Nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa sau Tết
Viêm tiểu phế quản, viêm phổi, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa là những chứng bệnh khiến nhiều trẻ phải đến bệnh viện trong những ngày sau Tết Quý Tỵ.
Từ mùng 7 Tết, khu vực khám của các bệnh viện nhi tại TP HCM đã chật bệnh nhân. Hầu hết các bé đều mắc chứng ho sốt kéo dài hoặc rối loạn tiêu hóa.
Đông hơn cả là Bệnh viện Nhi Đồng 1, phụ huynh đưa trẻ đến khám tấp nập từ sáng sớm cuối tuần qua. Thống kê trong ngày mùng 9 Tết cho thấy có gần 5.000 trẻ đến khám, trong đó phần lớn mắc bệnh hô hấp. Hiện bệnh viện có khoảng 1.000 trẻ nằm viện điều trị, dẫn đầu vẫn là khoa Hô hấp và Tiêu hóa.
"Bệnh thường thấy là chứng viêm hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, hen suyễn, viêm phổi. Không ít trẻ bệnh kéo dài trong mấy ngày Tết nhưng phụ huynh ngại không đưa đến bệnh viện nên bệnh trở nặng hơn", một bác sĩ khoa Hô hấp cho biết.
Cảnh trẻ chờ khám bệnh sáng 18/2 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ảnh: Thiên Chương
Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu Hóa cho biết, tuy không tăng vọt về số ca nhập viện song vẫn có khoảng 130 trẻ đang điều trị nội trú.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ sáng ngày 18/2 đến sáng nay, bệnh nhi từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM cũng ồ ạt đến. Thống kê cho thấy, từ ngày 16/2, mỗi ngày bệnh viện có khoảng hơn 3.000 lượt trẻ khám.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, từ trong Tết, lượng trẻ nhập viện do tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa đã tăng dần lên. Đến nay, số trẻ mắc bệnh tiêu hóa dẫn đầu về số ca điều trị nội trú.
Theo nhận định của các bác sĩ, kinh nghiệm cho thấy số ca bệnh sẽ còn tăng hơn trong vài tuần tới. Độ tuổi thường đổ bệnh hô hấp sau Tết là chủ yếu là trẻ đến trường (nhiều nhất ở tuổi mầm non) do các bé thay đổi nếp sinh hoạt. Bệnh tiêu hóa vẫn có nguy cơ tăng do chế độ ăn uống trước, trong và sau Tết khác nhau.
Để phòng bệnh tiêu hóa cho trẻ, bác sĩ Thạch khuyên phụ huynh nên chú ý không cho trẻ dùng những loại thức ăn, bánh mứt còn thừa lại sau Tết, tránh dùng những loại thức ăn hâm đi hâm lại nhiều lần. Với bệnh hô hấp, khi thấy trẻ ho hoặc sốt kéo dài thì nên đưa đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì cho rằng, ngoài các bệnh trên, phụ huynh cũng phải lưu ý đến bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.
"Đây không phải là mùa cao điểm của hai bệnh này nhưng có trường hợp bệnh nặng. Phụ huynh không nên chủ quan trước các triệu chứng trẻ sốt kéo dài trên 2 ngày", bác sĩ Hùng nói.
Viêm tiểu phế quản, viêm phổi, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa là những chứng bệnh khiến nhiều trẻ phải đến bệnh viện trong những ngày sau Tết Quý Tỵ.