Nữ giám đốc 8X lập nghiệp từ những nông trang rau quả ế
Từ nhỏ đã chứng kiến mồ hôi, nước mắt và nỗi buồn của bố mẹ bên những vựa trái cây được mùa, mất giá, Trần Thị Mao (Ea Kar, Đắk Lắk) nuôi ước mơ thoát nghèo cùng nông dân.
28 tuổi, Mao hiện là chủ công ty kinh doanh du lịch, dịch vụ và buôn bán nông phẩm có tiếng tại Đà Lạt. Vừa kết thúc đợt thanh lý online hơn 5 tấn khoai lang Nhật giúp nhiều hộ nông dân, nữ giám đốc chưa kịp vui đã than thở: "5 tấn nghe thì nhiều nhưng so với cả cánh đồng mấy trăm tấn khoai ế, hỏng cũng chỉ như muối bỏ bể".
Xuất thân trong gia đình nghèo, từ nhỏ, Mao đã cùng bố mẹ rời quê Nghệ An vào vùng kinh tế mới Đắk Lắk, mang theo hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, sống giữa vựa trái cây, cô gái Tây Nguyên nhiều năm chứng kiến nỗi khổ, nước mắt của bố mẹ và bà con buôn làng trước cảnh hàng nông sản mất giá, bí đầu ra.
Nghịch cảnh nông sản "mất mùa, được giá" hay "được mùa, mất giá" khiến cuộc sống của nông dân Đà Lạt và các vùng lân cận lao đao. Mao kể, hình ảnh bố mẹ tự tay cầm dao chặt cả vườn cam ế luôn ám ảnh cô. "Nhìn bố mẹ ngồi khóc bên gốc cam, tôi cũng khóc theo. Sau đó, tôi tự nhủ mình phải cố gắng tìm lối ra, thoát nghèo", cô tâm sự.
Trần Thị Mao, giám đốc trẻ khởi nghiệp thành công từ những nông trang rau quả ế. Ảnh: NVCC.
Những năm cấp 3, để có tiền mua thêm sách bút, Mao đã gom trái cây chín rụng trong vườn mang lên phố bán thanh lý. Ý tưởng kinh doanh hàng nông sản cũng từ đó, được phát triển thành những vụ buôn bán lớn hơn khi cô vào đại học. Suốt 4 năm sinh viên, Mao cùng bạn thân Hoài Phương đã rong ruổi qua nhiều nhà vườn, thu mua nông phẩm bán online tới các tỉnh thành cả nước.
Khi vừa tốt nghiệp, cô rủ bạn chung vốn, vay thêm 30 triệu đồng của người dì để mở công ty du lịch. Ban đầu vốn ít, hai người bạn chỉ tập trung vào kiếm khách, bán tour kết hợp thu mua và bán nông sản online. Hơn nửa năm sau, khi đã thu hồi vốn, trả nợ cho dì và có thêm lợi nhuận, cô mở rộng sang kinh doanh khách sạn, phòng vé máy bay.
Mảng bán nông phẩm online dù chưa phải hướng đi chính nhưng vẫn được nữ giám đốc trẻ duy trì. "Bố mẹ tôi cũng như những nông dân ở Tây Nguyên, đều chịu thương chịu khó. Nhưng nghịch cảnh thực tế được mùa - mất giá khiến người dân hiếm khi nhận được thành quả xứng đáng từ những cánh đồng hoa màu", cô gái sinh năm 1987 tâm sự.
Nắm được mấu chốt khó khăn nằm ở thị trường đầu ra, cô nuôi tham vọng xây dựng kênh bán hàng hiệu quả và thị trường tiêu thụ ổn định. Sau gần 10 năm nỗ lực, hiện tại, dù chưa thực hiện được giấc mơ cùng nông dân làm giàu nhưng cái tên Trần Thị Mao đã dần quen thuộc với nhiều hộ nông Tây Nguyên.
Theo Hoài Phương, Mao được nông dân biết đến và yêu quý không phải bởi đây là nữ giám đốc trẻ biết vượt qua số phận, khởi nghiệp thành công. Nhờ Mao, nhiều nhà vườn đã có chỗ cho đầu ra các loại rau quả chất lượng, đúng mùa nhưng mất giá.
