Ông bố tiết lộ chi phí hàng năm cho con du học, đọc số tiền, nhiều phụ huynh muốn ngất: Coi chừng mất trắng!

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Phụ huynh tranh cãi về lựa chọn của gia đình này.

Gần đây, một bài chia sẻ của phụ huynh có con gái du học Mỹ với chi phí hơn 4 tỷ đồng mỗi năm đã gây nên cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn. Theo người cha này, dù thu nhập hai vợ chồng từ việc kinh doanh lên đến 600 triệu đồng mỗi tháng, họ vẫn phải "gồng hết sức" để lo cho con gái du học, từ tiền học phí, ăn ở, đến các khoản sinh hoạt, du lịch, giao lưu trong trường.

Khi có người cho rằng khoản chi 4 tỷ là "chém gió", người viết liền dẫn chứng: Cô con gái học trường top, tự thuê nhà, thuê xe, thường xuyên đi du lịch, mua sắm, tham gia hội nhóm trong trường. Con muốn gì bố mẹ cũng chiều hết. Năm ngoái, con với hội bạn đi Hawaii, đi một tuần "đốt" gần 5.000 USD. Thậm chí, khi được khuyên nên nhắc con tiết chế lại những thứ ngoài lề của việc học, ông bố này vẫn giữ quan điểm: "Muốn cho nó mở mang đầu óc hết mức có thể, nên kệ thôi, gồng được tới đâu hay tới đó".

Ông bố tiết lộ chi phí hàng năm cho con du học, đọc số tiền, nhiều phụ huynh muốn ngất: Coi chừng mất trắng!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ngay lập tức, câu chuyện này nhận về hàng trăm lượt bình luận với những luồng ý kiến trái chiều. Có người đồng cảm, cho rằng đầu tư cho con học hành là xứng đáng, rằng những gia đình có điều kiện thì nên để con được trải nghiệm tối đa, mở mang tầm nhìn quốc tế. Một số còn thẳng thừng: "Đừng dạy nhà giàu cách tiêu tiền, nếu họ có điều kiện và hài lòng với lựa chọn đó thì cũng nên tôn trọng".

Tuy nhiên, không ít phụ huynh phản đối, cho rằng mức chi "4 tỷ một năm" là quá lãng phí, không hiệu quả, thậm chí có thể làm hỏng tư duy tài chính của cả cha mẹ lẫn con cái.

Đầu tư giáo dục: Chi phí lớn nhưng "không bao giờ lỗ"?

Phía những người ủng hộ cho rằng, việc cho con đi du học, dù tốn kém, vẫn là khoản đầu tư dài hạn, giúp con mở mang tư duy, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. "Giá trị lớn nhất không phải tấm bằng, mà là cách con nhìn nhận thế giới, tự lập, tự giải quyết vấn đề, và xây dựng mối quan hệ quốc tế", một phụ huynh có con du học chia sẻ.

Trải nghiệm du học giúp người trẻ trưởng thành vượt bậc. Những kỹ năng mềm như tự lập, giao tiếp liên văn hóa, tư duy phản biện sẽ là nền tảng giúp các em thành công lâu dài, dù có làm việc trong hay ngoài nước. Việc bỏ ra vài tỷ đồng mỗi năm không phải là mất trắng, mà là đầu tư vào sự phát triển toàn diện của con, những giá trị vô hình đó không thể đong đếm bằng tiền.

Nếu mục tiêu là nuôi dạy một con người tử tế, biết yêu thương, sống hạnh phúc và có trách nhiệm, thì giá trị của "khoản đầu tư" này không thể đo lường đơn thuần bằng tiền bạc hay thành tích.

Học tập trong môi trường có nhiều bạn học sinh đến từ các nước không những giúp trẻ trau dồi kỹ năng tiếng Anh mà quan trọng hơn, ngay từ nhỏ con đã được tiếp xúc nhiều nền văn hóa. Con cũng sẽ có nhiều suy nghĩ độc lập, mới mẻ học hỏi từ những người bạn xung quanh.

Một số phụ huynh khác cũng cho rằng, chi phí 4 tỷ đồng mỗi năm chỉ là trường hợp cá biệt, do gia đình chọn cho con học trường top đầu, chi tiêu "mở toang", cho con trải nghiệm nhiều hoạt động ngoài học tập. Nếu biết cân đối, chi phí đi du học Mỹ hoàn toàn có thể tiết chế xuống còn 1,5 đến 2 tỷ một năm, thậm chí thấp hơn nếu con săn học bổng tốt.

Một phụ huynh nhận định: "Chi phí thực tế nhà tôi chỉ khoảng 1,8 tỷ một năm, nhờ con được học bổng 50%, ở chung nhà với bạn bè, và gia đình thống nhất với con là không chi tiêu xa xỉ, không chạy theo bạn bè. Vẫn học tốt, vẫn mở mang, nhưng cha mẹ không kiệt sức".

