Ông nội qua đời không kịp để lại di chúc, đám tang chưa nguội khói hương thì gia đình đã xảy ra cảnh khuynh đảo xóm làng
Mẹ tôi bảo: "Ngày ông còn sống, cả đám cười nói xởi lởi. Giờ ông nằm xuống, ai cũng hiện nguyên hình".
Tôi là cháu đích tôn của dòng họ. Từ bé, tôi đã quen với hình ảnh nhà ông nội lúc nào cũng đông đúc: ba người con trai, một người con gái, họp đại gia đình mỗi dịp giỗ chạp, cười nói rôm rả dưới sân lát gạch cũ. Bố tôi là con cả, hai chú kế sống gần bên, còn cô út lấy chồng xa nhưng Tết nào cũng về đủ cả dâu rể con cháu.
Ông nội tôi làm trưởng họ, nghiêm khắc, chuẩn mực, sống gần 90 tuổi vẫn đi lại được, ăn uống bình thường, chỉ thi thoảng hơi lú lẫn chuyện ngày giờ. Cả cái làng này đều kính nể ông, một phần vì ông là người cất công gây dựng cơ nghiệp gia đình: một căn nhà ba gian, ba mẫu ruộng, hai cái ao thả cá và một mảnh đất rộng gần 200 mét vuông nằm ngay mặt đường, giờ đã lên giá hàng tỷ.
Nhưng rồi ông đột ngột qua đời trong một cơn đột quỵ, không kịp trăng trối, không kịp để lại di chúc.
Đám tang ông chưa nguội khói hương thì cuộc họp gia đình đã được bố tôi – người con trưởng – triệu tập. Tôi tưởng họ sẽ bàn chuyện cúng thất, lo hậu sự, nhưng không, họ bàn chuyện chia đất. Và cuộc họp ấy, từ phút đầu tiên, đã như một đống rơm khô chực chờ một tàn lửa.
Chú Hai gằn giọng: "Anh là con trưởng thì giữ cái nhà ba gian thờ cúng đi, còn mảnh đất mặt đường thì chia đều. Em là người trực tiếp chăm ông, có công thì phải được phần hơn".
Bố tôi đỏ mặt: "Công gì? Hàng tháng tôi gửi tiền đều đặn, ai dám nói tôi không lo cho bố? Nhà đất này bố chưa nói gì, chia sao được? Hay các chú muốn tự ý cướp?".
Chú Ba chen vào: "Tôi chỉ cần 2 cái ao sau nhà, còn đất thì chia theo sổ đỏ. Mà sổ đỏ hiện tại đứng tên ông, chứ có phải tên anh đâu. Đừng giở giọng như thể anh toàn quyền quyết định".
Tôi ngồi lặng người ở một góc, nhìn từng người lời qua lại không còn chút gì là tình thân. Cô út – người tưởng nhẹ nhàng nhất – cũng bắt đầu bật dậy cãi: "Em là con gái nhưng cũng là con của bố, không chia là không được. Đừng lấy cớ "đi lấy chồng" mà gạt em ra. Em cũng có phần".

Ảnh minh họa
Từng câu nói như nhát dao chém vào cái vỏ bọc mà cả đời ông nội đã cố dựng lên: một gia đình "kiểu mẫu", trên thuận dưới hoà. Giờ đây ông vừa nằm xuống, thì cái "kiểu mẫu" ấy cũng vỡ tan từng mảnh. Xóm làng khuynh đảo vì ai cũng bất ngờ, không ai tưởng tượng ra cảnh bố tôi và hai em trai cùng một em gái lại có thể tranh giành tài sản công khai và chỉ sau khi ông mất được vài ngày như thế. Đi đâu tôi cũng nghe người ta bàn tán, thậm chí có người còn hỏi trực tiếp tôi xem chuyện phân chia đến đâu rồi!!!
Sau hôm đó, chú Hai thuê luật sư riêng. Cô út cũng thuê người viết đơn khiếu nại. Bố tôi từng dặn tôi "máu mủ không thể bỏ nhau", giờ cầm giấy tờ, lôi bằng chứng, thề sống thề chết đòi quyền sở hữu nhà cửa.
Tôi không còn nhận ra bố nữa. Tôi càng không nhận ra đại gia đình tôi vẫn luôn tự hào nữa.
Mẹ tôi mệt mỏi, suốt ngày thở dài. Bà bảo: "Ngày ông còn sống, cả đám cười nói xởi lởi. Giờ ông nằm xuống, ai cũng hiện nguyên hình".
Tôi từng nghĩ chết là hết, ông nội ra đi rồi thì chỉ còn lại sự thương tiếc nhưng giờ tôi hiểu, cái chết của một người có tài sản nhưng không để lại di chúc… chính là mồi lửa cho sự tan vỡ. Và cái chết ấy, nếu không khéo, sẽ thiêu rụi luôn những gì họ gây dựng cả đời, kể cả tình thân, kể cả danh dự, kể cả lòng hiếu thảo mà mỗi đứa con từng thể hiện.
Tôi phải làm gì để vừa giữ được lòng tôn kính với người đã khuất, vừa không bị cuốn vào vòng xoáy tranh giành mà chính bố tôi đang hăm hở lao vào?