Những rủi ro của kinh tế toàn cầu trong năm 2022

Huệ Anh,
Chia sẻ

Làn sóng siêu lây nhiễm của biến chủng mới Omicron, lạm phát, các chính sách nới lỏng của FED... được cho là những tác nhân chính gây áp lực lên chính phủ các quốc gia.

COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nền kinh tế bằng những kịch bản khó đoán. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế toàn cầu thậm chí sẽ còn đứng trước nhiều rủi ro hơn nữa. Trong đó, làn sóng siêu lây nhiễm của biến chủng mới Omicron, lạm phát, các chính sách nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED, bất ổn ngành địa ốc Trung Quốc cùng cuộc khủng hoảng giá lương thực thực phẩm… được cho là những tác nhân chính gây áp lực lên chính phủ.

Biến chủng Omicron và làn sóng những đợt phong tỏa mới

Vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về biến chủng mới Omicron, song những cảnh báo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng biến thể này dễ lây lan hơn chủng Delta và có thể giảm hiệu quả vaccine ngừa COVID-19 đã khiến không ít người quan ngại.

Nếu biến chủng Omicron thực sự nguy hiểm như dự báo, nhiều đợt phong tỏa mới sẽ diễn ra. Khi đó, theo nhiều chuyên gia, chỉ cần 3 tháng phong tỏa cực nghiêm ngặt, tăng trưởng kinh tế 2022 sẽ tụt về mức 4,2%.

 - Ảnh 1.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, biến thể Omicron dễ lây lan hơn chủng Delta và có thể giảm hiệu quả vaccine ngừa COVID-19 (Nguồn: Telegragh)

Anh, quốc gia chuẩn bị tái áp đặt các lệnh phong tỏa, có lẽ là ví dụ điển hình nhất cho quy mô lây nhiễm trong cộng đồng của Omicron. Cảnh báo COVID-19 hiện tại từ mức 3 đã được quan chức phụ trách y tế của 4 vùng, bao gồm England, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland nâng lên mức 4 trong thang cảnh báo 5 cấp do số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng đột biến.

Trong ngày 12/12, Anh ghi nhận thêm 1.239 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên con số 3.137, tăng tới 65% so với ngày trước đó. Hôm nay, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng vừa xác nhận ca tử vong đầu tiên liên quan đến biến thể Omicron tại nước này, qua đó càng đánh lên hồi chuông cảnh báo hệ thống chăm sóc y tế bị gia tăng áp lực.

Tuy nhiên, nếu nhìn trên phương diện tích cực, các đợt phong tỏa mới sẽ "giữ chân" người dân ở trong nhà và khiến họ chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa và các đồ dùng thiết yếu. Điều này có thể kéo đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 5,1%.

Lạm phát

Đầu năm nay, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) dự báo, lạm phát Mỹ có thể sẽ đạt mục tiêu 2% trong dài hạn. Tuy nhiên, theo dữ liệu mới đây được Bộ Lao động Mỹ công bố, lạm phát nước này trong tháng 11 đã tăng lên mức 6,8%, ngưỡng cao nhất kể từ năm 1982.

 - Ảnh 2.

Chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng có thể kết thúc sớm hơn dự kiến ban đầu và việc nâng lãi suất trở lại có thể sẽ được triển khai sớm ngay trong quý I hoặc quý II/2022 (Nguồn: Financial Times)

Điều này khiến mục tiêu lạm phát 2% cho năm 2022 càng trở nên xa vời, khi mà nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi phục hồi về mức ổn định, lạm phát Mỹ sẽ tiếp tục tăng leo thang hơn nữa.

Khi đó, người tiêu dùng, đặc biệt là những hộ gia đình thu nhập thấp, sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu hàng ngày. Kế hoạch tăng lương cho người lao động và các chính sách hỗ trợ nền kinh tế cũng sẽ bị cản trở.

Để ngăn kịch bản này xảy ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED tuyên bố có thể sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm nỗ lực hỗ trợ kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng có thể kết thúc sớm hơn dự kiến ban đầu và việc nâng lãi suất trở lại có thể sẽ được triển khai sớm ngay trong quý I hoặc quý II/2022.

Ngay cả những quan chức trước đây nhấn mạnh ưu tiên tạo công ăn việc làm giờ đây cũng phát đi tín hiệu rằng FED nên cẩn trọng với nguy cơ lạm phát bởi đây không còn được coi là vấn đề "tạm thời".

 - Ảnh 3.

Việc FED nâng lãi suất và chuyển sang chính sách kinh tế thắt chặt lại có thể châm ngòi làn sóng rút vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, việc FED nâng lãi suất và chuyển sang chính sách kinh tế thắt chặt lại có thể châm ngòi làn sóng rút vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển. Hồi năm 2013 và 2018, các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất là Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 4,9%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý 3/2020, đồng thời giảm mạnh so với mức 7,9% của quý 2/2021. Nguyên nhân chủ yếu được cho là đến từ những nút thắt trong chuỗi cung ứng, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến COVID-19 cũng như tình trạng thiếu điện mới đây.

Những bất ổn trong lĩnh vực bất động sản vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng từ "cơn bão" Evergrande cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến người khổng lồ châu Á "hắt hơi". Bên cạnh đó, việc theo đuổi chính sách "Zero COVID" cũng khiến Trung Quốc hạn chế tiềm năng phục hồi của chính mình khi nhiều quốc gia bắt đầu tái mở cửa.

