Nhìn thấy con cứng đờ người, mắt trợn lên, miệng co giật, người mẹ này mới thấm thía bệnh cúm A nguy hiểm đến thế nào

N. Thúy,
Chia sẻ

Mới đây, một người mẹ đã đau khổ chia sẻ trên mạng xã hội những gì diễn ra với một trong những đứa con thân yêu của cô. Cậu bé bị nhiễm virus cúm A, bệnh nặng đến nỗi dẫn đến co giật.

Không chỉ đang là dịch đe dọa sức khỏe nhiều người ở Việt Nam, virus cúm A cũng đang hoành hành ở các nước khác, trong đó có Malaysia. Trẻ nhỏ, người có sức đề kháng, miễn dịch kém là những đối tượng dễ bị lây cúm A hơn cả. Mới đây, một người mẹ người Malaysia đã đau khổ chia sẻ trên mạng xã hội những gì diễn ra với một trong những đứa con thân yêu của cô. Cậu bé bị nhiễm virus cúm A, bệnh nặng đến nỗi dẫn đến co giật, còn cha mẹ cậu bé thì cuống cuồng chạy khắp nơi để mua thuốc vì nhiều nơi không còn hàng.

Nhìn thấy con cứng đờ người, mắt trợn lên, miệng co giật, người mẹ này mới thấm thía bệnh cúm A nguy hiểm đến thế - Ảnh 1.

Trong bài đăng của mình, cô nói rằng sự việc bắt đầu vào ngày 8/1. Khi đưa 2 con trai đến trường, chúng vẫn khỏe mạnh. Nhưng đến 4h30 chiều cùng ngày, ác mộng của cô mới bắt đầu. Giáo viên của con trai cô đã gọi điện cho cô nói rằng chân của cậu bé Eiyad - con trai cô - đau đến nỗi cậu bé không thể đi bộ.

Nhìn thấy con cứng đờ người, mắt trợn lên, miệng co giật, người mẹ này mới thấm thía bệnh cúm A nguy hiểm đến thế - Ảnh 2.

Đưa con về nhà nhưng vì con bị sốt cao nên vợ chồng cô đã đưa Eiyad đến phòng khám. Tuy nhiên, thuốc không có hiệu quả vì đến ngày hôm sau cậu bé vẫn còn sốt. Quá lo lắng, cô đã đưa Eiyad đến một phòng khám khác và các xét nghiệm cho thấy con dương tính với Cúm A. Những điều đáng nói là phòng khám đã hết thuốc.

"Tôi rất lo lắng vì còn 1 đứa con 4 tháng tuổi ở nhà nhưng tôi vẫn mạnh mẽ và chúng tôi đã thảo luận về những gì nên làm với bác sĩ. Thế nhưng, tôi rất ngạc nhiên khi bác sĩ nói rằng họ đã hết thuốc cúm. Chúng tôi bắt đầu gọi tất cả các phòng khám và bệnh viện khác nhau để tìm kiếm loại thuốc cần thiết".

May mắn thay, cuối cùng vợ chồng cô cũng mua được thuốc cúm cho con trai. Họ đưa con về nhà và cuối cùng cũng ổn định được một chút. Nhưng rồi vào lúc 10 giờ tối, bất ngờ Eiyad bị một cơn động kinh.

"Chồng tôi hét lên vì hoảng loạn và tôi vội chạy đến thì thấy Eiyad đang trong vòng tay bố. Eiyad cứng đờ, mắt trợn lên và miệng co giật. Chúng tôi cố gắng hét to tên con và cố gắng giữ cho nó tỉnh táo. Chúng tôi đưa con vào phòng tắm để lau người. Tôi cũng phải dùng ngón tay để ngăn con cắn vào miệng và tôi đã gọi bác sĩ để được hướng dẫn phải làm gì. Cô ấy bảo chúng tôi dùng một cái thìa bọc trong một miếng vải dày thay vì ngón tay của tôi và gọi xe cứu thương", người mẹ đau viết.

Sau chưa đầy 10 phút, Eiyad bắt đầu tỉnh lại mặc dù rất yếu. Xe cứu thương đến ngay sau và đưa cậu bé đến Bệnh viện Kajang. Cuối cùng người mẹ cũng có thể thở phào nhẹ nhõm vì Eiyad đã an toàn.

Kết thúc bài chia sẻ của mình, người mẹ này cũng không quên khuyên mọi người cần đưa con đi tiêm vắc-xin cúm để tránh điều này xảy ra. Cô cũng kêu gọi các phụ huynh khác cảnh giác và không cho con đến trường nếu con họ cảm thấy không khỏe bởi có thể lây nhiễm cho những đứa trẻ khác.

