Phiếu đi chợ còn 4 điểm "bị rối" nhưng người dân có thể tự khắc phục bằng những cách này

Hồng Nhung,
Chia sẻ

Có tình trạng "chỗ thiếu chỗ thừa" thực phẩm, người ở trọ cũng gặp khó khi chưa có phiếu đi chợ.

Mô hình phát phiếu cho người dân đi mua thực phẩm theo ngày chẵn - lẻ, mua sắm theo khung giờ tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... để hạn chế số lượng, tần suất đi lại của người dân.

Thời gian đầu áp dụng, người dân cho biết phải thay đổi giờ giấc sinh hoạt để đi chợ đúng khung giờ ghi trên phiếu. Bên cạnh đó còn có vài điểm bất cập theo người dân cần khắc phục.

1. Nơi hàng hết sớm, nơi dồi dào

Thực tế việc người dân mới dùng phiếu đi chợ còn nhiều điểm "bị rối" nhưng khắc phục được bằng những cách này - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Chị Dương (phường Thạnh Mỹ Lợi, TP HCM) cho biết thẻ phát chỉ được đi chợ 2 tiếng (sáng hoặc chiều) vào thứ ba và thứ sáu hàng tuần. Trong ngày thứ sáu (30-7), điểm bán gần nhà đều đông, chị phải xếp hàng 2 giờ lúc vào được bên trong thì các món đồ muốn mua đã hết.

Tương tự, bà N.T.Nga cho biết dù đã chạy đến nhiều cửa hàng trong khu vực phường 26, quận Bình Thạnh nhưng vẫn không mua được thịt và một số món khác dù vài ngày trước đó nhiều cửa hàng vẫn còn ngay cả buổi chiều. "Nếu sang phường khác, có thể mua được thịt heo nhưng do được phát phiếu mua sắm theo phường nên không đi được", bà Nga nói.

Dù không phải điểm bán nào cũng kiểm phiếu đi chợ để đảm bảo người đến mua sắm đúng địa bàn nhưng do có quá nhiều chốt kiểm soát nên người dân mua hàng gặp khó.

Giải pháp:

Để khắc phục điều này, nhiều người dân đã dựa trên khung giờ trên phiếu để phân bố lượng thực phẩm muốn mua theo hàng hóa siêu thị đang có. Bởi giờ giấc trên phiếu sẽ được thay đổi linh hoạt vào mỗi ngày.

Ví dụ: Nếu siêu thị cung cấp mặt hàng tươi sống vào buổi sáng thì vào phiếu buổi sáng sẽ dành để mua thịt. Nếu còn rau củ quả sẽ mua thêm. Hoặc phân chia cứ 1 hôm mua rau, 2 hôm sau đến mua thịt.

2. Khung giờ đi chợ chưa phù hợp với giờ giấc sinh hoạt

Thực tế người dân mới dùng phiếu đi chợ còn 4 điểm "bị rối" nhưng có thể tự khắc phục được bằng những cách này - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ.

Chị Thanh Hoa (26 tuổi) ở Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội dậy sớm đi chợ từ 5h45. Chị Hoa cho biết: "Mọi ngày mình toàn dậy muộn, nay phải điều chỉnh lại để dậy sớm đi chợ vì trên phiếu quy định khung giờ họp chợ từ 5h30 đến 6h30 buổi sáng.

Việc dậy sớm đi chợ đối với các bà, các mẹ là thói quen hằng ngày nhưng với những người trẻ lại hay thức khuya như mình thì chắc phải vài hôm mới quen được".

Ngược lại với Thanh Hoa thì MT (Đống Đa) lại được phát phiếu đi chợ vào khung giờ là 12h trưa. Khung giờ này khi đến thì không còn thực phẩm cần để mua nữa.

Đối với các siêu thị, khung giờ bán hàng cũng đã được điều chỉnh sớm hơn khi mở cửa từ 6h.

Giải pháp:

Điều chỉnh lại múi giờ sinh hoạt của bản thân để đi chợ theo đúng khung giờ được quy định.

Một số người dân cũng kiến nghị nên có thêm các khung giờ trong ngày để người dân họp chợ, vừa đảm bảo giãn cách vừa để số lượng người đến chợ không quá đông mà số lượng hàng hóa cũng được lưu thông nhiều hơn.

3. Nhiều người đi nhầm chợ

Thực tế người dân mới dùng phiếu đi chợ còn 4 điểm "bị rối" nhưng có thể tự khắc phục được bằng những cách này - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ.

Hầu hết cửa hàng, siêu thị đều quy định ưu tiên bán trước cho người dân có phiếu đi chợ, siêu thị và phải đi đúng phường, đúng khung giờ.

Tuy nhiên, một số người dân bị nhầm lẫn khi theo thói quen đến chợ cũ thường đi, nhưng lại thuộc phường khác, không thể áp dụng phiếu đi chợ ở đây.

"Tôi ở phường Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) nhưng thường đi chợ ở phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) vì gần nhà hơn. Tuy nhiên, sáng nay lần đầu sử dụng phiếu đi chợ, tôi không tìm hiểu kỹ nên vẫn đến chợ cũ và được báo là phiếu thuộc phường nào thì áp dụng ở phường nấy. Do là lần đầu tiên đi chợ phường Giang Biên nên tôi phải mất 30 phút để tìm ra chợ ghi trên phiếu", chị Nguyễn Thị Thu (Q.Long Biên) cho biết.

Giải pháp:

Việc áp dụng phiếu đi chợ những ngày đầu có thể còn nhiều bất cập về mặt địa lý và người dân cũng chưa làm quen được với cách thức mới này nhưng nhìn chung ai nấy đều ủng hộ với mục đích giúp giãn cách xã hội, đẩy lùi dịch bệnh trong cộng đồng nên chỉ cần dành thêm thời gian tìm đến đúng chợ thuộc quận, phường trên phiếu là có thể mua được hàng.

4. Người ở trọ gặp khó vì chưa được phát phiếu đi chợ

Thực tế người dân mới dùng phiếu đi chợ còn 4 điểm "bị rối" nhưng có thể tự khắc phục được bằng những cách này - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ.

Nhiều người ở trọ cho biết chưa nhận được phiếu đi chợ hoặc khu trọ có hàng chục, hàng trăm người nhưng chỉ nhận được vài phiếu. Nguyên nhân của vấn đề trên xuất phát từ việc người ở trọ chưa khai báo tạm trú theo quy định nên tổ dân phố chưa nắm được.

Sinh viên Nguyễn Hoàng An (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) cho biết đến ngày 29-7 vẫn chưa nhận được phiếu đi mua thực phẩm, chủ nhà trọ cũng đã về quê tránh dịch nên người thuê trọ tự phải tự kiếm cách xoay xở.

Giải pháp:

Người dân đang ở trọ chưa được phát phiếu đi chợ có thể lựa chọn cách liên lạc với đường dây nóng của phường sẽ được hướng dẫn liên hệ với tổ dân phố để bổ sung phiếu theo đúng quy định.

Phương án phân bổ tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của người dân thường được phân chia tần suất đến các điểm bán thông với "phiếu mua hàng thiết yếu" cách 2-3 ngày/lần.

Riêng trong khu phong tỏa tần suất 2 lần/tuần; sử dụng "phiếu mua hàng thiết yếu" do chính quyền địa phương cấp.

Đặc biệt, phiếu cần thể hiện đầy đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân).

Mỗi hộ chỉ cử một người đại diện mua hàng tại điểm bán, trong phiếu sẽ ghi rõ thời gian đi và địa điểm bán gần nhất.

Nguồn ảnh: Internet

Chia sẻ