Nực cười chuyện phát tán video nhạy cảm rồi tự nhận là tin tặc: Bất kể công hay tội, những kẻ này mới đủ bản lĩnh làm hacker!
Hacker thật sự làm nên cả công và tội hoành tráng hơn nhiều những kẻ phát tán video, hình ảnh nhạy cảm của chị em phụ nữ.
Hôm qua, cả cộng đồng mạng Việt Nam đã xôn xao vì vụ việc ca sĩ Văn Mai Hương bị nhóm "hacker" PTG tung video riêng tư từ năm 2015.
Trong phim ảnh, hacker (hay tin tặc) hiện lên như những kẻ siêu láu cá, thấu hiểu và có thể can thiệp vào máy móc để thao túng, khiến một cá nhân hay tổ chức chịu thiệt hại nặng nề trên nhiều phương diện - có thể là danh tiếng hoặc kinh tế.
Tuy nhiên, ở Việt Nam lại có không ít những hacker tự phong, đao to búa lớn chẳng thấy đâu, chỉ chăm chăm phát tán vài ba hình ảnh, video quay lén. Để biết loại người đó có đáng gọi là hacker hay không, chúng tôi có bài viết nho nhỏ để làm sáng tỏ điều này với chị em.
Đầu tiên, hacker là gì?
Hacker (hay tin tặc), về cơ bản là những cá nhân hiểu rõ hoạt động của hệ thống máy tính, mạng máy tính. Họ có khả năng viết hay chỉnh sửa phần mềm, phần cứng máy tính để can thiệp và thao túng nó với vô số mục đích tốt xấu khác nhau.
Công việc chính của hacker gồm lập trình, quản trị và bảo mật hệ thống.
Để được gọi là một hacker, bạn phải là một lập trình viên (coder) giỏi, một chuyên gia mạng và hệ thống cũng như chuyên gia về phần cứng máy tính.
Trên phương diện tích cực, hacker là kẻ có tài, dám thoát ra khỏi quy chuẩn truyền thống để tự do sáng tạo. Tuy nhiên, mặt trái của tự do sáng tạo là phá bỏ rào cản, chính vì thế nhóm người này luôn muốn vượt qua thử thách để khẳng định bản thân, kể cả bằng cách gây thiệt hại cho cá nhân hoặc cả một quốc gia.
Theo chuyên trang công nghệ Gizmodo, giới hacker tồn tại các thuật ngữ như "mũ đen", "mũ trắng" và "mũ xám" - chúng xuất hiện kể từ khi luật chống xâm nhập vào máy tính có hiệu lực ở Mỹ. Các thuật ngữ này còn giúp phân biệt hoạt động tội phạm với hoạt động hợp pháp của hacker.
Đời này có bao nhiêu loại người thì có bấy nhiêu loại hacker
Như đã nói ở trên, hacker được chia thành 3 loại chính: Mũ đen, mũ trắng và mũ xám. Mũ đen là những kẻ làm điều xấu, hay tội phạm; Mũ trắng là hacker có đạo đức, chuyên phát hiện và cảnh báo lỗ hổng bảo mật; Còn mũ xám lại nửa nạc nửa mỡ, khi làm việc tốt, lúc lại làm việc xấu và vô tình trở thành mũ đen từ lúc nào không hay.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia công nghệ lại khẳng định, hacker phải chia thành 7 loại mới tạm đủ. Vậy 4 kiểu hacker còn lại là gì?
- Tân binh (Neophyte): Những người mới tập tọe tìm hiểu về lập trình và bảo mật hệ thống, nói chung là có đam mê nhưng kỹ năng ở mức vỡ lòng.
- Trẻ trâu biết một chút về lập trình (Script Kiddie): Ám chỉ những thanh niên không có chuyên môn nhưng vụng chèo khéo trống, biết sử dụng các đoạn mã hay phần mềm bẩn để hack. Tuy nhiên, nhóm này lại rất thích thể hiện, nói trắng ra là trẻ trâu của internet. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều Script Kiddie trên Facebook nhưng phần lớn là tự phong.
- Mũ xanh: Tương tự như mũ trắng nhưng nhóm này chuyên tìm kiếm và vá lỗ hổng bảo mật trước khi các sản phẩm công nghệ được ra mắt. Hacker mũ xanh thường xuyên xuất hiện công khai trong các sự kiện công nghệ.
- Mũ đỏ: Nhóm này giống như "công an" internet. Họ không chỉ tìm lỗ hổng mà còn ra sức ngăn chặn hacker mũ đen lộng hành.
Gây tội hay lập công, những con người này mới xứng đáng được gọi là hacker
Kevin "Dark Dante" Poulson, Hacker mũ đen nổi tiếng nhất thế giới
Nhiều chuyên gia công nghệ đã chọn Kevin Poulson là hacker mũ đen khét tiếng nhất thế giới.
Tai tiếng của Poulson bắt đầu nổi lên khi gã tấn công hệ thống đài phát thanh KIIS - FM của Los Angeles để ăn gian chiếc ô tô Porsche. Cụ thể, gã đã can thiệp để trở thành người gọi điện thứ 102 - đúng như quy định tổ chức trò chơi may mắn của KIIS - FM.
