Ở tuổi 45, tôi chọn đi du lịch kiểu nhẹ nhàng, không chen chúc, không vung tiền, nhưng vẫn thấy đáng từng đồng
Không mua sắm tràn lan, không chen chúc lịch trình, và cũng không chọn khách sạn hạng sang – chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm của tôi ở Tam Đảo vẫn đủ thư giãn, vẫn đáng nhớ, mà tổng chi tiêu chỉ 3 triệu. Ở tuổi 45, tôi nhận ra: Chi tiêu thông minh chính là cách tận hưởng đúng nghĩa.
Tôi không còn chọn “du lịch kiểu chạy deadline”

Ảnh minh họa
Cách đây chục năm, tôi cũng từng du lịch kiểu “sáng leo núi – trưa tắm biển – tối check-in quán cà phê nổi tiếng”, ăn tranh thủ, ngủ qua loa, và cuối cùng về nhà mệt hơn đi làm. Nhưng bây giờ, ở tuổi 45, tôi hiểu rõ cơ thể mình cần gì hơn là “có ảnh để đăng”.
Tôi chọn Tam Đảo – một nơi gần Hà Nội, khí hậu mát mẻ quanh năm, có chỗ nghỉ yên tĩnh và không gian xanh. Lịch trình 3 ngày 2 đêm, không quá xa để tốn công di chuyển, cũng không quá vắng để thiếu tiện ích.
Tôi đặt ngân sách trước – và chia sẵn từng khoản
Với tôi, đây là chuyến đi “nạp lại năng lượng” hơn là du lịch theo phong trào. Tổng ngân sách cá nhân tôi dự trù 3 triệu đồng, và tôi lên bảng chi tiêu như sau:
Bảng chi tiêu chuyến đi Tam Đảo – 3 ngày 2 đêm
Hạng mục | Chi tiết | Chi phí (VNĐ) |
---|---|---|
Di chuyển | Xe khách khứ hồi Hà Nội – Tam Đảo + xe điện địa phương | 400.000 |
Lưu trú | Homestay yên tĩnh, có ban công, bếp chung (2 đêm) | 800.000 |
Ăn uống | 2 bữa chính/ngày + bữa nhẹ (x3 ngày) | 600.000 |
Cafe & đồ uống | 2 quán view đẹp (Gió Tam Đảo, Rock Cafe) | 200.000 |
Vé tham quan – trải nghiệm | Cổng Cầu Mây, vườn quốc gia, đền Bà Chúa Thượng Ngàn | 300.000 |
Mua đặc sản mang về | Mít sấy, lá trà, bánh men Tam Đảo | 200.000 |
Phát sinh khác | Thuốc cảm nhẹ, tip, nước uống dọc đường | 100.000 |
Tổng cộng | 2.600.000 |
Tôi chuẩn bị dư thêm 500.000 cho chi phí phát sinh bất ngờ – cuối cùng về nhà vẫn còn dư 200.000 trong ví.
Tôi không chi cho những thứ này – và chẳng thấy tiếc
- Không chạy show lịch trình: Mỗi ngày tôi chỉ chọn 1 điểm đến – 1 quán cà phê – 1 buổi đi dạo. Không “săn mây” 5 giờ sáng, không leo 200 bậc vì review.
- Không mua đồ linh tinh: Tôi chỉ mua vài gói trà và bánh địa phương– không mua khăn thổ cẩm, áo in tên…
- Không chọn khách sạn 3 sao view rừng mây: Tôi chọn homestay có bếp, sạch, yên tĩnh, gần chợ – tiết kiệm hơn 300–400k mà vẫn thoải mái.

Ảnh minh họa
3 nguyên tắc tài chính giúp tôi vừa đi chơi, vừa giữ được kế hoạch tài chính cá nhân
- Luôn đặt giới hạn tiêu tiền mỗi ngày – tôi chia tiền thành 3 phong bì nhỏ, mỗi ngày 800–900k và không xài hơn.
- Dùng Note điện thoại để ghi chi tiêu mỗi tối – vừa nhẹ đầu, vừa kiểm soát tâm lý “đi rồi thì cứ xài”.
Sau mỗi chuyến đi, tôi ngồi lại xem:
- Mục nào xứng đáng: Cà phê Gió Tam Đảo quá đẹp, đồ uống hợp khẩu vị
- Mục nào thừa: Lần sau không cần mua 2 loại bánh tương tự
- Mục nào lần sau nên mạnh tay hơn: Đáng lẽ nên thuê xe máy để đi chủ động hơn – lần tới tôi sẽ cân nhắc khoản đó
Du lịch ở tuổi 45: Không cần ồn ào, chỉ cần đúng nhu cầu của mình
Tôi đi chơi không phải để khoe, cũng không cần “review du lịch chi tiết nhất mạng xã hội”. Tôi đi để tận hưởng sự yên lặng buổi sáng sớm, sự thanh mát của núi rừng, và cái cảm giác vẫn đang kiểm soát tài chính cá nhân một cách chắc chắn – ngay cả khi đang nghỉ ngơi.