Parent coach Linh Phan gợi ý 8 câu nói giúp trẻ phát triển trí thông minh cảm xúc, cha mẹ nên nói với con mỗi ngày
Bởi vì cách thể hiện/ đối phó với cảm xúc của chính bản thân mình là điều trẻ rất cần được dạy dỗ và tập luyện.
L.Knost - tác giả cuốn sách "2000 nụ hôn mỗi ngày"
Khi một em bé bị choáng ngợp bởi những cảm xúc lớn lao, điều cha mẹ phải làm là chia sẻ sự bình tĩnh với con, không phải là cùng tham gia vào sự hỗn loạn ấy.
Thật đúng, vì một trong những công việc quan trọng của người làm cha mẹ đó là chấp nhận những cảm xúc của con, đồng thời dạy con từ việc trải nghiệm cảm xúc, cách để đối phó và xử lý với chúng đến việc thể hiện chúng. Những lời mà ta nói, thái độ mà ta thể hiện với con khi chúng buồn bã, thất vọng hay "bùng nổ" thực sự có thể sẽ làm trái tim con TAN VỠ, hoặc TAN CHẢY. Có thể làm chúng sụp đổ, hoặc mạnh mẽ hơn để lớn lên. Tất cả phụ thuộc vào chúng ta.
Đôi khi những cảm xúc của con trai làm mình ngạc nhiên. Những thứ trước đây dường như có thể giải quyết dễ dàng, đột nhiên thực sự thành bài toán khó. Đơn giản như một ngày bỗng nhiên việc đi học lại thật sự khó khăn và đầy nước mắt, với những phản ứng có phần hơi thô bạo. Hoặc không hiểu vì lí do nào đó mà anh ta ngã rất đau, nhưng chỉ mếu máo một chút và tự đứng dậy rồi cố gắng tự gạt bỏ nỗi đau.
Khi những đứa trẻ của chúng ta buồn bã, đôi khi nó cũng khiến chúng ta buồn chán theo và thay vì trả lời cho chúng, chúng ta lại đi "phản ứng" lại. Trong những khoảnh khắc con trai trải qua một cảm xúc rất lớn và phản ứng vô cùng mãnh liệt, mình nhận ra đôi khi bản thân và chồng đã gạt bỏ những cảm xúc của con nhiều hơn những gì mình nghĩ. Ngay lập tức mình phản ứng hoặc nói với con rằng "Con bình tĩnh đi" hoặc "Con có ổn không thế?". Đó dường như là một sai lầm, mà bố mẹ nào cũng mắc phải đôi lần. Thậm chí, nhiều người mắng con chỉ vì chúng buồn và đang ngập ngụa trong mớ bòng bong cảm xúc không thể gọi tên.
Oái oăm là, dường như những lúc con buồn bã hay thất vọng và cần chúng ta nhất lại là khoảnh khắc bản thân ta cũng mệt mỏi, căng thẳng hay buồn bã nhất. Và chúng ta nói ra những điều không nên nói.
Sự khó khăn và thử thách của những ai làm cha mẹ nằm ở đây, chính xác là vào những thời điểm những đứa trẻ cần chúng ta nhất - thì chúng ta cũng phải tự dặn mình để có thể dẫn dắt con đi qua cảm xúc. Hay nói chính xác hơn là: đi qua cơn bão.
Dưới đây là những gợi ý về điều mà bố mẹ nên nói khi con rơi vào những trạng thái cảm xúc phức tạp - những câu nói hoàn toàn có thể giúp con phát triển thêm về trí thông minh cảm xúc và bồi dưỡng tâm hồn.
1. Buồn một chút không sao con ạ, thật tốt khi con để cho bố/mẹ biết con buồn
Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta cần dạy trẻ đó là về cảm xúc - rằng mọi cảm xúc con có đều bình thường - nó cần được con cảm nhận và trải nghiệm.
Cảm xúc không có gì xấu. Hãy giúp con thừa nhận và xác nhận những gì mà con cảm thấy.
"Hình như con đang rất tức giận. Con có thể hét thật to lên nếu con tức giận nhé".
