Nhiều người Việt thích ăn cà muối tự làm kiểu này: Vô tình nạp chất độc vào cơ thể, lâu ngày gây ung thư
"Càng để lâu kiểu này, cà muối càng ngon, ăn cơm phải hết vài bát. Chứ thời tiết kiểu này, ăn cơm cá thịt chẳng thể nào nuốt nổi", cô Ngọc kể.
Cô Ngọc (Hà Nam) rất thích ăn cà muối tự làm. Cứ vào mùa hè, cô lại muối cả hộp cà lớn cho cả gia đình. Nhà cô không thích ăn cà muối xổi như ngoài hàng vẫn bán. Loại cà mà gia đình cô thích cần muối thật mặn, đựng trong bình nhựa hàng tháng.
"Càng để lâu kiểu này, cà muối càng ngon, ăn cơm phải hết vài bát. Chứ thời tiết kiểu này, ăn cơm cá thịt chẳng thể nào nuốt nổi", cô Ngọc kể.
Cô Ngọc (Hà Nam) rất thích ăn cà muối tự làm. (Ảnh: TM)
Cà cô muối ăn cơm thật sự rất ngon. Những quả cà được "ăn" nhiều muối, cứ săn lại, nhai trong miệng giòn tan và vị mặn rất cuốn. Chẳng trách mà mỗi bữa ăn cơm với cà muối thôi, cô cũng ăn được mấy bát liền. Thêm bát canh cua ngày hè, bữa cơm của gia đình thực sự ngon khó cưỡng.
Thế nhưng khi chiêm ngưỡng "nơi ở" của những quả cà muối này, tôi bất giác rùng mình. Cà muối đựng trong lọ nhựa lâu ngày. Nước muối cà có màu vàng đục, nhờ nhờ, rất nhiều váng nổi. Dùng đũa đảo lên xem, nước có độ nhớt chứng tỏ để lưu cữu từ lâu.
Cô Ngọc cười xòa: "Chẳng sao đâu! Đem rửa sạch rồi ăn vẫn ngon, sạch, không phải lo. Đồ mình tự làm, có gì mà phải sợ?".
Ăn cà muối mặn lâu ngày trong hộp nhựa dễ nạp chất độc vào cơ thể
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viêng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), nhiều bà nội trợ có thói quen muối dưa cà muối mặn lâu ngày trong những bình nhựa. Thói quen này không tốt cho sức khỏe.
Nhiều bà nội trợ có thói quen muối dưa cà muối mặn lâu ngày trong những bình nhựa. (Ảnh: TM)
"Nước muối mặn tạo phản ứng với các hợp chất hóa dẻo của nhựa, tạo thành chất độc, thôi nhiễm vào cà muối. Càng để lâu, sự thôi nhiễm càng lớn, người ăn dễ bị nhiễm độc", chuyên gia khẳng định.
Nhất là những loại cà muối để lâu ngày, xuất hiện nổi váng màu vàng hoặc đen, nước có màu đục vàng bất thường. Lúc này, cà muối đã chuyển qua giai đoạn nhiễm khuẩn nấm độc hại. Ăn lâu ngày sẽ tích tụ chất độc trong người, nguy cơ ung thư cao.
Mặc dù vậy, nhiều chị em lại cho rằng, cà muối ăn vẫn ngon, chỉ cần rửa sạch váng đi là đem vào cho cả nhà dùng bữa. Thực tế, nấm mốc có thể xâm nhập vào từng quả cà. Việc rửa chỉ giải quyết bên ngoài, nhìn bằng mắt mà thôi.
Ăn cà muối quá mặn gây ảnh hưởng sức khỏe tim mạch, tiềm ẩn nguy cơ ung thư dạ dày
Nhiều người muối cà thường cho rất nhiều muối trắng vì thế mới ngon hơn. Tuy nhiên, thói quen này rất không tốt cho sức khỏe, sản sinh chất gây ung thư cực độc.
Theo số liệu điều tra của Bộ Y tế, hiện nay, trung bình mỗi người Việt hàng ngày đang ăn thừa gấp 2-3 lần so với lượng muối theo khuyến nghị là 5g/ngày.
Đáng nói, nhiều năm qua, thói quen ăn mặn của người Việt đã có những hậu quả rõ ràng qua các con số. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2017, hơn 541.000 người Việt tử vong.
Trong đó nguyên nhân do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 76%, đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gút... Đặc biệt phải kể đến là ung thư dạ dày.
Và không nói ngoa khi trên mâm cơm của người Việt liên tục xuất hiện những món ăn như cà muối quá mặn thì làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
Khi ăn cà muối cần tuân thủ những điều gì để tránh gây bệnh cho cả nhà?
- Cà muối nên được muối trong vại gốm, sành không trang trí lòe loẹt hoa văn, màu sắc.
- Có thể muối cà bằng hộp nhựa màu trắng, có độ bền và độ dẻo, sản xuất từ nhựa PVC, đảm bảo chất lượng an toàn.
- Trước khi muối cà phải rửa sạch nguyên liệu và các dụng cụ để muối thật kỹ.
- Tạo môi trường lên men tốt và giữ gìn vệ sinh trong quá trình muối cà.
- Khi lấy cà ra ăn mà vẫn có vị ngai ngái thì cần dừng lại, không ăn nữa.
- Không ăn cà nén hoặc muối chua nổi váng màu vàng hoặc đen.
- Không ăn cà muối xổi, ăn cà muối chấm mắm tôm.