Phát hiện gây shock: Cây cối thực sự đang thét lên vì đau đớn, chỉ là chúng ta không thể nghe thấy
Nghiên cứu dù chưa chính thức công bố, nhưng có thể là lời khẳng định cho giả thuyết cây cối có khả năng cảm nhận nỗi đau, trái với quan niệm lâu nay của loài người.
Tất cả các loài động vật đều có cơ chế cảm nhận được nỗi đau. Đó là một hệ thống tín hiệu bao gồm não bộ làm trung tâm và những dây thần kinh cảm quan ở khắp nơi trên cơ thể, chuyển nỗi đau tới não và làm chúng ta cảm nhận được nó.
Nhưng các loài cây, liệu chúng có biết đau không? Đây thực ra là câu hỏi đã gây tranh cãi cho giới khoa học trong thời gian dài. Từng có nghiên cứu cho thấy cây cối có những phản ứng khi chúng phải chịu đựng đau đớn. Nhưng ở góc độ khác, lại có nghiên cứu phản bác lại kết luận này, cho rằng cấu tạo của cây là không đủ phức tạp để chúng so sánh với cơn đau của các loài động vật.
Tranh cãi cứ như vậy tiếp diễn mà chưa thấy hồi kết. Và mới đây, lại có một nghiên cứu nghiêng về giả định đầu tiên, là cây cối có thể cảm nhận được đau đớn. Và thậm chí, các chuyên gia đã chỉ ra rằng thực vật còn có thể thét lên khi đau, chỉ là chúng ta không thể nghe được thôi.
Đây là một nghiên cứu chưa được công bố chính thức từ các chuyên gia của ĐH Tel-Aviv (Israel). Trong đó, các chuyên gia tin rằng thực vật có thể phát ra những âm thanh ở tần số siêu âm - nghĩa là vượt ngưỡng nghe của con người - mỗi khi chịu đựng áp lực từ môi trường bên ngoài.
"Nghiên cứu này có thể làm thay đổi quan niệm từ trước đến nay về các loài thực vật - một thế giới vốn được cho là "cam chịu" và không có nhiều phản ứng trực quan trước môi trường," - các tác giả cho biết.
Theo I. Khait - đồng tác giả nghiên cứu, thì các công trình trước kia từng chỉ ra một số phản ứng từ thực vật trước áp lực từ môi trường. "Áp lực" ở đây có thể hiểu là sự thay đổi về nhiệt độ, ánh sáng, hoặc bị động vật tấn công... Khi ấy, kiểu hình của cây sẽ thay đổi, làm biến màu, đổi mùi và hình dạng cũng khác biệt. Còn lần này, nhóm của Khait muốn xem liệu cây cối có thể phát ra âm thanh trong tình huống như vậy hay không.
Để kiểm tra, nhóm đã theo dõi 2 nhóm cây cà chua và cây thuốc lá. Một nhóm sẽ không được tưới nước, bị cắt bỏ cành, trong khi nhóm còn lại thì được chăm nom tử tế. Bên cạnh các nhóm cây là những chiếc micro, có khả năng thu sóng âm trong khoảng 20 - 150kHz.
Kết quả, những cây phải chịu "tra tấn" được ghi nhận phát ra nhiều âm thanh hơn. Không chỉ vậy, âm thanh ấy còn thay đổi dựa trên tình huống đang xảy ra. Và tất cả đều là ở tần số siêu âm, vượt quá ngưỡng nghe của con người.
Sóng âm do các loài cây trong nghiên cứu phát ra
Nhưng thực vật vốn không có dây thanh quản, vậy làm thế nào chúng tạo ra âm thanh? Nhóm của Khait cho biết bí mật có thể nằm ở quá trình "xâm thực" (cavitation) diễn ra bên trong cây, khi các bong bóng khí được hình thành và phát nổ tại mạch gỗ. Thực tế thì các nghiên cứu trước kia đã chỉ ra rằng quá trình xâm thực có thể tạo ra những rung động, nhưng chưa có báo cáo nào kết luận về khả năng phát ra sóng âm.
Các nhóm cây trong nghiên cứu được ghi nhận có thể phát ra âm thanh lan xa khoảng 5m - đủ để đánh động các loài có cơ quan thính giác đủ nhạy cảm như chuột và côn trùng.
"Kết quả này cho thấy các loài động vật, con người và thậm chí cả những cá thể thực vật khác có thể lợi dụng âm thanh này để biết tình trạng cây đang ra sao," - Khait kết luận.
Như đã nêu thì hiện tại, nghiên cứu chưa được công bố chính thức mà chỉ được đăng tải trên bioRxiv - một website chuyên đăng các báo cáo tiền công bố. Nhưng nếu nó được thông qua, thì phải chăng đây là sự khẳng định cho việc cây cối có khả năng cảm nhận đau đớn?