Nhiễm nấm âm đạo khi mang bầu và những nguy hiểm cho thai nhi
Người mẹ bị nấm âm đạo không những có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, gây dị tật thai, sức đề kháng của thai yếu, dễ sinh non... mà còn có thể làm lây lan sang cho thai nhi khi sinh thường.
Em đang mang thai ở tháng thứ 5, nhưng lần đi khám vừa rồi bác sĩ nói em bị viêm âm đạo. Em đã chữa trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ nhưng bệnh vẫn chưa giảm, thậm chí có phần nặng thêm (vì em luôn cảm thấy ngứa và khó chịu, có mùi hôi nữa). Bác sĩ khám cho em nói phải điều trị triệt để, nếu không sẽ có ảnh hưởng xấu đến con. Điều này làm em vô cùng lo lắng. Bác sĩ cho em hỏi, nếu để tình trạng viêm âm đạo nặng có thể gây ra những ảnh hưởng gì đến thai nhi? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (K. Thanh)
Trả lời:
Bạn K. Thanh thân mến!
Trong thời kì mang thai, nội tiết tố trong cơ thể thay đổi dẫn đến mất cân bằng về độ pH trong âm đạo nên sản phụ dễ bị nhiễm nấm âm đạo. Sự tăng hoặc giảm lượng đường, axit của cơ thể cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo. Thực tế, các loại nấm này luôn tồn tại sẵn trong âm đạo và thường không gây khó chịu gì nếu chị em khỏe mạnh. Nhưng một khi môi trường âm đạo bị thay đổi, mất cân bằng (do quá trình thai nghén tăng tiết hợp chất glycogen trong âm đạo), các loại nấm sẽ có cơ hội sinh sôi nhiều hơn, dẫn đến phát triển bệnh nấm âm đạo.
Khi bị nấm âm đạo, dù có mang thai hay không thì chị em cũng thường thấy các biểu hiện như: vùng âm đạo tấy đỏ, ngứa, đau và nóng rát, đi tiểu thường xuyên, có dịch màu ngà hoặc trắng chảy ra từ âm đạo...
Người mẹ bị nấm âm đạo không những có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, gây dị tật thai, sức đề kháng của thai yếu, dễ sinh non... Ảnh minh họa
Mặc dù nấm âm đạo là bệnh phổ biến ở phụ nữ nhưng nếu nó xuất hiện trong thời kì mang thai thì có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Người mẹ bị nấm âm đạo không những có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, gây dị tật thai, sức đề kháng của thai yếu, dễ sinh non... mà còn có thể làm lây lan sang cho thai nhi khi sinh thường, gây nấm niêm mạc miệng, nấm phổi, trẻ suy dinh dưỡng...
Để phòng tránh bị nấm âm đạo tại bất kì thời điểm nào, kể cả khi mang bầu, chị em cần lưu ý những điểm sau:
- Có chế độ ăn nhiều rau và hoa quả kết hợp với uống đủ nước là phương pháp điều trị nhiễm nấm âm đạo tự nhiên hiệu quả.
- Mặc quần lót cotton không nhuộm màu và giữ cho vùng âm đạo luôn khô ráo, sạch sẽ.
Với những bà bầu bị nhiễm nấm âm đạo nên: Luôn giữ cho vùng âm đạo sạch, khô và tốt nhất không nên mặc quần lót khi đi ngủ để tăng cường lưu thông không khí giúp vùng kín khô, thoáng.
Vì vậy, các chị em khi đang mang bầu cần chú ý vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh nhiễm bệnh viêm âm đạo. Đặc biệt khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường chị em cần phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám kịp thời. Đối với những chị em đã mắc bệnh cần phải tuân thủ những yêu cầu do bác sỹ đặt ra, không nên quá lo lắng vì như vậy sẽ không tốt cho cơ thể và sự phát triển của thai nhi.
Bạn đang điều trị viêm âm đạo do nấm theo hướng dẫn của bác sĩ thì nên thực hiện nghiêm túc cho đủ quy trình thì bệnh mới nhanh khỏi. Nếu thấy có những thay đổi tiêu cực trong quá trình điều trị, bạn cần đi khám lại và trình bày với bác sĩ về những thay đổi đó để có hướng điều trị mới thích hợp hơn.
Chúc bạn vui khỏe và sớm khỏi bệnh!