Những khoảnh khắc "LỊCH SỬ" thời Covid cực nghẹn ngào mà 10, 20 năm nữa chắc chắn phải một lần kể cho con cháu
Đó là những câu chuyện chỉ xảy ra vào thời dịch Covid-19...
Khúc nhạc từ Saxophone của nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 3 và 6 (Q.2, TP.HCM), trước sự chứng kiến của hàng trăm nhân viên y tế, đội ngũ y bác sĩ, đó có lẽ là sân khấu nhớ đời với nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn. Chưa bao giờ người ta được nhìn thấy nhiều thứ "kỳ lạ" diễn ra ở Sài Gòn đến thế.
Hãy kể cho những thế hệ sau nghe rằng, bạn chưa được nhìn thấy cả một đoàn xe máy, chẳng ai quen biết ai lại nối đuôi nhau, được cảnh sát giao thông hộ tống cùng mục đích về quê tránh dịch; sau 18h mỗi ngày Đại lộ Đông Tây im bằn bặt, tiếng xe máy của lực lượng làm nhiệm vụ vang xa hàng trăm mét vẫn nghe được, hay là những cái bắt tay không chỉ để... bắt tay nữa.
Trong Bệnh viện dã chiến, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thổi nên tiếng Saxophone nghẹn ngào...
CẢNH SÁT GIAO THÔNG HỘ TỐNG NGƯỜI LAO ĐỘNG VỀ QUÊ
Cực xúc động cảnh sát hộ tống người dân rời TP.HCM để về quê sum họp gia đình với tinh thần "không một ai bị bỏ lại phía sau"! Và hai từ Việt Nam vào lúc này khiến chúng ta tự hào hơn bao giờ hết. Nguồn: Hanh Võ
Dám chắc rằng hơn chục năm sau, cảnh tượng này vẫn làm người ta nổi da gà từng trận. Chưa bao giờ thấy cảnh tượng nào trên đường phố xúc động và hoành tráng đến thế.
Công nhân, người lao động được "hộ tống" qua khỏi vùng đang thực hiện Chỉ thị 16, toàn bộ quá trình di chuyển không được dừng lại và không được tạt qua bất kỳ điểm nào. Trước khi xuất phát, họ phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính. Chuẩn bị sẵn xăng dầu với tinh thần không được xảy ra bất kỳ sự cố nào giữa đường đi.
HỌ ĐÃ MẶC ÁO MƯA NGAY CẢ KHI TRỜI NẮNG
Tưởng chừng việc mặc áo mưa ra đường khi trời nắng rất kỳ quái và sẽ phải đối diện hàng trăm ánh mắt khó hiểu của mọi người. Thế nhưng, vào thời Covid, ở Sài Gòn người ta thấy những việc ấy là chuyện bình thường, áo mưa được trưng dụng thay cho những bộ đồ bảo hộ.
Thậm chí việc mặc áo mưa ra đường vào thời điểm này còn được cổ vũ bởi vì tiết kiệm được đồ bảo hộ, sáng tạo, có ý thức chống dịch cao,...
NHỮNG CÁI BẮT TAY "KHÔNG CHỈ ĐỂ BẮT TAY"
Trước đây nhiều người phải học cách bắt tay làm sao cho đúng chuẩn mực, nhưng vào thời Covid-19, không bắt tay mới là lịch sự! Chuẩn mực của văn hoá không còn là các cử chỉ ôm ấp, nắm tay, bắt tay, choàng vai, mà nó được thay thế bằng khoảng cách, giữ khoảng cách chính là biểu đạt của sự quan tâm mà người ta dành cho người đối diện.
Covid-19 đã làm thay đổi cách người ta giao tiếp với nhau. Những cái "cụng" khuỷu tay trong cuộc gặp gỡ giữa các chính trị gia đã trở thành niềm cảm hứng cho cộng đồng, cho xã hội.
