Nỗ lực trở lại cuộc sống bình thường
Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia tạm bỏ qua quy tắc sở hữu trí tuệ để đẩy nhanh quy trình sản xuất vắc-xin Covid-19.
Úc dần hướng đến cuộc sống bình thường giai đoạn trước đại dịch Covid-19 khi hoạt động khiêu vũ được nối lại tại các bang New South Wales và Nam Úc ngày 27-2, còn các sự kiện thể thao được diễn ra ở Victoria. Ba bang này, chiếm gần 2/3 trong tổng số 25 triệu dân của cả nước Úc, không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng ngày 27-2. Riêng New South Wales, bang đông dân nhất nước Úc, đã có 41 ngày liền không có ca nhiễm cộng đồng nào.
Đầu tuần này, Úc đã triển khai chương trình tiêm chủng, với khoảng 60.000 liều vắc-xin của hãng Pfizer-BioNTech được tiêm cho các đối tượng ưu tiên, gồm nhân viên y tế, kiểm dịch và lực lượng bảo vệ biên giới. Úc đặt mục tiêu chủng ngừa cho tất cả người dân vào tháng 10 tới.
Theo đài NHK World (Nhật Bản), chính phủ Nhật Bản có kế hoạch chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở 6 tỉnh Osaka, Kyoto, Hyogo, Fukuoka, Aichi và Gifu trong ngày 28-2 nhờ kết quả chống dịch tích cực. Tình trạng khẩn cấp vẫn có hiệu lực đến ngày 7-3 đối với Tokyo, Kanagawa, Saitama và Chiba. Dù tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh vẫn được áp dụng.
Bờ Biển Ngà nhận lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên (của AstraZeneca-Oxford) theo chương trình COVAX hôm 26-2 Ảnh: REUTERS
Cẩn trọng không kém, New Zealand cách ly chớp nhoáng thành phố lớn nhất nước là Auckland trong 7 ngày, bắt đầu từ rạng sáng 28-2, sau khi phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng mới chưa rõ nguồn gốc. Được đánh giá là quốc gia phát triển khống chế Covid-19 hiệu quả nhất thế giới, New Zealand hồi 2 tuần trước cũng phong tỏa gần 2 triệu cư dân Auckland trong 3 ngày sau khi một gia đình 3 người mắc biến thể virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh.
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã gia hạn các biện pháp phòng dịch ở thủ đô Manila đến cuối tháng 3 trong lúc chờ triển khai tiêm vắc-xin. Quyết định này được đưa ra sau khi Philippines ghi nhận hơn 2.650 ca mắc mới - mức tăng trong ngày cao nhất trong hơn 4 tháng qua. Philippines là quốc gia cuối cùng ở Đông Nam Á nhận lô vắc-xin đầu tiên trong ngày 28-2, gồm 600.000 liều của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc), sau đó ưu tiên tiêm cho các nhân viên y tế và quân đội.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 26-2 cảnh báo việc các quốc gia tự thỏa thuận thu mua vắc-xin với các công ty dược phẩm đang đe dọa nguồn cung cho chương trình COVAX toàn cầu. WHO từ lâu đã kêu gọi các nước giàu bảo đảm chia sẻ vắc-xin công bằng. Đến nay, tốc độ triển khai COVAX, nhằm cung cấp 1,3 tỉ liều vắc-xin cho các nước nghèo và thu nhập trung bình trong năm nay, đang chậm lại.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi các quốc gia tạm bỏ qua quy tắc sở hữu trí tuệ đối với các công cụ chống đại dịch Covid-19 để đẩy nhanh sản xuất vắc-xin. Đề xuất này sẽ được thảo luận tại cuộc họp của các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới vào tuần tới.
Với nỗ lực "phủ sóng" vắc-xin cho toàn dân, ủy ban tư vấn gồm các chuyên gia độc lập của Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ hôm 26-2 đã bỏ phiếu nhất trí đề nghị FDA cấp phép sử dụng vắc-xin một liều của hãng Johnson & Johnson. Dù khuyến nghị của hội đồng không mang tính ràng buộc nhưng FDA thường sẽ cân nhắc phê chuẩn. Theo đài NBC News, nếu vắc-xin của Johnson & Johnson được phê duyệt vào cuối tuần này như dự kiến, đây sẽ là vắc-xin Covid-19 thứ ba được cấp phép ở Mỹ, sau sản phẩm của Pfizer-BioNTech và Moderna.
Ưu điểm của vắc-xin Johnson & Johnson là chỉ cần tiêm một liều, đồng thời bảo quản được trong tủ lạnh thay vì tủ đông, giúp phân phối dễ dàng hơn so với vắc-xin của Pfizer-BioNTech và Moderna vốn cần 2 liều tiêm. Các kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 công bố trước đó cho thấy vắc-xin của Johnson & Johnson an toàn và có hiệu quả đến 72%. Johnson & Johnson dự kiến cung cấp 4 triệu liều ngay khi được phê duyệt, 20 triệu liều vào cuối tháng 3 và 100 triệu liều vào mùa hè.
Gói cứu trợ "khủng" của Mỹ đi tiếp
Tổng thống Joe Biden giành được thắng lợi lập pháp đầu tiên sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỉ USD vào rạng sáng 27-2 (giờ địa phương). Với thế đa số mong manh, Đảng Dân chủ đã đưa gói cứu trợ mang tên "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ" qua cửa Hạ viện với số phiếu thuận 219 so với 212 phiếu chống.
Kế hoạch này dự kiến rót tiền cho vắc-xin và các nguồn cung y tế khác, đồng thời chi cho một đợt hỗ trợ tài chính khẩn cấp mới mà các đối tượng thụ hưởng là hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và chính quyền cấp bang/địa phương, trong đó bao gồm 1.400 USD hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân, 400 USD/tuần hỗ trợ thất nghiệp liên bang cho tới ngày 29-8...
Phía Đảng Cộng hòa cho rằng nhiều nội dung trong gói cứu trợ mới không cần thiết và chỉ có 9% trên tổng số được chi trực tiếp cho cuộc chiến chống đại dịch vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 người Mỹ. Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy mô tả đó là "ném tiền đi một cách vô trách nhiệm".
Gói cứu trợ trên sẽ tiếp tục được bàn luận ở Thượng viện. Trong vai trò chủ tịch Thượng viện, Phó Tổng thống Kamala Harris có thể phân định kết quả tại cơ quan lập pháp cân bằng giữa 50 ghế Dân chủ và 50 ghế Cộng hòa này. Tuy nhiên, để đạt được kết quả mong muốn tại Thượng viện, phía Dân chủ có thể phải chấp nhận việc nội dung tăng lương tối thiểu bị tách khỏi dự luật nêu trên - vốn lần đầu tiên kể từ năm 2009 đề xuất nâng lương tối thiểu tính theo giờ trên cả nước Mỹ từ mức 7,25 USD lên 15 USD.
Nếu suôn sẻ đưa được dự luật cứu trợ Covid-19 lên bàn Tổng thống Biden vào giữa tháng 3, Đảng Dân chủ sẽ tiếp tục cuộc chiến gay go hơn để hỗ trợ các chính sách về nhập cư và biến đổi khí hậu của ông chủ Nhà Trắng.
Hải Ngọc