Những cơ sở sản xuất "thần dược" thực chất chỉ có… vài máy nghiền, máy dập viên

DUY TIẾN,
Chia sẻ

Trong số hơn 1.000 cơ sở chuyên sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) ở nước ta hiện nay, phần lớn có quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp chỉ có một phòng tại khu tập thể, trang bị vài máy dập viên, máy nghiền... nhưng cũng sản xuất ồ ạt và quảng cáo sản phẩm như thần dược.

Những cơ sở sản xuất thần dược thực chất chỉ có… vài máy nghiền, máy dập viên - Ảnh 1.

Nhiều cơ sở sản xuất TPCN chỉ thuê một phòng nhỏ, máy móc gần như không có gì

Ngày 26-9, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế đưa thông tin cảnh báo cho biết, ở giai đoạn đầu khi có thực phẩm bảo vệ sức khỏe (gọi chung là TPCN), phần lớn sản phẩm phục vụ thị trường trong nước đều nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên đến nay, sản phẩm sản xuất trong nước đã chiếm ưu thế, với 65% đến 70% TPCN trên thị trường.

Lãnh đạo Cục ATTP nhấn mạnh, sự phát triển của thị trường và nền sản xuất TPCN trong nước là tín hiệu tích cực, song vấn đề là sự phát triển về số lượng không đi cùng với chất lượng, gây ra tình trạng bát nháo.

Thống kê của Cục ATTP cho thấy, cả nước hiện có hơn 1.000 cơ sở chuyên sản xuất TPCN. Song qua kiểm tra thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp sản xuất có quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ có một phòng tại khu tập thể, lắp điều hòa, trang bị vài máy dập viên, máy nghiền cũng là cơ sở sản xuất TPCN; thậm chí nhân lực tham gia sản xuất còn không có chút kiến thức chuyên ngành nào...

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP nhấn mạnh, sản xuất trong điều kiện như vậy cho nên chất lượng TPCN chắc chắn không bảo đảm, quyền lợi của người tiêu dùng chắc chắn bị ảnh hưởng. Hơn nữa, thực trạng này còn tạo ra mất công bằng trong hoạt động thương mại giữa chính các cơ sở sản xuất TPCN.

Trước thực trạng đó, Nghị định 15/2018/NÐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật ATTP đã quy định, từ ngày 1-7-2019, tất cả các cơ sở sản xuất sản TPCN phải đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) thì mới được tiếp tục sản xuất, nếu không sẽ phải đóng cửa. Dự kiến trong hàng nghìn cơ sở sản xuất TPCN trên cả nước hiện nay, đến 1-7-2019, chỉ có khoảng 200-300 cơ sở đạt GMP.

Ông Phong cho biết thêm, để giúp doanh nghiệp thực hiện lộ trình đạt tiêu chuẩn GMP, Cục ATTP đã thành lập tổ tư vấn, hướng dẫn và trực tiếp thẩm định. Tổ công tác đang phối hợp với các hiệp hội và địa phương để tập huấn cho doanh nghiệp về lĩnh vực này.

https://anninhthudo.vn/doi-song/nhung-co-so-san-xuat-than-duoc-thuc-chat-chi-co-vai-may-nghien-may-dap-vien/784269.antd

Chia sẻ