Hơn cả một cái bắt tay, việc "cụng" khuỷu tay là một tinh thần văn minh, theo tôn chỉ hạn chế việc tiếp xúc đến mức tối đa và vẫn giữ được sự chân thành với những người đối diện.
TIẾNG XE MÁY HIẾM HOI TRÊN ĐẠI LỘ ĐÔNG TÂY SAU 18H
"Hàng chục năm ở Sài Gòn, lần đầu tiên trong đời thấy cảnh này", một người nói khi nhìn qua hình ảnh từ camera giám sát, đồng hồ điểm 18h15 phút, đường phố không một bóng người. Vắng đến nỗi, xe tuần tra đi qua, âm thanh có thể vọng lại đến hơn chục giây dù đã hun hút tự bao giờ.
Tại kỳ họp mở rộng thảo luận các biện pháp hạn chế mức độ lây lan dịch bệnh của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đưa ra quyết định, tính từ ngày 26/7, vào khoảng thời gian 18h - 6 giờ sáng hôm sau ngoài trường hợp cấp cứu và lực lượng tuần tra làm nhiệm vụ, bất kỳ một ai cũng không được ra đường. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuyến Đại Lộ Đông Tây – con đường huyết mạch nối từ trục Đông đến trục Tây thành phố tối ngày 26/7 im bặt. Vào lúc ấy người ta nhìn thấy từ camera giám sát, "thành phố không ngủ" cuối cùng cũng đã có lúc "nghỉ ngơi".
THUẬN KIỀU PLAZA "SÁNG ĐÈN" SAU 10 NĂM HOANG VẮNG
Hơn chục năm bỏ hoang, Thuận Kiều Plaza (The Garden Mall hiện tại) nằm trên đường Hồng Bàng, Quận 5 bỗng "sáng đèn" vào đúng thời điểm thời Covid-19.
Cụ thể, chỉ sau 11 ngày thi công, Bệnh viện dã chiến thu dung số 5 tại Thuận Kiều đã được Chủ đầu tư (Công ty CP An Đông) bàn giao cho thành phố để đưa vào sử dụng kịp thời với 1.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thông tin về Thuận Kiều Plaza sau đó liên tục xuất hiện trên các mặt báo. Thuận Kiều được Công ty CP An Đông của bà Trương Mỹ Lan mua lại từ năm 2015. Mặc dù đã trở thành một trong những trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất quận 5 - The Garden Mall, nhưng ngoài phân Khu nhà hàng, tổ chức sự kiện; Trung tâm thương mại, thì hiện phân khu căn hộ dịch vụ với hơn 600 căn vẫn còn đang trong thời gian chờ cải tạo.
Thuận Kiều vào thời Covid-19 đã mang đến rất nhiều hi vọng khởi sắc sau khoảng thời gian bị bỏ quên bởi những lời đồn.
NHỮNG ĐÁM CƯỚI KHÔNG CÓ KHÁCH MỜI - Ừ THÌ CÓ SAO ĐÂU, LÚC NÀY TA ĐƯỢC BÊN NHAU ĐÃ LÀ TRỌN VẸN
Nếu chưa từng chứng kiến những đám cưới không có khách mời thì ở thời Covid-19 người ta lại có cơ hội được nhìn thấy điều ấy.
Vẫn là đầy lễ nghi, nhưng vắng bóng hàng xóm, láng giềng, bà con thân thuộc.
Thay vì tổ chức tại nhà hàng như kế hoạch đã định, người nhà lại là F1, chung cư gia đình bị phong tỏa. Ấy thế mà thay vì huỷ, cô dâu - chú rể cùng cả gia đình gọi điện cho nhau, bàn bạc về cách tổ chức online.
Vì ngày đã định là một ngày đặc biệt, không muốn bỏ lỡ nên cô dâu chú rể lên lịch trình thuê đồ, đặt mâm ngũ quả online, cách trang điểm cũng trở nên đơn giản hơn truyền thống. Cứ như vậy mà cả gia đình được dặn từ trước, vào đúng giờ khắc, ai nấy đều chỉn chu ngồi trước màn hình và gửi lời chúc cho cô dâu, chú rể.
