Nhiều cha mẹ không ngờ: Hành động này của họ quyết định tương lai con cái 10 năm sau!
Chỉ 1 hành động nhỏ của cha mẹ cũng có thể thay đổi cuộc đời con cái.
"Bố mẹ về nhà việc đầu tiên là gì?" - Khi được hỏi, hai học sinh tiểu học nọ lập tức đáp: "Chơi điện thoại", "Ăn cơm cũng chơi, đi vệ sinh cũng chơi, con học bài bố mẹ vẫn ngồi bên lướt TikTok…".
Câu trả lời tưởng chừng hồn nhiên ấy lại phản ánh một thực trạng đáng suy ngẫm: khi người lớn mải mê với điện thoại nhưng lại mong con chăm học, ngoan ngoãn và tự giác.
Nhà văn Lev Tolstoy từng nói: "99,9% giáo dục là tấm gương từ cha mẹ". Khi bạn bước vào nhà, việc bạn chọn cầm điện thoại hay cầm cuốn sách - không chỉ thể hiện thói quen sống, mà còn là cách bạn gieo mầm giá trị trong lòng con.
Một cô giáo kể lại: cô từng dạy một học sinh có học lực kém môn Văn. Dù đã khuyên em đọc thêm sách, giới thiệu tài liệu phù hợp, nhưng suốt học kỳ, kết quả vẫn không cải thiện. Cho đến khi cô trò chuyện riêng, em nói: "Bố mẹ em có bao giờ đọc đâu. Chỉ biết chơi điện thoại. Mà suốt ngày bắt em học, sao công bằng?",
Cô giáo gọi điện cho phụ huynh, nhẹ nhàng đề nghị cha mẹ cùng đọc sách với con. Nhưng nhận lại chỉ là câu trả lời: "Bọn tôi bận lắm, lấy đâu ra thời gian".

Ảnh minh họa
Gốc rễ của con cái là cha mẹ. Vấn đề của trẻ thực chất là vấn đề của gia đình. Cách bạn ở nhà quyết định cuộc sống của con bạn mười năm sau. Thay vì chỉ trích con ham chơi, hãy thử nhìn lại thói quen của chính mình. Trẻ học bằng quan sát. Nếu cha mẹ suốt ngày ôm điện thoại, không bao giờ cầm sách, không sống có kỷ luật, thì làm sao đòi hỏi con tự giác và siêng năng?
Muốn con chăm học, cha mẹ phải là người biết học
Một thầy giáo từng kể lại một trải nghiệm đáng nhớ. Một học sinh của anh thường cúi gằm mặt trong lớp, tay luôn nghịch dưới bàn. Anh quyết định sẽ nói chuyện với phụ huynh trong buổi họp.
Ngày hôm đó, bước vào lớp, anh lập tức nhận ra cha của học sinh ấy - vì người đàn ông kia cũng đang cúi đầu… chơi điện thoại dưới bàn, y hệt con mình.
Không ít bậc phụ huynh than phiền: "Con tôi chỉ thích chơi game, không chịu học". Nhưng lại quên rằng con đang soi chiếu chính hành vi của cha mẹ. Bạn chơi điện thoại, con cũng muốn chơi. Bạn mệt mỏi than vãn, con cũng dễ chán nản, lười biếng.
Một học sinh lớp 6 từng viết trong bài văn: "Con đang làm bài, bố mẹ ngồi cạnh chơi điện thoại. Tối nào về nhà cũng than mệt nhưng ôm điện thoại không rời. Rồi lại trách con nghiện điện thoại, trong khi thời gian con chơi còn chưa bằng nửa bố mẹ".
Trẻ không lớn lên theo lời dạy, mà lớn lên theo hình mẫu. Gia đình không cần nói quá nhiều, chỉ cần làm gương. Nhiều cha mẹ thắc mắc: "Vì sao con nhà người ta ham học, ngoan ngoãn?". Nhưng khi hỏi chính những bậc phụ huynh có con xuất sắc, họ thường chỉ nói: "Chúng tôi chẳng làm gì đặc biệt cả, chủ yếu là con tự giác thôi".
Sự "tự giác" ấy, thực chất đến từ một môi trường sống tích cực. Một thủ khoa kỳ thi trung học và đại học ở Trung Quốc từng chia sẻ: "Có lúc em cũng chán học. Nhưng thấy bố mẹ tắt TV, ngồi xuống đọc sách, em cũng không nỡ lười biếng".
Trong nhiều gia đình, việc cha mẹ ngồi vào bàn học cùng con, không lên lớp, không giảng giải, chỉ đơn giản là đồng hành - lại là cách giáo dục hiệu quả nhất. Giáo dục không phải là áp đặt, càng không phải là mệnh lệnh. Đó là hành trình gieo cảm hứng, mà người gieo phải là chính cha mẹ.
Học giả Usinski từng nói: "Tấm gương là ánh mặt trời dịu dàng chiếu rọi tâm hồn trẻ - không gì thay thế được".
Nếu cha mẹ chỉ có một ly nước, thì chỉ có thể rót cho con một ly. Nếu muốn cho con một nguồn dưỡng chất dài lâu, cha mẹ phải là dòng suối - không ngừng chảy, không ngừng học.
Bắt đầu từ hôm nay, hãy thử bước vào nhà, gác điện thoại sang một bên, cầm lấy sách, ngồi xuống cạnh con. Không cần nhiều lời. Chỉ một hành động nhỏ ấy thôi, có thể làm thay đổi cả thói quen học tập và tương lai của con.