Nhiều phụ nữ TPHCM sợ không nuôi nổi con

Vân Sơn,
Chia sẻ

Tại TPHCM, tỷ suất sinh đang ở mức thấp nhất so với cả nước. Những áp lực từ cuộc sống, khó khăn về kinh tế sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến không ít phụ nữ sợ nuôi con hơn sinh con.

Sợ nuôi không nổi

Hơn 8 năm trước, vợ chồng chị Lê Nguyễn Bình Minh (28 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân) sinh cậu con trai đầu lòng. Sau khi sinh, cậu bé được gửi về quê nhờ ông bà ngoại chăm sóc.

Sau dịch COVID-19, kinh tế khó khăn, vợ làm công nhân, chồng làm nghề buôn bán tự do nên thu nhập của vợ chồng chị Minh bấp bênh. Có tiền gửi về nuôi con và lo chi phí sinh hoạt hằng tháng cùng tiền thuê nhà trọ với vợ chồng chị đang là áp lực rất lớn. Đầu tháng 3, chị Minh quyết định đến Bệnh viện Hùng Vương cấy que tránh thai lần thứ hai để trì hoãn việc sinh con.

“Với người phụ nữ, làm mẹ là thiên chức cao cả đối với bản thân, gia đình và xã hội. Mỗi em bé chào đời sẽ là mầm non tương lai, giúp quốc gia đạt mức sinh thay thế, kéo giảm hoặc ngăn chặn tình trạng già hóa dân số, đáp ứng được sự phát triển bền vững của toàn xã hội”.

PGS. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương

“Nếu bây giờ có thêm con, chúng tôi không thể lo nổi cho cùng lúc hai đứa trẻ. Với tôi việc mang thai và sinh con không khó nhọc nhưng nuôi dạy con là cả một bài toán nhiều thách thức và rất tốn kém cho cả quá trình từ mang thai đến khi con chào đời và đi học. Tôi trì hoãn thêm 3 năm nữa mới tính tiếp là có sinh bé thứ hai hay không” - chị Minh chia sẻ.

Chị Bùi Thị Hương Giang (36 tuổi, ngụ tại thành phố Thủ Đức) quyết định thắt ống dẫn trứng. Chị chia sẻ:

 “Con gái đầu lòng của vợ chồng tôi năm nay 8 tuổi, mọi người đều khuyên tôi sinh thêm một bé nữa cho có chị, có em. Nhưng vợ chồng tôi sẽ không sinh thêm. Để tránh bị vỡ kế hoạch, tôi chọn phương pháp triệt sản”.

Chị Giang bộc bạch: “Tôi không sợ mang thai, không sợ đau và cũng không sợ xấu đi khi sinh em bé nhưng tôi rất sợ quá trình nuôi con. Mẹ tôi không còn, mẹ chồng ở quê tuổi đã cao. Ông xã với đặc thù công tác trong quân ngũ nên thường xuyên vắng nhà. Tôi gần như phải một mình nuôi con. Tôi không gửi con về quê vì không muốn con phải xa mẹ nhưng cũng không đủ chi phí để thuê người chăm sóc nên đã cố gắng hết sức để gồng gánh”.

Sau sinh 6 tháng, theo quy định, người mẹ phải đi làm nhưng trường mầm non chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi nên chị Giang buộc phải gửi con ở một nhà trẻ tư nhân. “Đó là những tháng ngày khó khăn chồng chất. Bé hay ốm vặt, thường phải đến bác sĩ. Ngày đi làm, đêm đến thì con đau bệnh, quấy khóc khiến tôi bị kiệt sức, có thời điểm rơi vào trầm cảm” - chị Giang bùi ngùi nhớ lại.

Đang làm ở một công ty du lịch, thu nhập ổn định, chị Giang quyết định nghỉ việc để dồn mọi tâm lực cho việc chăm sóc con. 

“Tôi chuyển sang bán hàng online, vừa kết hợp nội trợ và đưa đón con đi học. Nuôi con mới thấy chi phí từ tiêm phòng đủ loại vắc xin đến tiền ăn, tiền trường, tiền học thêm. Tiền học tiếng Anh, âm nhạc tại các trung tâm chi phí rất tốn kém. Tôi không muốn lặp lại giai đoạn đầy khó khăn và càng không muốn con gái phải khổ cùng mẹ chỉ vì có thêm em. Với thu nhập của hai vợ chồng hiện nay, chúng tôi chỉ đủ sức để nuôi một con” - chị nói.

Theo Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, tổng tỷ suất sinh năm 2022 trên địa bàn thành phố chỉ đạt mức 1,39 con/phụ nữ, thấp hơn năm 2021. TPHCM hiện là một trong 21 tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước. Thực trạng trên khiến thành phố đối mặt tình trạng già hóa dân số, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội.

Chia sẻ gánh nặng

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ TPHCM cho biết, với các gia đình trẻ, việc ngại sinh con xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, trong đó làm thế nào để trẻ sinh ra khỏe mạnh, thông minh được nuôi dưỡng đầy đủ luôn là thách thức. "Môi trường học tập cho trẻ mầm non đang là một bài toán rất khó. Dù mỗi năm đều có nhiều nhà trẻ được xây dựng mới trong khu dân cư hoặc khu chế xuất, khu công nghiệp nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng" - bà Hoa nói.

Liên quan vấn đề tỷ suất sinh tại TPHCM đang ở mức thấp, PGS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, đồng thời là đại biểu HĐND TPHCM, cho biết, năm 2022, tổng số phụ nữ đến sinh tại bệnh viện giảm khoảng 30% so với giai đoạn trước dịch bệnh. Theo BS Tuyết, tình trạng trên một phần là do tác động của giai đoạn hậu COVID-19 nhưng đồng thời cũng cho thấy mức sinh của phụ nữ đang trên đà suy giảm.

“Tôi cũng từng là người phụ nữ mang thai, sinh con nên khi quyết định mang thai có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Một là, liệu mình có đủ tiền để dưỡng thai và sinh con hay không. Hai là, sau khi sinh ai sẽ là người giữ con cho mình để có thể đi làm trở lại. Ba là khả năng kinh tế của vợ chồng có đủ để nuôi dưỡng đứa trẻ từ khi chào đời cho đến khi khôn lớn trưởng thành hay không” - PGS.BS Tuyết chia sẻ.

HĐND TPHCM thời gian qua rất quan tâm hỗ trợ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có điều kiện tốt nhất để tự tin mang thai với hy vọng mỗi cặp vợ chồng sẽ sinh đủ 2 con. Hội Phụ nữ thành phố đang nỗ lực để giúp chị em có được những nghề nghiệp, công việc phù hợp, kiếm thêm thu nhập tùy theo hoàn cảnh của mỗi người. Thành phố đang chủ trương phát triển thêm nhiều trường mầm non để giúp các cặp vợ chồng trẻ có thể gửi con từ lúc trẻ được 6 tháng tuổi.

Chia sẻ