KỲ THI TỐT NGHIỆP ĐI VÀO "LỊCH SỬ"
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngày 5/8, lãnh đạo UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND quận, huyện tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn cho kỳ thi, trong đó đặc biệt nhất là các thí sinh dự thi đều phải đeo khẩu trang khi đi đến và rời khỏi điểm thi, trong thời gian ở tại điểm thi, bước vào phòng thi.
CÁC DOANH NGHIỆP CHUYỂN MÌNH CHO KỊP "THỜI ĐẠI SỐ"
Dịch Covid-19 đã gây tác động lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh. Chưa bao giờ người đi đường nhìn thấy nhiều biển hiệu, băng rôn rao cho thuê, bán, nhượng lại mặt bằng nhiều đến như thế.
Ở một số con phố nổi tiếng Sài Gòn nay đã "vắng bóng" sự náo nhiệt, bon chen. Trên khắp các trang mạng xã hội, thông tin về mặt bằng cho thuê ngập ngụa. Nhiều mặt bằng đã treo biển hằng tháng từ mùa dịch trước đến nay nhưng vẫn không tìm được khách thuê mới.
NHỮNG TALK SHOW MÀ NGƯỜI THAM GIA ĐỀU ĐEO MẶT NẠ BẢO HỘ
Hình ảnh được lấy từ chương trình Vợ Chồng Son được thực hiện bởi công ty MCV phát sóng trên kênh truyền hình HTV7.
Nếu như trước đó người ta chỉ mang "kính bảo hộ" khi ra đường thì nay lại khác, kính bảo hộ được tận dụng ngay cả trên sóng truyền hình như một nét văn hoá, lịch sự và quan tâm lẫn nhau.
Trên chương trình Vợ Chồng Son (MCV), nhiều người được dịp bất ngờ khi chứng kiến MC Hồng Vân - MC Quốc Thuận và 2 khách mời đồng loạt mang kính bảo hộ chống giọt bắn. Những điều tưởng chừng như nhỏ nhoi ấy lại là cả một sự quan tâm với người đối diện, nghĩ sâu xa hơn đó còn là những khắc hoạ rõ nét về một đại dịch phức tạp đang diễn ra trong toàn xã hội.
KHI VÀNG BẠC CHẲNG BẰNG... MỘT TỜ PHIẾU ĐI CHỢ
Nhằm hạn chế số lượng, tần suất đi lại của người dân vào thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều quận huyện ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội vừa đồng loạt phát phiếu đi chợ cho người dân. Phiếu được chia theo ngày: chẵn và lẻ.
Các siêu thị bán thực phẩm cũng phải áp dụng hình thức này, chỉ phục vụ những người có phiếu đi chợ. Theo quy định, người dân phải mua sắm theo khung giờ tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi...
Lần đầu tiên trong lịch sử, khắp cõi mạng đồng loạt khoe tờ phiếu đi chợ, ai nấy đều hào hứng, có người còn chắc nịch rằng: "Thời này có phiếu đi chợ là hơn cả có vàng đấy".
XẾP HÀNG LÊN XE BUÝT... MUA RAU
Đúng 9h30 sáng, chiếc xe buýt chở rau dừng lại số 27 đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Như được sắp xếp sẵn, người dân khu vực này từ tốn, lần lượt xếp hàng theo sự hướng dẫn của bác tài xế và một nhân viên khác. Trên xe, người phụ nữ phụ trách việc bán rau sắp xếp và bày biện rau để người dân dễ chọn lựa. Rau ra rau, củ ra củ, chúng nằm gọn gàng trên xe như đang ở... siêu thị.
Xe buýt chở rau lưu động phục vụ người dân theo đúng tinh thần của Chỉ thị 16 và nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Đây là lần đầu tiên người Sài Gòn ở nhà vẫn có thể mua rau và mua rau theo một cách rất đặc biệt.