Ông Ngô Trần Ái: Giá sách giáo khoa Việt Nam thấp hơn nhiều quốc gia khác
Ông Ngô Trần Ái (Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản-Thiết bị Giáo dục Việt Nam) cho biết, trung bình mỗi cuốn SGK của Việt Nam chỉ 18.000 đồng/cuốn. Trong khi SGK các nước khác có giá từ 100.000-300.000 đồng/cuốn.
Tại Hội thảo và Trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 29/9, ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam, gọi tắt là VEPIC (đơn vị đầu tư bộ sách giáo khoa Cánh Diều) chỉ ra 5 nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa (SGK) mới cao hơn SGK cũ.
Trước hết, theo ông Ái, bộ SGK mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 do các NXB, doanh nghiệp tự bỏ vốn hoặc vay ngân hàng để thực hiện tất cả các khâu từ tổ chức biên soạn, mua vật liệu đầu vào, trả tiền nhuận bút, quảng bá, tập huấn giáo viên và không được ngân sách nhà nước chi trả cho một số khâu như trước đây.
Thứ hai, giá nguyên vật liệu, công in, nhuận bút, chi phí quảng cáo, tập huấn giáo viên… đều cao hơn trước. Đặc biệt là giá giấy tăng cao (Ví dụ giấy của nhà máy Bãi Bằng sản xuất hiện cũng cao hơn 25% so với cách đây 5 năm).
Thứ ba, SGK mới có khổ giấy lớn hơn 1,3 lần so với sách cũ, được in 4 màu, chất lượng in tốt hơn. So với các lại sách khác trên thị trường thì SGK vẫn có giá thành thấp hơn.
Ông Ái nêu ví vụ, bộ SGK lớp 3 gồm 12 quyền có giá 220.000 đồng. Nếu chia trung bình, mỗi quyển SGK có giá xấp xỉ 18.000 đồng. Trong khi đó, một quyển truyện có độ dày, giấy in, hình minh họa, màu tương tự với sản lượng hơn 100.000 nghìn bản trên thị trường cũng có giá từ 90.000-100.000 đồng.
“So với giá SGK các nước, một cuốn SGK in 4 màu, số trang tương tự thì giá cũng vào từ 100.000-200.000 đồng (đối với sách của các nước trong khối Asean) và từ 200.000-300.000 đồng (như SGK Nhật Bản, Hàn Quốc). SGK Toán của Singapore giá khoảng 250.000 đồng; SGK Đạo đức và Tự nhiên xã hội của Hàn Quốc, Nhật Bản có giá từ 280.000 đến 300.000 đồng”, ông Ngô Trần Ái so sánh.
Các bộ SGK mới đều có SGK điện tử miễn phí kèm theo, hiệu quả của SGK điện tự rất lớn nhưng chi phí cũng lớn.
Bên cạnh đó, theo cơ chế mới hiện nay nhiều NXB, nhiều đơn vị cùng tham gia biên soạn, xuất bản, phát hành SGK nên thị trường cũng bị thu hẹp, sản lượng mỗi đầu sách giảm đi so với thời kỳ chỉ có một bộ sách của một NXB, điều này làm chi phí tăng lên.
Trước việc SGK sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, ông Ngô Trần Ái cho rằng, việc định giá SGK là một sự thay đổi lớn về chính sách, rất cần cân nhắc vì SGK không thuộc loại “Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước” như quy định tại Điều 19, Luật giá.
Khi ban hành chính sách xã hội hóa việc biên soạn SGK, Nghị quyết 88 của Quốc hội không quy định cụ thể về giá SGK xã hội hóa. Thực hiện Nghị quyết 88, từ năm 2020, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đã tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành SGK.
“Tới nay, Nhà nước lại thay đổi chính sách thì điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội”, ông Ngô Trần Ái băn khoăn.
Cũng theo ông Ngô Trần Ái, thực tế giá SGK không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của gia đình, nhất là so sánh với các chi phí khác. Để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Khoản 10, Điều 20, Nghị định 81/2021 ngày 27/8/2021 của Chính phủ, Nhà nước đã cấp 150.000 đồng/tháng x 9 tháng/năm cho học sinh thuộc hộ nghèo để mua sách vở và đồ dùng học tập. Như vậy mỗi năm học, học sinh nghèo được cấp 1.350.000 đồng, tương đương giá từ 4-7 bộ SGK, tùy cấp học.
"Thực tiễn lựa chọn SGK ở các tỉnh, thành cho thấy giá SGK chỉ là một trong những yếu tố tham khảo, tiêu chí quan trọng là chọn bộ SGK có chất lượng cao, phù hợp với đặc điều tình hình kinh tế-xã hội-văn hóa địa phương và phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ cà các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo", ông Ngô Trần Ái nói.
Từ thực tế nêu trên, ông Ái kiến nghị Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để tham mưu với Quốc hội quyết định vấn đề quản lý giá SGK sát với thực tế; Kiến nghị Chính phủ chi ngân sách nhà nước cho thư viện trường học mua SGK để học sinh mượn; Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các NXB, doanh nghiệp làm và phát hành SGK tặng SGK cho học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn.../.