 - Ảnh 4.

Những bất ổn trong lĩnh vực bất động sản vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng từ "cơn bão" Evergrande là một trong những nguyên nhân chính khiến người khổng lồ châu Á "hắt hơi" (Nguồn: Reuters)

Đối với các đối tác thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sự giảm tốc này sẽ làm chậm đà phục hồi sau đại dịch COVID-19. Dự báo tăng trưởng các quốc gia khu vực như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Việt Nam ngay lập tức bị kéo hạ do có mối quan hệ mật thiết với kinh tế đại lục.

Theo phân tích, Hàn Quốc hiện là quốc gia nhạy cảm nhất với những biến động của kinh tế Trung Quốc. Ước tính nếu GDP Trung Quốc tăng thêm 1 điểm phần trăm, tốc độ tăng trưởng của "xứ sở kim chi" cũng sẽ tăng thêm khoảng 0,7 điểm phần trăm.

Bloomberg dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,7% trong năm 2022. Tuy nhiên, nếu con số này lùi về mức 3%, nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng vô cùng lớn khi các quốc gia xuất khẩu mất đi thị trường tiêu thụ tiềm năng.

Bất ổn hậu Brexit

Các rắc rối hậu Brexit được nhiều chuyên gia nhận định là "câu chuyện không hồi kết". Hơn 5 năm trôi qua kể từ khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, nước này và EU vẫn tiếp tục nhiều cuộc đàm phán về các điều khoản "ly hôn" đầy khó khăn và trắc trở. Vì vậy, 2022 sẽ lại là một năm chứng kiến không ít những khó khăn kéo dài.

 - Ảnh 5.

Các rắc rối hậu Brexit được nhiều chuyên gia nhận định là "câu chuyện không hồi kết" (Nguồn: Reuters)

Mới đây, sau khi Anh lên tiếng cảnh báo kích hoạt Điều 16, một điều khoản tự vệ trong Nghị định thư Bắc Ireland hậu Brexit, Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố dừng đàm phán với Anh về nới lỏng thuế quan đối với nhôm và thép.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu Anh tiếp tục có thêm nhiều cuộc đàm phán bị hoãn hủy như vậy, hoạt động đầu tư kinh doanh của nước này sẽ bị ảnh hưởng. Đồng bảng Anh bị phá giá, kéo theo lạm phát và đà lao dốc của thu nhập người lao động.

Các cuộc khủng hoảng tại Anh hậu Brexit, chẳng hạn như thiếu hụt tài xế xe tải, cũng được cảnh báo sẽ lan sang phần còn lại của châu Âu. Theo ông Frank Huster, Tổng Giám đốc Hiệp hội Giao nhận và Vận tải Liên bang Đức, Brexit chắc chắn sẽ tác động tiêu cực lên Vương quốc Anh cũng như ngành giao thông vận tải châu Âu nói chung.

Chính sách tài khóa thắt chặt

Chính phủ nhiều nước cho đến nay đã chi rất mạnh tay cho các gói kích thích lớn nhỏ nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong suốt cuộc khủng hoảng COVID-19. Chính vì vậy, sau khi dịch bệnh dần đi vào kiểm soát, những nước này sẽ có xu hướng "thắt lưng buộc bụng". Mức giảm chi tiêu công trong năm 2022 theo đó có thể sẽ tương đương 2,5% GDP toàn cầu, gấp 5 lần các chính sách "thắt lưng buộc bụng" vốn đã làm chậm đà phục hồi toàn cầu sau cuộc khủng hoảng hồi năm 2008.

 - Ảnh 6.

Thủ tướng Nhật Bản ông Fumio Kishida (Nguồn: Reuters)

Dĩ nhiên cũng một vài quốc gia ngoại lệ, chẳng hạn như Nhật Bản. Ngày 19/11, nước này đã thông qua gói kích thích kinh tế với giá trị kỷ lục 55.700 yen, tương đương 490 tỷ USD trích từ chi tiêu tài khóa để đối phó với những tác động kinh tế kéo dài hậu đại dịch. Theo Thủ tướng Nhật Bản ông Fumio Kishida, ước tính các biện pháp kích thích này sẽ giúp Nhật Bản tăng khoảng 5,6% GDP.

Khủng hoảng giá lương thực thực phẩm

Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực thế giới trong tháng 9 vừa qua đã chạm mức kỷ lục trong 10 năm, chủ yếu do đà tăng của giá ngũ cốc và dầu thực vật.

Năm nay, thời tiết xấu ảnh hưởng không hề nhỏ đến hoạt động thu hoạch nông sản trên khắp thế giới. Chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và tình trạng thiếu hụt lao động hậu COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực lên chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, từ trang trại đến siêu thị.

 - Ảnh 7.

Giá lương thực thế giới trong tháng 9 vừa qua đã chạm mức kỷ lục trong 10 năm (Nguồn: Bloomberg)

Điều này tạo áp lực lớn lên hóa đơn chi tiêu của nhiều hộ gia đình vốn đã rất chật vật do COVID-19. Nỗi lo lạm phát của các ngân hàng trung ương cùng nguy cơ trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu theo đó được đẩy lên một nấc trong năm 2022.

Chia sẻ