Bài đăng của cô đã lan truyền với hơn 10.000 lượt chia sẻ. Và chắc chắn đây sẽ là bài học cho rất nhiều bậc cha mẹ còn đang chủ quan với căn bệnh cúm A.

Nhìn thấy con cứng đờ người, mắt trợn lên, miệng co giật, người mẹ này mới thấm thía bệnh cúm A nguy hiểm đến thế - Ảnh 4.

Cách nhận biết một người bị cúm A

Cúm A là một trong 3 tuýp do virus gây ra là A, B và C, trong đó virus cúm A hay gây đại dịch. Các chủng virus có thể thay đổi hàng năm.

Các triệu chứng điển hình của cúm A bao gồm

- Bệnh nhân sẽ bị sốt trên 38 độ C, rét run, đau họng, ho, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ớn lạnh, cơ thể đau nhức cơ - khớp, mệt mỏi.

- Một số người còn có triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.

- Nặng hơn sẽ dẫn đến tình trạng khó thở, viêm phổi.

Bệnh cúm A lây truyền từ người sang người, và nhanh chóng bùng phát thành dịch, diễn biến lâm sàng đa dạng, có nhiều trường hợp nặng, tiến triển nhanh, dễ dẫn tới tử vong.

Triệu chứng cúm A rất dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Để phân biệt bị cúm A hay nhiễm cúm thông thường, cách tốt nhất là làm xét nghiệm dịch mũi họng. Hãy đến cơ sở y tế uy tín để khám ngay khi bạn có các triệu chứng nghi ngờ kể trên, đặc biệt là khi đang có mùa dịch cúm A.

Các con đường lây nhiễm cúm A

Virus cúm A/H1N1 có thể lây truyền từ người sang người theo những con đường sau:

- Lây theo đường hô hấp: Qua đường dịch tiết, giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi văng bắn ra ngoài môi trường...

- Lây theo đường tiếp xúc: Khi vô tình chạm tay vào các bề mặt các đồ vật thường ngày có chứa virus, sau đó lại chạm vào mắt, mũi, miệng, là nơi vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể.

Phải làm gì khi nghi ngờ mắc cúm A?

Khi nghi ngờ mắc cúm A, cần làm những việc sau:

- Thực hiện xét nghiệm: Cần làm xét nghiệm để xác định có phải cúm A hay không, nhất là đang trong đợt dịch.

- Cách ly: Hãy ở nhà ít nhất là 24 giờ sau khi hết sốt (không sử dụng thuốc giảm sốt). Không đến những nơi đông người như trường học, siêu thị... để tránh lây bệnh cho người khác.

- Uống thuốc theo chỉ định: Dự trữ thuốc theo đơn của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều mà bác sĩ đã kê.

- Vệ sinh không gian sống: Đối với đồ dùng, quần áo, vải lanh của người bệnh cần rửa sạch, tiệt trùng. Tách riêng đồ dùng của người bệnh để phòng tránh lây lan.

Nhìn thấy con cứng đờ người, mắt trợn lên, miệng co giật, người mẹ này mới thấm thía bệnh cúm A nguy hiểm đến thế - Ảnh 6.

Cúm A là căn bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của bạn và gia đình. Trong thời gian gần đây, căn bệnh này cũng đang "hoành hành" và trở thành dịch ở nước ta. Tổng cục Thống kê cũng công bố có 409.800 trường hợp mắc cúm trên cả nước trong năm qua tính đến hiện tại. Trong đó có 10 trường hợp tử vong và số người mắc bệnh cúm tăng cao trong thời điểm hiện nay.

Tamiflu là loại thuốc kháng virus giúp ngăn chặn các tác động của các loại virus cúm A. Chính vì vậy, với tình trạng dịch cúm A có diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều người dân đã tự ý mua thuốc Tamiflu về sử dụng tại nhà không được bác sĩ kê đơn. Điều này dẫn đến chuyện thuốc cháy hàng liên tục, có giá cao cắt cổ. 

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, dù là chữa cúm cho bất cứ ai, nhất là trẻ nhỏ cũng cần ghi nhớ nguyên tắc: Chỉ dùng thuốc chữa cúm cho trẻ khi xác định rõ trẻ mắc cúm và đó là loại cúm gì. Không tự ý mua thuốc Tamiflu về dùng khi bị mắc cúm mà không có sự tư vấn của bác sĩ.

Chia sẻ