"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975

Bài: Huỳnh Đức - Thiết kế: Hoàng Sơn,
Chia sẻ

Hẹn nhau ở Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng đừng quên “ôn bài” lịch sử trước nha!

Những ngày này, cả nước đang tràn ngập trong không khí hân hoan đầy tự hào, chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Hãy cùng nhau ôn lại một chút kiến thức lịch sử trước khi hoà mình vào không khí kỷ niệm ngày Đại lễ đầy hào hùng nhé!

Ngày 22/4/1975: Các đơn vị chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngày 22/4/1975, Bộ Chính trị hội ý về sự phát triển của tình hình cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam. Sau đó, đồng chí Lê Duẩn điện gửi các đồng chí chỉ huy mặt trận chỉ thị: Thời cơ để mở cuộc tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn…

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 1.

Quân Giải phóng chuẩn bị lực lượng trước giờ tổng công kích vào Sài Gòn – Gia Định với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (26/4/1975). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Cùng ngày, kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định đã được Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua và phê duyệt lần cuối cùng. 

Cũng trong ngày 22/4/1975, đồng chí Ðồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội đường Trường Sơn triệu tập hội nghị khẩn cấp thông báo kế hoạch chuẩn bị của Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ chung của Bộ đội Trường Sơn và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 2.

Ngày 23/4/1975: Tỉnh Bình Tuy hoàn toàn được giải phóng

Sau những thắng lợi của bộ đội chủ lực và các lực lượng phối hợp, đến ngày 23/4/1975, tỉnh Bình Tuy hoàn toàn được giải phóng.

Cùng ngày 23/4, tại Washington, Tổng thống Mỹ G.Ford tuyên bố “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ” và ra lệnh di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn.

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 3.

Ngày 24/4/1975: Bộ chỉ huy Miền ra lệnh cho Quân khu 9 thực hiện nhiệm vụ phối hợp với hướng chủ yếu của Miền tiến công vào Sài Gòn

Ngày 24/4/1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn ô-tô vận tải cơ động 526 trực thuộc Tổng cục Hậu cần, làm nhiệm vụ vận chuyển quân sự phục vụ chiến đấu.

3 giờ sáng 24/4, lực lượng Quân đoàn 2 cơ bản đã tới vị trí tập kết chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Cùng ngày, sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 triển khai ở Nhuận Ðức; Sư đoàn 320 hoàn thành tập kết lực lượng khẩn trương làm công tác chuẩn bị tiến công cứ điểm Ðồng Dù; Sư đoàn 10 và các đơn vị xe tăng, phòng không tăng cường vào khu vực Bến Tranh, Bến Củi gấp rút nhận xe, bố trí đội hình tiến công, tranh thủ huấn luyện bổ sung kiểm tra các mặt bảo đảm.

Bộ chỉ huy Miền ra lệnh cho Quân khu 9 thực hiện nhiệm vụ phối hợp với hướng chủ yếu của Miền tiến công vào Sài Gòn, với quyết tâm Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa đánh sập toàn bộ đầu não ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn.

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 4.

Ngày 25/4/1975: Giải phóng đảo Sơn Ca trong quần đảo Trường Sa

0 giờ 30 phút ngày 25/4/1975, Phân đội 2 đổ bộ lên đảo Sơn Ca. 2 giờ 30 phút cùng ngày, các mũi tiến công của Quân Giải phóng đồng loạt nổ súng. Quân địch chỉ chống trả yếu ớt rồi nhanh chóng đầu hàng. Phân đội 2 làm chủ đảo Sơn Ca chỉ sau 30 phút chiến đấu.

Cũng trong ngày 25/4/1975, Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chuyển về Bến Cát, trực tiếp chỉ huy cuộc Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Ở vùng ven Sài Gòn, ngoài các đơn vị chủ lực và địa phương, có 6 trung đoàn đặc công, 4 tiểu đoàn và 11 đội biệt động của ta đã bí mật triển khai lực lượng, áp sát các mục tiêu ở nội thành, chuẩn bị chiếm và giữ các cầu lớn ra vào thành phố. Thành ủy Sài Gòn - Gia Định điều động 1.700 cán bộ vào các quận nội thành, các xã vùng ven, phát động quần chúng nổi dậy, phối hợp đòn tiến công của bộ đội chủ lực.

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 5.

Ngày 26/4/1975: Mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh

Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng tiến công vào Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ 5 hướng Tây - Bắc, Đông - Bắc, Đông, Đông - Nam, Tây và Tây - Nam, các binh đoàn với xe tăng dẫn đầu đã thọc sâu, đập tan các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch, tiếp cận Sài Gòn. Địch rối loạn hoàn toàn về chiến lược.

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 6.

