Bà mẹ Hà Nội mừng rỡ khoe: "Gần chục năm rồi, con trai mới đồng ý để bố chở", nhiều người "mắng": Chị kể câu chuyện này để rút ra bài học gì?
Đừng để sự kết nối giữa cha mẹ và con cái chỉ được tái lập sau một thập kỷ lặng thinh!
Mới đây, một bài viết chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút nhiều lượt tương tác. Một người mẹ kể lại hành trình làm cha mẹ đầy trắc trở của mình - từ cú sốc khi con trai lớp 7, cho đến khoảnh khắc gần chục năm sau, con chủ động gọi về bảo bố mẹ lên đón nhân dịp lễ.
Cụ thể, chị chia sẻ, mùa hè năm con trai lớn học lớp 7, sau khi bị bố đánh vì đi chơi game, cậu bé cắt đứt hoàn toàn quan hệ với bố: không nói chuyện, không đi chung xe, không nhận tiền, dù đi đâu cũng tách riêng. Mối quan hệ cha con lạnh nhạt suốt từ cấp 2 đến đại học, dù con học trường chuyên, đỗ Bách khoa. Tuy nhiên, bất ngờ là vừa qua, con chủ động gọi bố mẹ lên đón, chấp nhận để bố chở đi - lần đầu tiên sau gần 10 năm "mở lòng".
Cậu con trai thứ hai cũng khiến cả nhà chật vật khi học lớp 9: thường xuyên nghỉ học, chơi game, nổi loạn, đánh lại mẹ khi bị kéo dậy đi học. Dù vẫn đỗ cấp 3 tốt, con chỉ đồng ý vào trường đại học khi mẹ hứa cho máy tính. Suốt năm học, người mẹ rất mệt mỏi. Nhưng đến ngày sinh nhật mẹ, con bất ngờ viết thư dài gửi mẹ khiến chị xúc động bật khóc.
Người mẹ kết lại với niềm tin: "Rồi một ngày, các con cũng sẽ trưởng thành. Mong các bố mẹ giữ vững niềm tin".
Nhiều người đồng cảm. Có người nói họ thấy bóng dáng mình trong đó, rơi nước mắt khi con viết cho mẹ một bức thư dài. Nhưng cũng không ít ý kiến phản biện, cho rằng ẩn sau câu chuyện tưởng như có hậu ấy là một khoảng tối rất lớn của sự đứt gãy trong mối quan hệ cha mẹ - con cái. Và rằng, một cái ôm sau 10 năm xa cách không thể xem là dấu chấm hết của một hành trình đau lòng, mà đúng hơn là dấu chấm hỏi: Tại sao lại để điều đó xảy ra?

Ảnh minh hoạ
10 năm - Một sự im lặng quá dài
Trong bài chia sẻ, người mẹ nói rõ: từ lúc bị bố đánh đau vì đi chơi game, cậu con trai lập tức cắt đứt mọi kết nối với bố. Không nói chuyện. Không đi cùng xe. Không nhận tiền. Dù đi cùng bố mẹ ra Hà Nội cũng tự bắt xe riêng. Mười năm trôi qua trong im lặng, đến tận năm thứ tư đại học, con trai mới chủ động gọi bố mẹ đến đón.
Nếu nhìn bằng cảm xúc tích cực, đây là cái kết "mở lòng", là tín hiệu cho thấy con đã lớn, đã hiểu, đã tha thứ. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, câu hỏi lớn là: Tại sao 10 năm ấy lại trôi qua mà không ai trong gia đình cố gắng tháo gỡ? Tại sao giữa cha và con có thể duy trì sự xa cách đến mức lạnh lùng như người dưng suốt một phần cuộc đời đứa trẻ?
Rất nhiều phụ huynh đặt câu hỏi dưới phần bình luận: Nếu cậu bé không phải là đứa "hiểu chuyện", biết cố gắng trong học tập, không đi chệch hướng thì điều gì sẽ xảy ra? Liệu bố mẹ có vẫn bình thản "giữ vững niềm tin" như câu kết trong bài?