"Không nên đầu tư quá đà, vừa lãng phí vừa rủi ro"

Tuy nhiên, luồng ý kiến phản đối lại tỏ ra thực tế hơn, thẳng thắn cho rằng chi phí 4 tỷ đồng/năm là "không thể chấp nhận được" trừ khi gia đình thực sự giàu có, còn nếu phải "gồng" thì nên cân nhắc lại.

"Tôi thà lấy 4 tỷ đó chia làm nhiều phần: Một phần cho con học đại học trong nước, thêm tiền học ngoại ngữ, kỹ năng mềm, một phần để con khởi nghiệp vài lần, học qua thất bại thực tế còn quý hơn bằng cấp du học. Ở Việt Nam, con vẫn có ký ức đẹp về gia đình, quê hương, và mình vẫn còn vốn để đầu tư tài sản cho tương lai nó", một phụ huynh bình luận. Nếu gia đình khá giả, có thể cho con đi du lịch quốc tế mỗi năm để mở mang, chứ không cần phải bỏ ra 4 tỷ một năm cho du học. Giá trị sống đâu chỉ học ở Tây mới có.

Một điểm nữa mà nhiều phụ huynh chỉ ra là rủi ro về việc con không học hành nghiêm túc, sa đà vào lối sống tiêu dùng phương Tây. Tiền mất, con chưa chắc trưởng thành. Nhiều bạn trẻ du học xong về nước không tìm được việc, hoặc xin ở lại thì cũng chật vật. 4 tỷ một năm liệu có xứng đáng?

Chưa kể, con số 4 tỷ/năm với nhiều người cũng hơi khó tin. "Trừ khi sang đó thường xuyên mở tiệc tùng, thuê nhà sang chảnh để ở chứ nếu chỉ ở kiểu KTX sinh viên, sinh hoạt cơ bản thì cũng không tới mức đó", một người thắc mắc.

Việc chi số tiền lớn cho du học cần được tính toán kỹ càng, xét trên tỷ suất hoàn vốn và thu nhập kỳ vọng của con sau khi tốt nghiệp. Ở nhiều ngành, lương khởi điểm của sinh viên quốc tế tại Mỹ chỉ 50-60 ngàn USD mỗi năm, tính ra rất lâu mới hồi vốn. Nếu gia đình phải gồng mình, vay mượn, thì đây là khoản đầu tư cực kỳ rủi ro.

Thực tế, không ít trường hợp du học sinh đã phải bỏ học giữa chừng do áp lực tài chính hoặc không thích nghi được với cuộc sống mới. Một số bạn trẻ còn vướng vào các tệ nạn, do thiếu sự giám sát từ gia đình và cộng đồng người Việt ở nơi đến.

Ông bố nói trên cho rằng, muốn cho con mở mang đầu óc hết mức có thể nên gồng được tới đâu hay tới đó. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, "mở mang đầu óc" đâu phải chỉ nhờ du học. Việc phát triển tư duy, tầm nhìn toàn cầu còn phụ thuộc vào cách trẻ rèn luyện nội lực, kỹ năng tư duy phản biện, khả năng thích nghi và giá trị sống được gia đình bồi đắp.

Ngày nay, nhiều bạn trẻ ở Việt Nam cũng có tư duy quốc tế nhờ học ngoại ngữ, tham gia giao lưu trực tuyến, đọc sách, trải nghiệm thực tế, hoặc đi du lịch nước ngoài ngắn hạn.

Cân nhắc kỹ trước khi "rót tiền" cho con du học

Sự tranh luận sôi nổi quanh câu chuyện "4 tỷ/năm cho con du học" cho thấy vấn đề này không đơn giản. Trên thực tế, không phải tất cả người cho con đi du học đều phải chi mức khổng lồ như vậy. Nhiều gia đình có thể tiết giảm chi phí bằng cách chọn trường học phí vừa phải, con săn học bổng, ở ký túc xá thay vì thuê nhà riêng, tiết chế các hoạt động ngoài lề.

Một số chuyên gia giáo dục cũng khuyên phụ huynh không nên đặt kỳ vọng rằng cứ bỏ nhiều tiền là con sẽ thành công. Quan trọng là sự phù hợp, năng lực của con, và kế hoạch phát triển lâu dài. Nhiều bạn trẻ học trong nước, nhưng nhờ kỹ năng tốt, ngoại ngữ giỏi, vẫn thành công và có cơ hội quốc tế hóa sau này.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cân nhắc yếu tố sức khỏe tinh thần của con. Cuộc sống du học dù mở mang nhưng cũng nhiều thách thức: Xa nhà, cô đơn, áp lực thích nghi văn hóa.

Câu chuyện "4 tỷ một năm cho du học Mỹ" sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi, bởi mỗi gia đình có hoàn cảnh, quan điểm và định hướng khác nhau. Nhưng rõ ràng, trong thời buổi kinh tế nhiều biến động, quyết định đầu tư cho con học ở nước ngoài cần tỉnh táo hơn bao giờ hết, và trên hết, cần xuất phát từ lợi ích thực sự lâu dài của chính đứa trẻ.

Chia sẻ