Những loại rau "tắm" hóa chất cực độc mướt mắt chị em

Bạch Dương (TH),
Chia sẻ

Không chỉ tẩm ướp hóa chất cho thịt để bắt mắt người tiêu dùng, những loại rau, củ quả, thậm chí dùng để ăn sống cũng bị người bán tẩm hóa chất độc hại để có màu xanh mướt, đánh lừa người mua.

Rau muống ngâm nước thải, “ướp” thuốc độc ở Hà Nội

Rau muống là món ăn thông dụng trong thực đơn của hầu hết các gia đình vào mùa hè. Nắm được nhu cầu của người tiêu dùng, rau muống được trồng ngày càng nhiều ở vùng ven Hà Nội, thành những vựa rau lớn tại các khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, do rau muống dễ mắc nhiều loại sâu bệnh, dễ “xuống sắc”, nên các hộ trồng rau không ngần ngại phun các loại thuốc trừ sâu cực độc, “ướp” thêm hóa chất để rau xanh mướt, mềm và "hút" mắt người mua.

Những loại rau
Những ruộng rau liên tục được phun thuốc sâu và thuốc mỡ lá (Nguồn: Pháp luật)

Tìm đến một vùng chuyên canh rau lớn nhất  quanh khu vực Gia Lâm, người dân cho biết: “Rau muống ở đây người ta toàn phun thuốc, giờ rau rẻ rồi nên cũng ít phun hơn…”. Những loại thuốc được nói đến ở đây có lẽ chính là những loại thuốc mà vỏ hộp được vứt ngổn ngang quanh các khu ruộng với những dòng khuyến cáo in đậm trên bao bì “cực độc”, “cực mạnh”, “độc cao”… với thời gian cách ly trước khi thu hoạch tối thiểu phải 7-15 ngày: Apphe.666, Anvado 100Wp, Nimaxon 200SL, Amico, Catex 1.8Ec… Điều đáng chú ý hơn là, tất cả những mẫu thuốc trên đều là loại thuốc chỉ sử dụng để trị bệnh cho lúa, trong khi thời gian chờ thu hoạch cho rau lại… chưa đầy 1 tuần, đối với thuốc mỡ lá, xạnh ngọn là… 2-3 ngày.

Những loại rau
Những ruộng rau muống được "nuôi" bằng thứ nước cống rãnh đen kịt (Nguồn: Pháp luật)

Ngoài ra, người dân nơi đây còn “nuôi” rau muống bằng rãnh nước đen kịt, xám ngắt, lềnh bềnh nổi vô số cặn váng không thể bẩn hơn. Khi được tưới bằng thứ nước bẩn này, lúc cây chưa chuyển hóa hết chất hữu cơ, rau dễ bị nhiễm các chất kim loại nặng và nitrat. Sự dư thừa các chất này không những có hại cho cây mà còn gây nguy cơ ung thư cao cho người dùng. Vậy nhưng với người trồng rau thì: “Rau tưới bằng nước này càng tốt, càng nhanh lên chứ sao…”.

Dưa chuột, đậu cove bị tưới thuốc sâu nhiều hơn nước

Đậu cove, dưa chuột là một trong những loại rau của được liệt vào danh sách tồn dư hóa chất độc hại rất lớn.

Mặc dù biết đến sự độc hại của các hóa chất đối với sức khỏe con người, nhưng vì lợi nhuận trước mắt, đa số người trồng dưa, đậu cove cũng như các loại rau củ quả khác vẫn phun rất nhiều loại hóa chất chống sâu bệnh, kích thích tăng trưởng và chất bảo quản để thực phẩm bán ra trông bắt mắt hơn.

Những loại rau
Dưa chuột...

Những loại rau
và đậu cove là 2 loại thực phẩm thường xuyên phải "ăn" thuốc nhất - (Ảnh minh họa)

Theo một số nông dân ở Hoài Đức, Hà Nội thì với dưa chuột, đậu cove, cứ vài hôm người trồng lại phải phun thuốc trừ sâu một lần, nếu không phun thì sâu sẽ tàn phá hết. Thậm chí có khi hôm trước phun, hôm sau đã thu hoạch để mang ra chợ bán, vì vậy dư lượng thuốc trừ sâu sẽ không kịp phân giải mà có thể ngấm vào bên trong qua lớp vỏ rất mỏng của quả.

Đặc sản su su “tắm” thuốc kích thích

Tam Đảo – Vĩnh Phúc (Hà Nội) là vùng trồng su su lớn nhất miền Bắc. Rau su su nơi đây nổi tiếng ngon, giòn, xanh mướt.

Những loại rau

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do lợi nhuận lớn trước mắt,  không ít hộ trồng rau su su trên địa bàn huyện Tam Đảo – Vĩnh Phúc đã chẳng ngần ngại gì khi phun, tưới chất kích thích hàng ngày mà theo họ có thể giúp đặc sản rau su su có ngọn non, mập, bóng đẹp với tốc độ phát triển chóng mặt, dài đến cả chục cm mỗi đêm.

