Nhốn nháo 'chợ cóc, chợ tạm' lấn chiếm vỉa hè cuối năm
Trên nhiều tuyến đường của Hà Nội la liệt các “chợ cóc, chợ tạm” mọc lên. Việc lấn chiếm vỉa hè dịp Tết diễn ra liên tục còn khiến cho nhiều tuyến đường liên tục ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tạo điều kiện để người dân mua sắm hoa cây cảnh, đào, quất chơi Tết Canh Tý, UBND Thành phố Hà Nội cho phép tổ chức 51 điểm chợ hoa Xuân trên địa bàn TP Hà Nội đồng thời đảm bảo văn minh đô thị không gây ùn tắc giao thông trên các tuyến phố trong những ngày cận Tết.
Tại lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2019 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân 2020, UBND thành phố giao Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra các vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố.
Dù vậy, việc xử lý vi phạm vẫn chỉ như “bắt cóc, bỏ đĩa”.
Phố Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) tuy không phải giờ cao điểm nhưng tuyến phố vẫn bị ùn tắc. Nguyên nhân là gần như tất cả các cửa hàng quần áo bên dãy số lẻ phố Chùa Bộc đều mang giá treo, quần áo ra vỉa hè bày bán.
Những biển hiệu giảm giá thu hút người tiêu dùng, nhiều người bỏ xe ở lòng đường vào mua hàng khiến lòng đường càng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Giờ cao điểm, đường Nguyễn Trãi (Hà Đông) cũng ùn ứ vì người mua, người bán ở các "chợ cóc". Nhà ga Cát Linh - Hà Đông chưa đưa vào sử dụng cũng trở thành "chợ đào, quất" dịp Tết. Khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm) cũng tình trạng lấn chiếm vỉa hè...Trần Hoàng