Có thật con "hiểu hết" và cha mẹ không sai?
Một số người bình luận rằng, những đứa trẻ dù bướng bỉnh, nổi loạn, đến cuối cùng rồi cũng sẽ hiểu và quay về với gia đình. Nhưng hiểu ở đây là gì? Hiểu rằng mình từng bị tổn thương nhưng vẫn phải nén lại? Hiểu rằng mình từng bị bỏ mặc mà không thể trách móc? Hay hiểu rằng im lặng là cách duy nhất để sống sót trong một gia đình không biết lắng nghe?
Có người viết thẳng: "Nếu con thật sự hiểu chuyện, đã không cư xử như thế với bố mẹ suốt 10 năm. Còn nếu nó cư xử như vậy, tức là trong lòng có nỗi giận chưa được giải tỏa. Đó là trách nhiệm của người lớn chứ không thể đẩy hết sang đứa trẻ được".
Sự "im lặng" và "khoảng cách" không tự nhiên mà có. Đó là sản phẩm của một giai đoạn cha mẹ không đủ thấu cảm, không tìm cách kết nối lại sau khi đã làm tổn thương con. Đánh con vì đi chơi game không phải chuyện quá lớn nhưng bỏ mặc cơn giận của con trong 10 năm, thì lại là một cú đổ vỡ.
Không ai phủ nhận, những đứa trẻ như cậu con trai đầu trong câu chuyện kể trên thật sự mạnh mẽ. Sau một tuổi thơ thiếu gắn kết, vẫn cố gắng học hành, vẫn giữ đạo đức và không sa ngã. Nhưng nếu cứ vin vào những kết quả ấy để "hợp lý hóa" quá trình lớn lên đầy lỗ hổng tâm lý thì lại là một sai lầm lớn.
Nhiều nhà tâm lý học cho rằng, trẻ em có xu hướng nội hóa tổn thương. Chúng không nói không có nghĩa là không đau. Chúng vẫn "hiểu hết" nhưng có thể trưởng thành với một khoảng trống rất lớn trong lòng. Không phải đứa trẻ nào cũng may mắn đủ nghị lực để vượt qua những tổn thương mà không để lại hệ quả lâu dài như trầm cảm, rối loạn hành vi, hoặc khủng hoảng giá trị bản thân.
Một bạn đọc phản hồi rất thẳng: "Mình thấy đây là lời cảnh tỉnh hơn là bài học nhẹ nhàng. Nếu bố mẹ không chủ động nối lại sợi dây tình cảm với con, đừng hy vọng nó sẽ tự quay lại. Cũng đừng lầm tưởng rằng mọi thứ đã ổn chỉ vì con vẫn học tốt và sống tốt".
Tình cảm gia đình không thể mặc định sẽ luôn còn mãi
Gia đình không tự động là nơi an toàn nếu người trong đó không nỗ lực nuôi dưỡng tình yêu thương. Tình cảm cha con, mẹ con dù gắn bó máu mủ cũng có thể héo mòn nếu bị bỏ mặc. Một khi sự im lặng đã kéo dài suốt thập kỷ, thì niềm tin không thể trở lại chỉ bằng một cái gật đầu hay một chuyến xe về quê.
Không thể khuyên phụ huynh hãy "yên tâm giữ vững niềm tin" nếu chính họ đã không làm phần việc của mình. Niềm tin chỉ đáng giá khi đi kèm hành động: cùng con học cách giải quyết mâu thuẫn, lắng nghe, nhận lỗi và kiên trì kết nối. Một cái ôm muộn màng vẫn quý, nhưng đừng để đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm.
Câu chuyện người mẹ kể, xét cho cùng, là một lời nhắc nhở: đừng để sự kết nối giữa cha mẹ và con cái chỉ được tái lập sau một thập kỷ lặng thinh. Có thể hôm nay con chưa hiểu, nhưng nếu bạn yêu con thật lòng và không bỏ mặc, sẽ không mất đến 10 năm để chờ đợi điều kỳ diệu.