Một cô gái bị giam 7 ngày, lý do khiến dân mạng ủng hộ: Không dạy 1 bài học, tương lai thành kẻ bất hiếu!

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Buổi livestream lúc cao điểm thu hút tới hơn 300 người theo dõi, gây nên ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng trong xã hội.

Ngày 14/7, đồn công an Đại Bình (thành phố Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã nhận được tin báo từ người dân về việc một nữ streamer có hành vi lăng mạ mẹ ruột ngay trong buổi phát sóng trực tiếp trên mạng. Những lời lẽ của cô ta bị đánh giá là thô tục, phản cảm. Đáng chú ý, video ghi lại cảnh này đã bị người xem quay màn hình lại và lan truyền rộng rãi trên mạng, khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định người phụ nữ tên là Trần Mỗ Lợi. Hôm xảy ra sự việc, khi đang livestream tại nhà, cô bị mẹ, vừa từ ngoài đồng làm việc trở về trách mắng vài câu. Do không hài lòng với lời góp ý của mẹ, Trần Mỗ Lợi đã nảy sinh tranh cãi với bà. 

Một cô gái bị giam 7 ngày, lý do khiến dân mạng ủng hộ: Không dạy 1 bài học, tương lai thành kẻ bất hiếu!- Ảnh 1.

Bất chấp việc nhiều cư dân mạng lên tiếng can ngăn trong phần bình luận, Trần Mỗ Lợi không những không dừng lại mà còn tỏ ra hung hăng hơn.

Điều đáng lên án là sau đó, cô ta tiếp tục buông lời xúc phạm mẹ mình một cách công khai ngay trong buổi phát sóng trực tiếp. Bất chấp việc nhiều cư dân mạng lên tiếng can ngăn trong phần bình luận, Trần Mỗ Lợi không những không dừng lại mà còn tỏ ra hung hăng hơn. Buổi livestream lúc cao điểm thu hút tới hơn 300 người theo dõi, gây nên ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng trong xã hội.

Quá trình điều tra sâu hơn còn cho thấy đây không phải lần đầu Trần Mỗ Lợi có hành vi phát ngôn thiếu chuẩn mực trong các buổi phát sóng. Với mục đích thu hút sự chú ý và tăng mức độ tương tác từ người xem, cô từng nhiều lần sử dụng tiếng địa phương để công khai chửi bới người khác, liên tục vượt qua ranh giới đạo đức và pháp luật.

Trên thực tế, vào ngày 14/5 năm nay, cô từng bị cơ quan công an cảnh cáo trực tiếp vì hành vi tương tự. Khi đó, Trần Mỗ Lợi đã viết bản cam kết bằng tay, hứa sẽ không tái phạm. Tuy nhiên, đến khi bị triệu tập, cô vẫn thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm lần này, cho biết động cơ là để "câu view" và thừa nhận đã cố tình mạt sát, lăng mạ người khác ngay trên sóng livestream.

Hiện tại, Trần Mỗ Lợi đã bị công an xử lý hành chính với hình phạt tạm giữ 7 ngày do hành vi công khai xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Một hiện tượng lệch chuẩn đạo đức

Hành vi của Trần Mỗ Lợi không chỉ vi phạm pháp luật mà còn chạm đến giới hạn không thể chấp nhận trong đạo đức truyền thống: tội bất hiếu. Trong văn hóa Á Đông nói chung và xã hội Trung Quốc nói riêng, chữ "hiếu" luôn được coi là nền tảng của đạo lý làm người, là chuẩn mực đạo đức quan trọng nhất trong mối quan hệ gia đình. 

Việc một người con công khai mắng chửi, nhục mạ mẹ ruột, người đã vất vả nuôi nấng mình không chỉ là sự suy đồi nhân cách cá nhân, mà còn là cái tát vào những giá trị đạo đức được truyền dạy từ bao đời.

Đáng buồn hơn, Trần Mỗ Lợi không thực hiện hành vi trong lúc nóng giận bộc phát riêng tư, mà cố tình đưa sự hỗn láo lên mạng xã hội để "câu view", đổi lấy tương tác, bất chấp danh dự của chính mẹ mình. Sự lạnh lùng, vô cảm trước hình ảnh người mẹ già lam lũ vừa từ đồng ruộng trở về, đối lập hoàn toàn với thái độ ngang ngược, sỗ sàng của cô con gái trước ống kính livestream, khiến cộng đồng mạng không khỏi phẫn nộ. 

Đây là minh chứng rõ ràng cho hiện tượng lệch chuẩn đạo đức trong một bộ phận giới trẻ hiện nay, khi danh vọng ảo, lượt xem và sự nổi tiếng nhất thời có thể khiến người ta đánh đổi cả luân thường đạo lý.

Sự việc này không chỉ là một bài học về pháp luật, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về sự mai một của lòng hiếu thảo và trách nhiệm đạo đức trong đời sống hiện đại.

Đừng để con lớn lên mà không biết yêu thương và tôn trọng cha mẹ

Từ vụ việc Trần Mỗ Lợi công khai livestream mắng chửi mẹ ruột, nhiều bậc cha mẹ không khỏi giật mình tự hỏi: Mình đã dạy con như thế nào về lòng hiếu thảo? Một đứa trẻ không tự dưng trở nên bất kính với cha mẹ, không tự dưng xem việc mắng chửi người thân là "chiêu trò" để đổi lấy sự chú ý trên mạng. Đằng sau hành vi đáng lên án đó có thể là một khoảng trống trong giáo dục gia đình, khi con lớn lên mà thiếu sự dẫn dắt đúng đắn về đạo đức, thiếu những giới hạn rõ ràng về cách hành xử với người thân.

Hiếu thảo không phải tự nhiên mà có, đó là điều cần được dạy từ nhỏ. Trẻ em cần được chứng kiến sự yêu thương, tôn trọng giữa cha mẹ với ông bà, giữa các thành viên trong gia đình, chứ không chỉ nghe những bài giảng lý thuyết. Nếu cha mẹ thường xuyên lớn tiếng với ông bà, chê bai người thân trước mặt con, thì đừng ngạc nhiên khi đến một ngày con cũng lặp lại hành vi đó. Trẻ em học từ cách người lớn sống, không phải từ những lời răn dạy sáo rỗng.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dạy con biết sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm. Khi giới trẻ ngày càng bị cuốn vào vòng xoáy "câu like", "tăng tương tác", "kiếm tiền từ livestream", thì việc định hình ranh giới đạo đức, phân biệt đúng - sai trong môi trường số lại càng quan trọng. Phải dạy con rằng không có lượt xem nào đáng để đánh đổi danh dự gia đình, càng không có sự nổi tiếng nào có thể bù đắp cho vết thương con gây ra cho người thân của chính mình.

Cuối cùng, vụ việc này cũng nhắc nhở các bậc làm cha làm mẹ rằng: tình thương dành cho con phải đi kèm với việc rèn rũa nhân cách, không nuông chiều mù quáng, không để con lớn lên trong cảm giác mình có thể làm gì cũng được, nói gì cũng xong. Tôn trọng cha mẹ là nền tảng, nhưng biết kiểm soát bản thân, biết đâu là giới hạn cũng là điều cha mẹ phải dạy cho con càng sớm càng tốt trước khi người đời dạy thay bằng những hình thức nghiêm khắc hơn.

Chia sẻ