Ngày 27/4/1975: Thị xã Bà Rịa và toàn tỉnh Phước Tuy được giải phóng

Sáng sớm ngày 27/4/1975, Quân giải phóng đồng loạt tiến công các vị trí của địch trong thị xã Bà Rịa, làm chủ khu tiếp liệu, Ty An ninh, Ty Cảnh sát, Tỉnh đoàn Bảo an, Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp.

15 giờ ngày 27/4, thị xã Bà Rịa hoàn toàn giải phóng. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh Lầu nước (Nhà Tròn).

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 7.

Quân giải phóng chiếm dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Tuy ngày 27-4-1975. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Cùng ngày, bộ đội địa phương các huyện Đức Thạnh, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc tiến công làm chủ chi khu quân sự, dinh quận trưởng và các vị trí đóng quân của địch. Tỉnh Phước Tuy hoàn toàn giải phóng.

Trên địa bàn Xuyên Mộc và Long Đất, lực lượng vũ trang địa phương cũng đồng loạt mở các cuộc tiến công. Sáng 27/4/1975, lực lượng vũ trang Xuyên Mộc tiến công, áp sát, bao vây các chi khu. Địch tháo chạy hỗn loạn. Trưa 27/4/1975, Xuyên Mộc được giải phóng.

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 8.

Ngày 28/4/1975: Tổng công kích đợt 2 Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngày 28/4/2975, các lực lượng của ta đã phá vỡ các khu phòng thủ vòng ngoài của địch, cắt đứt đường số 4, tăng cường vây ép Sài Gòn trên các hướng; bao vây, ngăn chặn không cho các sư đoàn chủ lực của địch co cụm về vùng ven nội thành.

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 9.

Trận địa pháo 130mm của Quân giải phóng pháo kích vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy ngày 28-4-1975. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Đêm 28/4/1975, Bộ chỉ huy Chiến dịch đã lệnh cho các hướng tiếp tục tiến công vào Sài Gòn. Đúng 0 giờ ngày 29/4, các binh đoàn chủ lực hùng mạnh của ta từ nhiều hướng đồng loạt tổng công kích vào Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của địch.

Chiều 28/4/1975, Sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ rung chuyển bởi những loạt bom chính xác từ 5 chiếc máy bay A-37 ném xuống. Vụ oanh tạc “có một không hai” này đã phá hủy 24 chiếc máy bay của địch, làm tan rã hàng trăm tên địch khác, khiến chính quyền Sài Gòn đã rối ren càng thêm hoảng loạn…

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 10.

Ngày 29/4/1975: Tổng tiến công trên toàn mặt trận

Sau khi nghe tin quân ta giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, quân địch trên đảo Sinh Tồn đã hoang mang dao động, rút chạy từ sáng 27/4/1975, nên lực lượng ta đổ bộ thuận lợi. Đến 9 giờ ngày 29/4/1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn đặc công 126 đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần to lớn vào thắng lợi của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 11.

Lực lượng xe tăng và bộ binh đánh chiếm căn cứ Đồng Dù (Củ Chi), sáng 29-4-1975, mở cánh cửa thép Tây Bắc Sài Gòn để quân ta thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và bộ tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn. (Ảnh: Lê Trung Hưng/TTXVN)

Cũng trong ngày 29/4/1975, quân ta Tổng tiến công trên toàn mặt trận. Tính đến cuối ngày 29/4/1975, bộ đội ta đã đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Các binh đoàn thọc sâu đã tiến đến vùng ven, cách trung tâm Sài Gòn từ 10 đến 20 km. Các lực lượng vũ trang tại chỗ hoạt động mạnh trên các địa bàn, giữ vững các cầu trên đường vào thành phố.

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 12.

Ngày 30/4/1975: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng

Sáng sớm ngày 30/4/1975, từ khắp các hướng quân đội ta ào ạt tiến vào Sài Gòn. Quân ta nhanh chóng chiếm được Bộ tư lệnh không quân và Bộ tư lệnh sư đoàn dù của địch, làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. 

9 giờ 30 phút cùng ngày, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh vừa nhậm chức hôm 28/4 kêu gọi “ngừng bắn để điều đình giao chính quyền” nhằm cứu quân ngụy khỏi sụp đổ.

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 13.

10 giờ 45 phút, xe tăng của ta tiến thẳng vào dinh Độc lập, bắt toàn bộ chính quyền Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn - Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng!

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 14.

Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 15.

Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng xe tăng 4 (cầm cờ, phía trước) cùng 3 chiến sĩ của Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 16.

Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng chiếm phủ tổng thống ngụy, trưa 30-4-1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Không chỉ là chiến dịch tiến công chiến lược có quy mô lớn nhất, thể hiện đỉnh cao nghệ thuật điều hành tác chiến chiến dịch của quân đội ta mà quan trọng hơn, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính là chiến dịch quyết chiến chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo Chuyên trang tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân

"Ôn bài" trước Đại lễ: Điểm lại các cột mốc của chiến thắng lịch sử 30/4/1975 - Ảnh 17.

Chia sẻ