Những loại rau
Những vỏ thuốc hóa chất vứt đầy quanh ruộng rau - (Nguồn: VEF.vn)

Để kích thích sinh trưởng vươn ngọn, bật chồi nhanh giúp cho rau tăng năng suất, nhiều hộ dân thường mua các loại thuốc kích thích có hoạt chất trong nhóm lân hữu cơ như: profenofos, chlorpyrifos methyt, chlorpyrifos ethyl.... Những hoạt chất này thường được khuyến cáo hạn chế sử dụng trên rau, bởi thời gian cách ly 10-15 ngày mới được thu hoạch. Tuy nhiên, một người bán thuốc ở địa phương cho hay, loại thuốc người trồng dùng phun là thuốc không độc hại, phun hôm trước, hôm sau có thể cắt rau bán bình thường.

Giá đỗ đẹp ủ từ đậu xanh Trung Quốc và hóa chất lạ


Để những cọng giá ăn (làm từ đậu xanh) không rễ, mập mạp, trắng đẹp bắt mắt..., người làm giá không ngần ngại sử dụng hóa chất từ khâu đầu đến khâu cuối.

Những cọng giá tròn lẳn, thân trắng nõn, ít rễ là giá được ngâm ủ qua một công nghệ "kinh dị": Khi hạt đỗ nảy mầm, người ta dùng phân bón lá trộn với các loại thuốc trừ sâu, đem pha loãng tưới lên mầm giá rồi ủ kín, thuốc có tác dụng thúc giá đỗ nảy mầm nhanh và phát triển hơn bình thường.

Sáng 7/5 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Phòng y tế, Cảnh sát môi trường- Công an quận Tân Phú, TP.HCM và các cơ liên quan... đã bất ngờ kiểm tra, bắt quả tang 2 cơ sở sản xuất giá không có giấy phép đăng ký kinh doanh, sử dụng hóa chất không có trong danh mục trong quá trình sản xuất giá ăn.

Những loại rau
Số hóa chất tăng trưởng dạng tuýp mà đoàn liên ngành thu được tại 2 cơ sở sản xuất giá - (Nguồn: Lao Động)

Tại hai cơ sở trên, đoàn kiểm tra đã bắt quả tang việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất tăng trưởng không có nguồn gốc, xuất xứ. Những người làm việc tại 2 cơ sở này khai rằng, số hóa chất tăng trưởng trên mua từ một đầu mối chuyên cung cấp hóa chất tăng trưởng cho giá và các loại rau mầm. Tác dụng của loại thuốc này- theo lời khai của các cơ sở vi phạm- là để không cho giá mọc rễ, lá, làm cho giá đẹp hơn và dễ tiêu thụ.

Những loại rau
Những bao đỗ xanh tại cơ sở 35/47 do ông Đỗ Văn Quân làm chủ - với những chữ Trung Quốc màu đỏ trên bao bì - bị đoàn liên ngành tạm giữ - (Nguồn: Lao Động)

Về nguyên liệu là loại đỗ xanh có nguồn gốc từ Trung Quốc, họ khai cũng mua từ mối quen với giá từ 1,9 triệu đến 2 triệu đồng một bao loại 50kg. Theo họ, chỉ có loại đỗ xanh này mới làm giá được, loại đỗ xanh trong nước không làm được do thân giá rất ốm, khó bán.

Hóa chất độc hại và hậu quả khôn lường

Theo TS Nguyễn Thị Nhung, Trưởng Bộ môn thuốc, cỏ dại, môi trường Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), nếu người trồng rau sử dụng thuốc kích thích quá độc, liều lượng cao, gần ngày thu hoạch, không đảm bảo thời gian cách ly thì dư lượng thuốc còn lại trong rau sẽ vượt quá mức cho phép, gây ngộ độc cho người tiêu dùng, kể cả với các loại thuốc kích thích sinh học.

Bà Nhung nói: "Tùy theo mức độ tồn dư thuốc trong rau mà người dùng có thể bị ngộ độc cấp tính với các biểu hiện như buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy... hoặc sẽ bị ngộ độc mãn tính, lâu dần tích tụ lại các cơ quan nội tạng, đủ lượng sẽ gây ra các loại ung thư nếu dư lượng ở mức thấp".

Đó là chưa kể tới những loại thuốc nằm trong danh mục cấm, có nguồn gốc từ Trung Quốc... vẫn được người dân mua về sử dụng để phun lên rau vì giá rẻ, lại có tác dụng song song trong việc kích thích rau phát triển cũng như trừ được sâu bệnh. Những loại thuốc này vô cùng nguy hiểm, gây độc mạnh hơn và nhanh hơn vì nó thường chứa hoạt chất methamdophos như thuốc monitor 50EC nhưng lại có tác dụng mạnh nên được người dân ưa chuộng.
Chia sẻ