Với bí danh Dark Dante, Poulson đã trở thành hiện tượng vào những năm 80s của thế kỷ trước. Gã đã tấn công vào nhiều mạng lưới tài chính để rửa tiền, gian lận email và thậm chí là cản trở thực thi công lý. Poulson sa lưới pháp luật vào năm 1994 với 7 tội danh nghiêm trọng.
Tuy nhiên, gã chỉ bị phạt 51 tháng tù, nộp 56.000 USD. Khi mãn hạn, Poulson làm lại cuộc đời với vai trò nhà báo.
Marc Maiffret, hacker mũ trắng lừng danh thiên hạ
Khởi đầu như một hacker mũ đen, Marc Maiffret bộc lộ ngón nghề từ thuở thiếu niên.
Ở tuổi 17, Marc Maiffret đã bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) chú ý sau nhiều vụ thâm nhập vào hệ thống máy tính chính phủ. Bị FBI cảnh cáo nghiêm khắc và tịch thu máy tính nhưng hacker này vẫn vô cùng ngông cuồng.
Tuy nhiên, thay vì hành động bất hợp pháp như trước đây, Marc cố tìm việc và trở thành nhà nghiên cứu bảo mật độc lập. Nhiều năm sau đó, anh trở thành tư vấn viên uy tín trong lĩnh vực bảo mật.
Thu nhập kha khá từ nghề nghiệp có đạo đức, Marc Maiffret đủ sức nuôi sống gia đình và điều đó giúp cuộc đời anh mãi mãi bước về phía ánh sáng.
Sở dĩ, gọi Marc Maiffret là hacker mũ trắng lừng danh nhất, vì anh từng 3 lần được Quốc hội Mỹ mời tới các phiên điều trần về an ninh mạng. Marc còn là đồng sáng lập của công ty bảo mật eEye Digital Security, đồng thời giúp phát hiện nhiều lỗ hổng nghiêm trọng của Microsoft. Chuyên trang công nghệ Gizmodo khẳng định, không có Marc Maiffret, internet thế giới đã thụt lùi 15 năm vì hacker làm càn.
Phát tán video, hình ảnh nhạy cảm rồi tự nhận là hacker là hành động vô cùng lố bịch
Sáng 28/12, trên hàng loạt các fanpage bất ngờ xuất hiện những bài đăng với lời mời gọi hấp dẫn: Nữ ca sĩ Văn Mai Hương lộ 5 clip nóng, clip nhạy cảm của ca sĩ Văn Mai Hương...
Hình ảnh trong 5 đoạn clip này được cho là ghi lại từ camera tại nhà riêng của nữ ca sĩ, trong cả 5 đoạn clip liên tục ghi lại những hình ảnh nhạy cảm mang tính chất riêng tư của Văn Mai Hương kể cả khi cô thay đồ.
Đáng chú ý, tất cả 5 video này đều có logo "HackerPTG".
Tuy nhiên, hacker gì mà chuyên rình mò, chiếm đoạt video nhạy cảm rồi đăng lên web đen với nội dung:
"Chào các bác, em up xong seri Văn Mai Hương, mỗi 1 ngày tiếp theo sẽ tự ra 2 clip, đến ngày thứ 5 sẽ rất hấp dẫn. Chào các bác em đi đây, thân chào và hẹn gặp lại nhưng chưa biết là khi nào".
Đúng, chưa biết là khi nào vì hành vi xâm phạm, phát tán hình ảnh riêng tư của người khác thì khả năng bị xử phạt nặng là rất cao. Thậm chí có thể phải ngồi tù.
Theo luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội: Với những hình ảnh khỏa thân, clip nhạy cảm thì tùy thuộc vào nội dung, dung lượng và số người truy cập mà hành vi này sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, tội Làm nhục người khác hoặc tội Truyền đưa các thông tin dữ liệu trái phép trên internet...
Khi xác minh làm rõ hành vi, động cơ và hậu quả thì cơ quan điều tra sẽ kết luận là có xử lý hình sự hay không, nếu có thì xử lý vào tội danh nào.
Trong trường hợp không đủ căn cứ xử lý hình sự thì vẫn có thể xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 64 Nghị định 174/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức xử phạt có thể là 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.
Có thể thấy, những hacker tự phong đứng sau vụ phát tán hình ảnh riêng tư này chẳng có tài cán gì hết. Họa chăng là vô tình có được hình ảnh nhạy cảm của Văn Mai Hương rồi lợi dụng sự hiếu kỳ và lệch lạc trong suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ dân mạng Việt Nam để làm loạn, bôi nhọ tên tuổi của nữ ca sĩ.
Là những con người văn minh, chúng ta cần kịch liệt lên án và tẩy chay hành động này. Hãy lên tiếng, báo cáo sai phạm những đường link hay cá nhân cố tình phát tán hình ảnh riêng tư của Văn Mai Hương.
Chúng tôi đứng về phía Văn Mai Hương.
Phụ nữ phải được tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn dù ở bất cứ đâu. Phát tán những hình ảnh riêng tư và nhạy cảm của phụ nữ, dù bất cứ lý do gì đều không được chấp nhận. Chúng ta hãy cùng đứng về phía Văn Mai Hương và chung tay bảo vệ phụ nữ, vì một xã hội văn minh hơn.