp lực vào giấc ngủ.

Tác hại: Não bộ trẻ ở tuổi dậy thì dễ ghi nhớ cảm xúc tiêu cực trước khi ngủ, làm tăng hormone căng thẳng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ. Lâu dần, con có thể mất ngủ, cáu kỉnh, hoặc xa lánh cha mẹ vì cảm giác không được tôn trọng.

Thay vì vậy, hãy giữ phòng ngủ là nơi nghỉ ngơi. Nếu muốn góp ý, hãy chọn buổi sáng hoặc thời điểm con thoải mái nhất trong ngày.

2. Thiết bị điện tử – nếu không kiểm soát được, tốt nhất đừng để trong phòng

Nhiều bậc phụ huynh ban đầu chỉ "nhường con một chút", cho con dùng điện thoại trong phòng để tra bài, học online... Nhưng rồi thiết bị ấy trở thành bạn đồng hành mỗi đêm: từ nhắn tin, chơi game, xem TikTok đến cả việc đọc tin nhắn căng thẳng trước giờ đi ngủ.

Tác hại:

Ánh sáng xanh từ điện thoại ức chế sản sinh melatonin – hormone giúp ngủ sâu.

Nội dung tiêu cực, dễ gây xao nhãng hoặc kích thích tâm lý khiến con thao thức.

Cảm xúc từ mạng xã hội, tin nhắn... lấn át thời gian nghỉ ngơi, làm giấc ngủ kém chất lượng.

Nếu con nhất quyết phải có điện thoại trong phòng, hãy cùng con đặt ra quy tắc: dùng đến trước 21h, sau đó để ở chế độ "tắt thông báo" hoặc cất ra ngoài. Và chính cha mẹ cũng phải làm gương.

3. Những món đồ "kích thích" cảm xúc tiêu cực

Dù không nói ra, nhưng con tuổi teen thường mang nhiều cảm xúc nặng nề vào phòng ngủ: lo lắng học hành, mâu thuẫn với bạn bè, cả cảm giác áp lực khi không vừa lòng cha mẹ.

Trong lúc này, nếu phòng ngủ lại chứa những đồ vật như: Những cuốn sách học nâng cao đặt ngay đầu giường, tạo cảm giác "lúc nào cũng phải cố gắng". Tấm gương lớn đối diện giường, làm tăng cảm giác lo lắng về ngoại hình, đặc biệt với bé gái.

Lời nhắc nhở, danh sách việc cần làm treo trên tường, khiến con như chưa bao giờ được nghỉ ngơi thực sự.

Tác hại: Không gian nghỉ ngơi bị chiếm đóng bởi áp lực, phòng ngủ trở thành "lớp học thứ hai". Con không còn cảm giác an toàn, dễ nảy sinh phản kháng thầm lặng hoặc trốn tránh thực tại bằng cách thu mình, ngủ ngày – thức đêm.

Hãy để phòng ngủ là vùng "free zone" khỏi áp lực. Thay vì bảng nhắc nhở, hãy thử để những tờ giấy mẹ viết lời động viên: "Mẹ tự hào vì con đã cố gắng", "Hôm nay mệt rồi, ngủ sớm nhé"... Những lời nhẹ nhàng lại giúp con cảm thấy được lắng nghe và yêu thương nhiều hơn.

Người lớn cần giấc ngủ để hồi phục trẻ con cần giấc ngủ để trưởng thành.

Đừng đánh đổi sự phát triển của con chỉ vì 1 chiếc điện thoại, 1 lời dạy dỗ sai thời điểm hay 1 cách trang trí quá áp lực.

Con đã bước vào giai đoạn tự lập, nhưng vẫn cần không gian an toàn để nghỉ ngơi, để trở lại là chính mình, không phòng thủ, không gồng gánh.

Và nếu muốn đồng hành với con ở tuổi dậy thì sóng gió, hãy bắt đầu từ việc đơn giản nhất: cho con một giấc ngủ đúng nghĩa.

Chia sẻ