"Sao con nhìn buồn thế. Buồn một chút không sao. Thật buồn khi mình phải nói tạm biệt với các bạn".
2. Bố/mẹ nghe đây. Bố/mẹ đang ở bên cạnh con mà!
Món quà tốt nhất bạn có thể tặng cho người khác đó là ở cạnh họ cùng với cảm xúc mà họ đang mang, không phải chỉ với trẻ mà cả người lớn. Để cùng họ chia sẻ cảm xúc đó. Đơn giản là ở bên cạnh họ.
"Con đang buồn, bố/mẹ ngồi đây một lát nhé. Bố/mẹ sẽ ở cạnh con, không có gì sai nếu con cảm thấy... Bố/mẹ sẽ không rời đi".
3. Con đang cảm thấy..., điều này rất bình thường. Nhưng sẽ không ổn nếu...
Đôi khi phải đưa ra những giới hạn rõ ràng trong cách con có thể thể hiện cảm xúc. Không phải thay đổi cảm xúc, mà là thay đổi cách thể hiện.
"Con đang cảm thấy rất tức giận, điều này rất bình thường. Nhưng sẽ không ổn nếu con đánh mẹ. Mẹ không đồng ý để con đánh. Con lại đây, chúng ta sẽ có thể vượt qua tức giận cùng nhau".
Đây là một lời tuyên bố rất rõ ràng - đánh là không ổn. Tức giận thì được.
Nghỉ ngơi khi chúng ta tức giận, bỏ đi đâu đó 1 lúc cũng là một cách tốt để điều chỉnh cơn giận. Hay như cô giáo ở trường Ốc từng dạy con nếu muốn đánh, có thể tự đấm vào tường (và con đã làm như vậy ở nhà).
Trong lúc có thời gian tĩnh lặng, bạn có thể giúp con điều chỉnh cơn giận và tìm ra cách tốt hơn để giải quyết vấn đề hay sự thất vọng của chúng.
4. Những gì con đang cảm nhận không kéo dài mãi mãi. Cảm xúc con đang có không có gì là xấu cả, nó sẽ qua nhanh và con sẽ thấy vui vẻ trở lại!
Trong khoảnh khắc mà con bạn cảm thấy (và hành động) như thể toàn bộ thế giới sắp sụp đổ, cảm xúc của chúng rất lớn và áp đảo. Con cảm thấy rằng dường như mọi thứ không bao giờ có thể tốt lên được nữa.
"Con đã nói với mẹ bao nhiêu lần rồi, con sẽ tức giận cho mà xem" (chính xác Ốc đã nói câu này trong vài ngày gần đây). Trớ trêu thay, 5 phút sau anh ta đã vui vẻ trở lại và dường như quên hết những gì vừa diễn ra.
Cảm xúc qua đi sẽ có ích cho bọn trẻ. Nhắc nhở cho con biết rằng vượt qua cảm xúc cũng sẽ giúp con giảm bớt cường độ của cảm xúc ngay từ đầu.
5. Hãy thở, tạm nghĩ, ngồi xuống hay tạm dừng một phút...
Không phải dễ dàng để ngồi lại khi cảm xúc đang dâng trào. Người lớn chúng ta cũng vậy, chúng ta cảm thấy và chúng ta chỉ muốn sống trong đó. Nhưng nếu chúng ta cho phép bản thân mình tự dừng lại một chút, có lẽ chúng sẽ đến và đi dễ dàng hơn. Chúng sẽ không ăn sâu và không lớn dần bên trong để chờ ngày nổ tung.
Chúng ta có thể dạy con rằng khi trải qua những cảm xúc lớn lao, con có thể ngồi lại trong một phút, có thể im lặng hoặc có thể hỏi con cảm thấy thế nào.
Thậm chí tốt hơn, chúng ta mô tả cảm giác mình như thế nào, qua đó thấu hiểu cảm xúc của con.