Khoảng 4 năm nay, 2 phòng vé máy bay tại Đà Lạt, TP HCM và trụ sở công ty của Mao từ bao giờ đã trở thành địa điểm quen thuộc để nhiều nông dân gửi gắm hàng thanh lý. Nhiều loại rau quả được mang tới, từ dâu tây rớt giá chỉ còn 20.000 đồng/kg, khoai tây, khoai lang Nhật mất giá thảm 3.000-4.000 đồng/kg... Nhờ tài xoay sở của Mao và những người bạn, nhiều trường hợp, các loại nông sản này đã tìm được đầu ra và vị thế trên thị trường.
Năm 2014, công ty Trần Thị Mao nổi tiếng là địa chỉ tiêu thụ dâu tây trồng chậu nhiều nhất vùng. Mấy trăm ngàn chậu dâu từ đây đi khắp cả nước.
"Trước đó 1 năm, thấy người dân than khổ vì dâu ruộng mất giá chỉ còn chưa tới 20.000 đồng/kg, tôi gợi ý vài hộ bứng nguyên cây vào chậu làm cảnh bán thử. Không ngờ hàng được tiêu thụ mạnh, nhất là ở thị trường miền Bắc. Từ dịp Noel tới Tết nguyên đán 2014, nhiều hộ chủ động gieo thẳng hạt dâu vào chậu, chờ lớn thì gửi tôi bán hộ với lãi suất tương đương dịp trúng mùa, được giá", nhân vật hào hứng chia sẻ.
Dịp Tết 2014, Mao hợp tác cùng nhiều nhà vườn, xuất đi các tỉnh hàng trăm nghìn chậu dâu Tây với lãi suất cao ngang thời điểm dâu ruộng được giá. Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Thị Đức, chủ vườn dâu tại Đà Lạt cho biết, thứ quả "sang chảnh" này khi vào chính vụ vẫn rớt giá như thường, nhiều khi lãi không đủ bù lỗ chung cả mùa. Tuy nhiên, vụ Tết 2014, nhờ gửi dâu trồng chậu cho Mao bán, nhà cô Đức đã xuất được tới gần 1.000 chậu dâu với giá 30.000-35.000 đồng một gốc, lãi suất ngang thời điểm được giá.
Sau dâu tây, Trần Mao cùng Hoài Phương và các nhân viên tiếp tục giúp nông dân tiêu thụ hồng giòn, khoai tây, khoai lang. Kỷ lục gần nhất là hơn 5 tấn khoai ế được cô vận động người dân đào, lựa từng củ còn lành lặn, bán hết chỉ trong 2 tuần cuối tháng 3.
Bà Nguyễn Thị Sâm, chủ hộ trồng khoai tại Ea Kar (Đắk Lắk) cho hay, khoai lang Nhật được người dân trồng để bán cho các nhà máy chế biến lương thực trong vùng. Nhưng năm nay lượng nhập về của các mối mua gom quá ít, cả cánh đồng khoai mấy trăm tấn "ế trơ". Nhờ Mao vận động, nhiều hộ dân tại Ea Kar từng có ý định bỏ lại cả đồng khoai, đã cày xới để lựa chọn những củ lành đem bán, vớt vát phần nào vốn bỏ ra ban đầu.
Khoai bán tại ruộng chỉ 4.000 đồng/kg nhưng cộng thêm chi phí vận chuyển đi các tỉnh nên giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng đội lên 16.000-18.000 đồng/kg. "Giờ nhu cầu từ thị trường, khách hàng lớn mà nguồn khoai lại cạn. Do để quá lứa, khoai hư hỏng gần hết. Giá như mình có thêm nhân lực, làm được sớm hơn, người dân thu hoạch sớm hơn, có lẽ tình hình đã khác", Trần Mao trăn trở.
Vẫn tiếp tục thực hiện những vụ đi buôn "lỗ vốn nhưng lãi niềm vui", vừa nung nấu sớm xây dựng được "chợ nông sản online" cho nông dân Tây Nguyên, Trần Mao tự tin: "Khi mình làm được, nông dân quê mình sẽ hết nghèo kinh tế, nhiều người tiêu dùng tại một số tỉnh, thành sẽ không còn 'đói' thực phẩm sạch"