Nữ sinh Hà Nội day dứt khi chứng kiến điều này sau kỳ thi vào lớp 10: Đôi khi bước lùi cần thiết để bước tiếp vững vàng

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Liệu ý kiến của nữ sinh này có hợp lý?

Mùa tuyển sinh lớp 10 năm nào cũng chứng kiến không ít những câu chuyện vui buồn, đỗ  trượt. Năm nay, một chia sẻ trên mạng xã hội của một học sinh rơi vào cảnh "trượt cả chuyên lẫn thường" dù từng thi thử đạt 25-26 điểm đã khiến nhiều người phải dừng lại suy ngẫm.

Học sinh này chia sẻ, em chỉ được đăng ký một nguyện vọng vì trái tuyến. Đặt kỳ vọng cao, em mạnh dạn đăng ký vào một trường top đầu. Nhưng khi kết quả chính thức công bố, em chỉ đạt 23 điểm, trong đó môn Văn, môn em tin chắc sẽ được 8 lại chỉ đạt 6. Toán cũng thấp hơn 0,5 điểm so với dự đoán.

Cảm giác bàng hoàng, hụt hẫng, thậm chí là mất phương hướng khiến em không muốn gặp ai, không muốn nói chuyện, dù vẫn nhận được sự quan tâm từ thầy cô, bạn bè. Bởi "tất cả như đang nhìn em bằng một ánh mắt khác".

Điều đáng nói là, theo nữ sinh này, em "chứng kiến nhiều bạn học kém nhưng điểm lại cao hơn mình". Điều đó khiến em thật sự không muốn gặp ai nữa.

Nữ sinh Hà Nội day dứt khi chứng kiến điều này sau kỳ thi vào lớp 10: Đôi khi bước lùi cần thiết để bước tiếp vững vàng - Ảnh 1.

Phải chăng "Học tài thi phận"?

Trong thực tế thi cử, không phải lúc nào điểm số cũng phản ánh trọn vẹn năng lực học tập của học sinh. Có em suốt ba năm THCS học giỏi, đạt nhiều giải thưởng, thầy cô tin tưởng, bạn bè ngưỡng mộ. Nhưng đến kỳ thi chính thức lại gặp "vận rủi": đề không trúng trọng tâm ôn kỹ, mất bình tĩnh vì áp lực, sức khỏe không tốt, hoặc chỉ một sơ suất nhỏ như lạc ý, sai chính tả, xuống dòng sai chỗ... cũng đủ kéo điểm số xuống đáng kể.

Ngược lại, cũng có những học sinh học lực ở mức trung bình khá, thậm chí không nổi bật trong lớp, nhưng lại đạt điểm cao trong kỳ thi vào 10. Nhiều người cho rằng đó là "gặp may", "trúng tủ", hay chỉ là ăn may phút chót. Nhưng thực ra, thi cử không chỉ đơn thuần là chuyện học bao nhiêu mà còn là việc biết thi như thế nào.

Có học sinh điểm kiểm tra thường không cao, nhưng lại có phương pháp ôn tập hợp lý, luyện đề kỹ lưỡng, làm quen cấu trúc đề thi. Các em có thể không "giỏi toàn diện" nhưng biết mình yếu gì, cần tập trung ở đâu. Đến ngày thi, tâm lý ổn định, làm bài đúng chiến thuật, đủ tỉnh táo để tránh sai sót thì điểm cao là hoàn toàn xứng đáng, không thể xem là "ăn may".

Câu thành ngữ "học tài thi phận" vì thế vẫn đúng ở một chừng mực. Nó phản ánh rằng, thi cử có yếu tố khách quan, và trong cuộc thi một lần duy nhất, vận may cũng có thể đóng vai trò nhất định. Tuy nhiên, không thể vì thế mà tuyệt đối hóa "thi phận", để phủ nhận mọi nỗ lực của người đạt điểm cao, nhất là những bạn không thuộc dạng học sinh "top" trong lớp.

Ngược lại, những bạn từng học giỏi mà điểm thi chưa như kỳ vọng cũng không nên chỉ đổ lỗi cho vận rủi. Thi cử là một kỹ năng độc lập. Có người học giỏi thật, nhưng chưa đủ trải nghiệm phòng thi, chưa quen áp lực đè nặng từ kỳ vọng, hoặc đơn giản là thiếu thời gian rèn luyện kỹ năng trình bày, xử lý câu hỏi lạ.

Đặc biệt với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở các thành phố lớn – nơi tỉ lệ chọi cao, học sinh phải cạnh tranh từng điểm một thì càng không thể chỉ dựa vào năng lực thuần túy, mà cần có chiến lược, kỹ năng, tâm lý ổn định và khả năng điều tiết thời gian thi.

Vì vậy, nếu thấy một học sinh điểm cao mà trước đó học không nổi bật, đừng vội quy chụp là may mắn. Và nếu chính mình là người từng học tốt nhưng không đạt kết quả như kỳ vọng, đừng vội thất vọng, càng không nên nhìn người khác bằng ánh mắt hoài nghi.

Câu thành ngữ "học tài thi phận" được nhắc lại mỗi mùa thi không phải ngẫu nhiên. Nó phản ánh đúng thực tế rằng, bên cạnh nỗ lực, còn có những yếu tố khách quan tác động đến kết quả.

Tuy nhiên, chúng ta không nên tuyệt đối hóa cụm từ ấy như một sự đổ lỗi hoàn toàn cho số phận. 

Cảm giác thua kém, liệu có đáng phải xấu hổ?

Nỗi buồn lớn nhất không phải là điểm số thấp, mà là cảm giác bị so sánh, bị đánh giá, bị nhìn bằng ánh mắt thương hại hay thất vọng. Đó là điều mà em học sinh trong câu chuyện chia sẻ, và là tâm sự của hàng ngàn học sinh khác cũng "trượt" trong kỳ thi vừa qua.

Khi điểm số trở thành tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá một học sinh, chúng ta đã vô tình đặt ra những chuẩn mực khắt khe, khiến các em gắn giá trị bản thân mình với... vài con số. Chúng ta nói rằng "trượt không có gì đáng xấu hổ", nhưng hệ thống đang ngầm khiến các em thấy mình kém cỏi nếu không đạt đủ "điểm chuẩn".

Không ai nói rằng điểm số không quan trọng. Nhưng điểm không tốt một lần, không có nghĩa là người đó kém. Cũng như điểm cao trong một kỳ thi, chưa thể đảm bảo người đó sẽ thành công dài lâu.

Điều quan trọng là không để một kỳ thi, dù lớn trở thành dấu chấm hết cho niềm tin vào bản thân.

Có em đi thẳng vào cấp 3 công lập, có em bước vào trường tư, học nghề… Mỗi con đường đều có thể dẫn tới thành công nếu học sinh giữ được tinh thần cầu tiến, trung thực với bản thân và được người lớn đồng hành đúng cách.

Thi trượt không đồng nghĩa với "thất bại". Đó là một trải nghiệm, một bài học, và đôi khi là một bước lùi cần thiết để bước tiếp vững vàng hơn.

Với em học sinh vừa trải qua cảm giác bàng hoàng vì điểm không như mong đợi, xin đừng mất niềm tin. Một kỳ thi chưa nói hết được con người em. Hãy ngẩng cao đầu, vì chính em chứ không phải điểm số mới là điều đáng trân trọng nhất.

Chia sẻ