"Khi mẹ buồn, mẹ thường hít thở chậm lại, như thế này này… Đôi khi mẹ cũng thấy hơi xấu hổ hoặc là tổn thương, mẹ thấy hơi đau ở đây (chỉ vào tim). Nhưng chỉ vài phút sau mẹ sẽ thấy khoẻ hơn và mọi thứ trở lại bình thường".
6. Con là đứa trẻ rất ngoan và tử tế
Tức giận, thất vọng không phải là xấu. Khi đang quá giận hay quá buồn, chúng ta không nên đưa ra quyết định.
Những đứa trẻ có thể phạm sai lầm hoặc lựa chọn sai, nhưng đó là cách chúng hành động, chứ không quyết định chúng là ai hay là người như thế nào.
Nghiên cứu cho thấy rằng nói với trẻ rằng con tốt bụng, sẽ giúp trẻ trở nên hào phóng hơn. Chúng ta cần cho con hiểu rằng dù con cảm thấy thế nào, con vẫn rất tốt và tử tế.
"Con đã rất giận. Con đã mắng cả bố mẹ. Đôi khi con nói những điều không hay không có nghĩa là con không tốt. Con rất ngoan và tốt bụng. Vậy con nghĩ xem mình nên làm gì để bố mẹ vui hơn?"
Trẻ nhỏ thích các loại danh hiệu - đó là một phần cách chúng nghĩ. Chúng cũng có thể gán cho một đứa trẻ khác là người xấu vì một điều gì đó mà đứa trẻ đó đã làm, có thể chỉ là sự bốc đồng, có thể chúng không nghĩ gì trước khi hành động, hoặc có thể vì chúng đang có cảm xúc quá lớn và có một lựa chọn sai. Nhưng chúng không xấu.
Đây là một sự phân biệt quan trọng cần phải học và định hướng cho con trong thời thơ ấu.
7. Bố/mẹ sẽ ở đây khi con cần
Đôi khi trẻ cố thể hiện các cảm xúc bùng nổ để được chú ý (có nhiều điểm tương đồng với hành vi mà phụ huynh thường gọi là "ăn vạ"). Đây là một dấu hiệu quan trọng cho thấy rằng con cần bạn kiểu one-on-one time, nhưng không phải bây giờ, mà là khi mọi thứ bình tĩnh lại.
Làm sao để biết con đang rơi vào tình trạng này? Là khi con từ chối ôm, an ủi hoặc khóc to hơn. Hoặc khi mọi chiến thuật dường như không hiệu quả.
"Mẹ thấy con đang rất giận, không sao cả. Con hãy nhớ về những điều mình hay làm khi con giận và làm gì để bình tĩnh. Mẹ sẽ ở đây khi con cần".
Con có thể sẽ yêu cầu bạn quay lại, sau một thời gian ngắn. Bạn có thể hỏi xem con có cần một cái ôm không, hoặc có thể chỉ cần một chút thời gian riêng.
8. Chúng ta có thể học được gì từ việc này? Bài học ở đây là gì?
Dạy con rằng có một bài học khi ta đấu tranh rất quan trọng. Sẽ luôn có các bài học về nỗi đau, sự thất vọng, sự tức giận. Đó là cách chúng sẽ phát triển tư duy và nhận thức thông qua những sai lầm. Đó là cách chúng ta tìm kiếm cơ hội thông qua những vấn đề khó giải quyết.
Điều này không chỉ đúng với các tình huống học tập hay thành tích. Nó đúng với cả những mối quan hệ, cho tình bạn hay để xử lý các tình huống xã hội khó khăn hơn.
"Cảm xúc đang cố nói với mình điều gì nhỉ? Có lẽ nên thử lại và không bỏ cuộc. Có lẽ không phải ai cũng là một người bạn tốt. Có lẽ chúng ta cũng chưa phải là một người bạn tốt và chúng ta nên xin lỗi không?".
Cảm xúc không chỉ là những thứ ngẫu nhiên xảy đến với chúng ta. Cảm xúc là những bài học!
Cảm xúc là sợi dây kết nối giữa ta với những người ta yêu thương.
Vài nét về tác giả:
Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.
Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.
Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.
Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.